Một ngày trước khi Elon Musk giải tán bộ phận sạc xe điện của Tesla hồi tháng 4, các nhân viên đã đặt hy vọng vào giám đốc Rebecca Tinucci - người đến gặp Musk để bàn về tương lai của lĩnh vực này. Sau khi Tinucci cắt giảm từ 15% đến 20% nhân viên 2 tuần trước đó, họ vẫn tin rằng Musk sẽ giữ nguyên kế hoạch mở rộng mạng lưới sạc trên quy mô lớn.
Tuy nhiên, cuộc họp giữa Tinucci và Elon Musk đã kết thúc không mấy tích cực. Các nhân viên cho biết Musk không hài lòng với bài thuyết trình của Tinucci và muốn sa thải thêm người. Khi cô nói rằng việc cắt giảm sâu hơn sẽ làm giảm sút chất lượng cốt lõi hệ thống sạc, vị CEO đáp lại bằng cách sa thải luôn cả cô và toàn bộ 500 cấp dưới.
Sự ra đi của vị giám đốc đã làm đảo lộn hệ thống sạc xe điện - vốn được coi là thành tựu lớn của Tesla và là động lực chính cho doanh số bán xe điện của hãng. Thống kê cho thấy Tesla Superchargers chiếm hơn 60% số cổng sạc tốc độ cao của Mỹ. Start-up xe điện cũng là kẻ chiến thắng với khoản tài trợ 5 tỷ USD của liên bang cho các bộ sạc mới.
Elon Musk không chính thức phản hồi lại thông tin của Reuters, nhưng đăng tải một ảnh chế trên trang cá nhân, ngụ ý chế giễu công ty thông tấn này.
Nhân viên cũ đột ngột mất việc, nhân viên mới bị chê “chẳng biết gì”
Dù vừa sa thải hàng loạt, Musk vẫn đăng bài trên mạng xã hội, hứa hẹn sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới sạc xe điện. Nhưng nói với Reuters, 3 cựu nhân viên bộ phận cho biết đã nhận được các cuộc gọi từ các nhà cung cấp, nhà thầu và các công ty điện lực. Nhiều người trong đó đã chi hàng triệu USD vào thiết bị và cơ sở hạ tầng để giúp xây dựng mạng lưới của Tesla.
Đầu tháng 5, một lá thư đã được giám đốc cung ứng toàn cầu gửi đến các nhà thầu và nhà cung cấp Supercharger. Trong đó, Tesla yêu cầu “tạm dừng khởi công tất cả dự án xây dựng đã được phân công” và ngừng mua vật liệu. “Tôi hiểu rằng giai đoạn thay đổi này có thể sẽ đầy thử thách. Việc chờ đợi không hề dễ dàng bởi ai cũng mong sớm được trả công”, trích lá thư.
Cựu nhân viên Tesla cho biết nhóm năng lượng của Tesla - chuyên bán các sản phẩm năng lượng mặt trời và pin lưu trữ cho gia đình và doanh nghiệp - được giao nhiệm vụ tiếp quản Superchargers. Họ yêu cầu một số đối tác hủy dự án xây dựng bộ sạc đang được thực hiện.
Một nhà thầu xây dựng nhận xét các nhân viên Tesla mới liên hệ với ông sau đợt giải tán “chẳng biết gì cả”. Người này cho biết ông từng kỳ vọng các dự án Supercharger sẽ mang lại 20% doanh thu năm 2024 cho công ty mình. Nhưng họ đã phải chuyển sang kế hoạch đa dạng hóa để tránh phụ thuộc vào Tesla.
Tiền đầu tư đổ vào cũng giảm sút
Việc giải tán đội sạc nhanh là diễn biến mới nhất cho một năm đầy biến động của Tesla. Musk từng hủy một số dự án cốt lõi thúc đẩy doanh số bán xe điện. Thay vào đó, Musk cho biết Tesla sẽ chuyển trọng tâm chính sang xe tự lái, một lĩnh vực kinh doanh có tính cạnh tranh khốc liệt và rủi ro hơn và có thể mất nhiều năm để phát triển.
2 cựu nhân viên Tesla cho biết nhóm năng lượng được giao phụ trách quản lý bộ phận sạc có một số vị trí thiết kế và xây dựng tương tự. Tuy nhiên, các dự án về hệ thống sạc cơ bản vẫn khác nhau, vì chúng được đặt ở những nơi công cộng và đòi hỏi phải đàm phán với các cơ quan, chính quyền địa phương và chủ đất.
Do đó, nhóm năng lượng đang phải vật lộn để theo kịp khối lượng công việc hiện tại. Tuy nhiên, khi đợt sa thải bắt đầu giảm tốc, Musk đã đăng bài nói rằng công ty “vẫn có kế hoạch phát triển mạng lưới sạc Supercharger, chỉ là sẽ chậm hơn”.
Ông còn nói Tesla sẽ chi hơn 500 triệu USD để mở rộng mạng lưới Supercharger để tạo ra hàng nghìn bộ sạc mới trong năm nay.
Cựu nhân viên của Supercharger gọi ngân sách tăng thêm 500 triệu USD là một sự sụt giảm đáng kể so với những gì nhóm đã lên kế hoạch cho năm 2024. Nhưng đây vẫn là một thách thức cần có hàng trăm nhân viên nỗ lực.
Công ty nghiên cứu EVAdoption ở San Francisco ước tính khoản đầu tư 500 triệu USD trong năm nay sẽ khiến số cổng sạc Tesla xây dựng mỗi tháng ít hơn 77% ở Mỹ so với tốc độ của nhà sản xuất ôtô này trong tháng 4.
Bước thụt lùi của Tesla
Trước đó, Tesla đã công bố các trạm Supercharger đầu tiên trên khắp bang California vào năm 2012. Musk gọi mạng lưới này là “kẻ thay đổi cuộc chơi” đối với ngành xe điện, giúp chúng di chuyển đường dài và thuận tiện “như ôtô chạy xăng”.
Mảng kinh doanh sạc xe điện đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu khổng lồ. Các nhà phân tích cũng thường coi hoạt động này không có lãi. Nhưng mạng lưới của Tesla đã có lãi trước khi làn sóng sa thải đến, theo 4 cựu nhân viên Tesla tiết lộ.
Điều đó nhờ vào khả năng kiểm soát chi phí và phân tích sâu rộng của Tesla để chọn những địa điểm có tiềm năng thu hút kinh doanh suốt cả ngày, thay vì chỉ trong thời gian có nhu cầu cao nhất. Cách làm này đặc biệt hiệu quả khi giá điện tăng vọt.
Một cựu nhân viên của Supercharger cho biết chi phí cho mỗi cổng sạc của Tesla thường thấp hơn ít nhất 50% so với các đối thủ cạnh tranh.
Các nhân viên cũ Tesla gọi việc sa thải là một bước thụt lùi lớn đối với chính sách mở rộng trạm sạc ở Mỹ, vì mối quan hệ sâu rộng các nhân viên Tesla đã xây dựng với các nhà cung cấp và các công ty điện lực.
Start-up của Elon Musk đã trở thành một trong những khách hàng lớn nhất của nhiều công ty trên khắp đất nước. Nhiều công ty đã thuê thêm nhân viên và lên kế hoạch cho cơ sở hạ tầng mới dựa trên kế hoạch mở rộng mạng lưới sạc của Tesla.
Các nhân viên cũ cho biết đương nhiên các công ty khác có thể lấp đầy khoảng trống Tesla để lại, nhưng mối quan hệ hữu hảo được xây dựng từ lâu sẽ khó có thể vãn hồi.
“Thật không may là giờ đây họ đang phải dừng lại tất cả dự án này. Thật buồn khi thấy tất cả những mối quan hệ đi vào ngõ cụt và mọi người đều tức giận”, một cựu nhân viên nói với Reuters.