Có thể bạn quan tâm

Dân văn phòng mệt mỏi, kém tập trung sau giờ nghỉ trưa

Dù thử nhiều biện pháp, nhiều nhân viên văn phòng vẫn cảm thấy uể oải, khó tập trung khi vào làm ca chiều.

Có nhiều nguyên nhân khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ, uể oải sau giờ nghỉ trưa. Ảnh: Phương Lâm.

Nhiều lần mắc lỗi sai khi làm dữ liệu, Viết Dương (22 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) thừa nhận là do buồn ngủ, không thể tập trung.

Không riêng Dương, nhiều nhân viên trong văn phòng cũng gặp tình trạng này và tìm đến cà phê, trà hay nước tăng lực để lấy lại sự tỉnh táo.

Ăn vội, ngủ vội để vào ca chiều

Mặc dù đi làm văn phòng hơn một năm, Viết Dương vẫn chưa thích nghi được với môi trường công sở. Với thói quen ngủ trưa ít nhất 2 giờ/ngày, khi đi làm, thời gian nghỉ trưa ngắn ngủi này không đủ với cậu.

"Tôi chỉ có một giờ để nghỉ trưa. Nhưng phần lớn thời gian tôi dành để ăn trưa và xã giao với đồng nghiệp nên không kịp ngủ. Văn phòng cũng không có không gian riêng cho nhân viên ngủ nên tôi thường ngồi nghỉ trên ghế. Nếu có ngủ, tôi chỉ chợp mắt được khoảng 10 phút", Dương chia sẻ.

Do kém tập trung vào ca chiều, Dương thường mắc nhiều sai sót khi làm dữ liệu. Ảnh: NVCC.

Vì vậy, khi vào làm ca chiều, chàng trai này luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ và khó tập trung làm việc.

Dương thừa nhận hiệu suất làm việc của cậu dường như giảm gấp đôi sau giờ nghỉ trưa. Điển hình, Dương từng gặp thiếu sót khi gửi mail cho khách hàng cũng như mắc lỗi lúc xử lý dữ liệu, khiến công việc bị trì hoãn.

Để giải quyết tình trạng này, Dương thường pha cà phê hoặc trà và rửa mặt nhiều lần để tỉnh táo hơn. Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm từ những lần sai sót, cậu sẽ sắp xếp giải quyết công việc quan trọng nhất vào buổi sáng và buổi chiều chỉ xử lý các tài liệu nhỏ.

Trái lại với Viết Dương, Mỹ Anh (23 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM) có đến 45-60 phút để ngủ trưa nhưng vẫn không cách nào giữ được trạng thái tinh thần tốt khi vào ca chiều.

Chiều nào Mỹ Anh cũng mất hơn một giờ để tỉnh táo hoàn toàn. Vì bắt đầu làm việc trễ, cô cũng thường xuyên phải ở lại công ty thêm giờ tối để giải quyết xong việc.

"Trước đây, tôi từng thử uống cà phê, nước tăng lực hoặc trà sữa để đỡ mệt mỏi. Nhưng về lâu dài bị tăng cân và nóng trong người, tôi đã cố gắng uống ít lại”, Mỹ Anh cho hay.

Mức độ tỉnh táo giảm vào buổi chiều

Trao đổi với Zing, bác sĩ chuyên khoa I Đinh Trần Ngọc Mai, khoa Dinh dưỡng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết buồn ngủ, mệt mỏi, thậm chí kém tập trung sau khi bắt đầu vào giờ làm buổi chiều là hiện tượng thường gặp.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguyên nhân và hướng khắc phục hiệu quả. Nguyên nhân đầu tiên là mức độ hormone cortisol hàng ngày có xu hướng giảm vào buổi chiều.

Đây là loại hormone có ảnh hưởng quan trọng đến hầu hết cơ quan và mô trong cơ thể cũng như góp phần điều chỉnh phản ứng căng thẳng của cơ thể.

Thêm vào đó, chế độ ăn nhiều tinh bột và đường vào bữa trưa khiến cơ thể tăng đường huyết nhanh, nhưng sau đó lại giảm nhanh.

Lydia Kang, bác sĩ nội khoa tại Nebraska Medicine (Mỹ) cho biết các nghiên cứu chỉ ra mức độ tỉnh táo của chúng ta có xu hướng giảm thấp nhất vào hai thời điểm trong ngày gồm 2h-7h và 14h-17h.

Hầu hết chúng ta đều ngủ trong khung giờ 2h-7h, thời điểm còn lại là lúc bắt đầu làm ca chiều.

Nguyên nhân khác có thể là sau bữa trưa, tuần hoàn của cơ thể thay đổi để cung cấp nhiều máu cho hệ tiêu hóa, từ đó khiến máu lên não ít hơn, gây ra một số mệt mỏi.

Đồng thời, orexin - một loại neuropeptide trong não ảnh hưởng đến cơn đói và sự tỉnh táo - bị ức chế khi lượng đường trong máu tăng lên sau bữa ăn. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra với tryptophan, một loại axit amin có thể biến thành melatonin, hormone liên quan đến giấc ngủ.

Theo Washington Post, nghiên cứu khác chỉ ra việc tiêu thụ thực phẩm chiên rán, chất béo động vật bão hòa và đồ ăn giàu calo cũng gây ra sự mệt mỏi.

Trong khi đó, tiêu thụ các thực phẩm có nguồn gốc thực vật và duy trì chế độ ăn Địa Trung Hải lại ít liên quan đến việc buồn ngủ.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng mệt mỏi, kém tập trung vào buổi chiều, bác sĩ Đinh Trần Ngọc Mai khuyến cáo bữa ăn trưa nên bao gồm thực phẩm giàu đạm, chất xơ và có sự cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, việc dùng đồ uống chứa caffeine vào đầu buổi chiều sẽ giúp ích nhưng bạn không nên lạm dụng vì nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ cũng như kéo dài chu kỳ mệt mỏi.

Ngoài ra, đi bộ nhanh và tiếp xúc với nhiều ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo có thể giúp bạn phấn chấn hơn. Nếu đã thử mọi cách nhưng vẫn không hiệu quả, bạn cần có giấc ngủ ngắn khoảng 30 phút để cải thiện nhận thức.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/dan-van-phong-met-moi-kem-tap-trung-sau-gio-nghi-trua-post1410227.html