Nếu lái xe khoảng một giờ về phía nam Đài Bắc, bạn sẽ tình cờ gặp một trong những vùng đất quan trọng nhất đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay.
Bên trong các tòa nhà đồ sộ nằm rải rác trong Công viên Tân Trúc (Hsinchu) rộng 1.400 ha là trụ sở của khoảng 500 công ty công nghệ nổi tiếng.
Trong số này, có thể kể đến những "gã khổng lồ" bán dẫn toàn cầu như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC), hãng chip United Microelectronics Corp (UMC) và một trong hai nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới là MediaTek.
Từng là nơi không ai muốn sống
Từ những năm 1980, chính quyền Đài Loan đã có tham vọng thành lập một vùng đất chuyên sản xuất, nghiên cứu và phát triển cho ngành công nghệ.
Với khởi đầu là một trung tâm sản xuất máy tính cá nhân, Công viên Hsinchu được chính quyền lựa chọn để trở thành một đặc khu công nghệ.
Những chính sách ưu đãi về thuế và đất đai tại đây nhanh chóng thu hút các công ty thành lập trụ sở. Tuy nhiên, có một sự thật ít người biết đến là nơi đây đã từng có rất nhiều vấn đề.
“Nếu nhìn lại 20 năm trước, không có trung tâm mua sắm hay rạp chiếu phim nào cả. Chẳng có gì ở đó cả”, Lucy Chen, Phó chủ tịch tiếp thị của Isaiah Research, một công ty tư vấn công nghệ có trụ sở tại Đài Bắc cho biết.
Chen bắt đầu làm việc trong ngành bán dẫn sau khi lấy bằng Thạc sĩ vào năm 1996, phần lớn là tại Lam Research, một công ty chế tạo tấm bán dẫn của Mỹ.
Bà đã dành hai thập kỷ tại Công viên Hsinchu bắt đầu từ cuối những năm 1990. Vào thời đó, Chen còn nhớ đã nhìn thấy những người nông dân trên đường đi làm.
“Bạn có thể gặp rắn trong các ký túc xá. Nếu muốn quay phim, tất cả bạn thấy sẽ chỉ là ruồi. Trường học ở đây còn không tìm nổi học sinh. Thực sự, không ai muốn sống ở đây khi tôi đến”, Chi Chia Hsieh, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Microelectronics Technology hồi tưởng.
"Thung lũng Silicon" của châu Á
Một thập kỷ sau, Công viên Hsinchu giờ đã là trung tâm của nền kinh tế thế giới, "miền đất hứa" trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn cao cấp.
Đặc khu công nghệ này hiện chiếm một phần đáng kể trong nền kinh tế Đài Loan. Theo báo cáo tài chính năm 2022, các công ty mạch tích hợp ghi nhận doanh thu hơn 363 tỷ USD. Để so sánh, tổng GDP của Đài Loan vào năm 2022 là khoảng 720 tỷ USD.
“Công viên này là trung tâm của những nỗ lực từ chính quyền Đài Loan nhằm xây dựng năng lực công nghệ để có một ngành công nghiệp chủ đạo. Đó là sự kết hợp thú vị và thành công giữa các chương trình giáo dục và đào tạo”, Chris Miller, trợ lý giáo sư tại Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts cho biết.
Khi quyết định trở về Đài Loan năm 1985, Morris Chang quyết định thành lập Công ty Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC). Hiện nay, đây là công ty chip giá trị nhất thế giới.
“Nếu không có các công viên khoa học cung cấp tất cả cơ sở hạ tầng và đất đai, rất nhiều công ty công nghệ không thể tồn tại đến ngày nay”, người sáng lập TSMC phát biểu tại sự kiện 40 năm thành lập Công viên Hsinchu.
Chất bán dẫn, hay vi mạch, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của nhiều thiết bị từ lò vi sóng đến vũ khí quân sự.
Ngành công nghiệp chất bán dẫn có giá trị hơn 580 tỷ USD, nhưng ngay cả con số đó cũng chưa thể hiện đầy đủ tầm quan trọng của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Tờ Guardian nhận định nếu không có chất bán dẫn, nền kinh tế toàn cầu sẽ ngừng vận hành.
Là những người đứng đầu thị trường chip công nghệ cao, sản phẩm của Đài Loan là không thể thiếu trong mọi thứ, từ điện thoại thông minh của Trung Quốc cho đến chiến đấu cơ hiện đại của Mỹ.
Theo đó, các doanh nghiệp tại Đài Loan như TSMC chiếm hơn 66% thị trường sản xuất chip theo hợp đồng trên thế giới, biến thiết kế của Apple, Google thành sản phẩm thực tế.
Điểm chung của những doanh nghiệp này phần lớn đều có trụ sở tại Công viên Hsinchu. Do đó, có thể nói, đặc khu này đang là "trái tim" của ngành công nghiệp bán dẫn thế giới.
Chính phủ nhiều nước cũng cố gắng sao chép sự thành công của Công viên Hsinchu.
Trong số này, có thể kể đến Mỹ và Nhật Bản, những cường quốc chip một thời, với hàng tỷ USD hiện được đổ vào hoạt động sản xuất chip trong nước ở Arizona, Ohio và tỉnh Kumamoto.