Người dân Kikuyo có một thuật ngữ dành riêng cho ‘thời đại’ ùn tắc giao thông, bất động sản lên ngôi còn nhân viên thì bị tranh giật: “cú sốc TSMC”.
Thật vậy! Thị trấn nhỏ của Nhật Bản này đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi TSMC bắt đầu xây dựng nhà máy đầu tiên cách đây 5 tháng. Takatoshi Yoshimoto, thị trưởng Kikuyo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “Sự xuất hiện của TSMC là một tia sáng bất ngờ. Chúng tôi ngay lập tức trở nên nổi tiếng và cứ như thể Kikuyo đột nhiên trở thành người trưởng thành từ một đứa bé vậy”.
Kikuyo và các quận xung quanh Kumamoto có liên quan chặt chẽ tới nỗ lực của giới chức nhằm khôi phục danh tiếng như một trung tâm quốc tế về sản xuất chip. Với tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, Nhật Bản sau sự xuất hiện của TSMC buộc phải đối diện với những vấn đề âm ỉ kéo dài trong nhiều năm.
“Chúng tôi gọi đó là cú sốc TSMC, nhưng tôi nghĩ đây là cơ hội lớn để thay đổi cấu trúc nền kinh tế và xã hội Nhật Bản. Nói cách khác, chúng ta cần cú sốc này để thay đổi”, Kazufumi Onishi, thị trưởng thành phố Kumamoto, cho biết.
Theo FT, Kumamoto vốn là trụ sở của hàng chục nhà máy sản xuất chip Nhật Bản. Kikuyo, thị trấn với khoảng 44.000 dân, lại là nơi đặt rất nhiều các nhà máy sản xuất cảm biến và thiết bị chip cho Tokyo Electron. Ngay chính lúc này, sự xuất hiện của TSMC mang một tầm quan trọng hoàn toàn mới cho Nhật Bản - quốc gia từng vươn lên vị trí thống trị ngành bán dẫn những năm 1980 song lại ngậm ngùi nhường lợi thế cho các đối thủ ở Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.
Để đảm bảo nguồn cung cấp chip ổn định, chính phủ Nhật Bản đã trợ cấp 3,2 tỷ USD chi phí xây dựng cho TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Ông Onishi cho biết, sự xuất hiện của nhà máy này đã mang đến cơ hội “trăm năm có một” để toàn khu vực hồi sinh.
Theo Kyushu Financial Group, việc TSMC thâm nhập Kumamoto dự kiến sẽ tạo ra khoản thúc đẩy trị giá 29 tỷ USD cho nền kinh tế địa phương trong thập kỷ tới thông qua việc tăng việc làm, phát triển cơ sở hạ tầng và thu hút dòng vốn đầu tư.
TSMC đã đăng tin tuyển dụng kỹ sư, đồng thời đưa ra mức lương hàng tháng cao hơn khoảng 1/3 so với mức trung bình của sinh viên tốt nghiệp đại học. Nhà máy của hãng ở Kumamoto dự kiến sẽ tạo ra 1.700 việc làm chuyên môn công nghệ cao vì tin rằng Nhật Bản sẽ cung cấp “những tân binh thực sự xuất sắc”.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp địa phương, việc TSMC tăng lương đột ngột đã thúc đẩy xu hướng các nhân viên trẻ chuyển việc thường xuyên hơn nhằm tìm kiếm mức thù lao hấp dẫn. Nguy hơn, điều này lại diễn ra trong bối cảnh khu vực đang thiếu nhân lực.
Kongo, nhà sản xuất hệ thống lưu trữ có trụ sở tại Kumamoto, đã mất khoảng 5% trong tổng số 300 công nhân trong năm qua. Một số vào tay TSMC, số khác rơi vào các công ty liên quan đến chất bán dẫn khác.
Toshihiko Tanaka, giám đốc điều hành Kongo kiêm chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Kumamoto, cho biết: “Thật dễ dàng để đổ lỗi cho TSMC khi nhân viên của chúng tôi nghỉ việc. Tuy nhiên, sự dịch chuyển đó là một xu hướng tất yếu... và chúng ta cần thay đổi tư duy để tập trung nâng cao hiệu suất lao động”.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo doanh nghiệp cho biết việc giải quyết tình trạng thiếu lao động bằng cách tăng năng suất và tự động hóa vẫn còn gặp nhiều hạn chế. Theo Japan Material, nhà cung cấp dịch vụ bảo trì cho TSMC, việc đảm bảo an toàn cho người dân ở Kumamoto gặp khá nhiều thách thức.
Mineo Nitta, tổng giám đốc văn phòng lao động cho biết: “Cuối năm tới sẽ rất khó khăn và chúng tôi dự đoán tình trạng thiếu lao động sẽ thường xuyên xảy ra ở Kumamoto”.
Theo dữ liệu của Bộ Đất đai, sau quyết định xây dựng ở Kumamoto của TSMC, giá đất thương mại trung bình ở Kikuyo đã tăng 26% trong năm tính đến ngày 1/7.
Con đường chính duy nhất dẫn đến nhà máy luôn trong tình trạng ùn tắc. Thị trấn đã yêu cầu các công ty khuyến khích nhân viên sắp xếp thời gian đi lại để cải thiện. Ngoài ra, việc các nhà máy sản xuất chip cũng sử dụng một lượng lớn nước cũng làm dấy lên lo ngại về nguồn cung ở địa phương.
Theo: FT