Thị trường vàng trong nước năm 2011-2012 có nhiều điểm tương đồng với hiện tại bởi cũng liên tục biến động mạnh, tạo ra những cú sốc giá. Đỉnh điểm vào tháng 8/2011, giá vàng miếng tăng lên 49 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng hơn 12 triệu đồng/lượng so với đầu năm 2011.
Sang năm 2012, bất chấp giá vàng thế giới hạ nhiệt, giá vàng trong nước vẫn không ngừng tăng.
Tuy nhiên, sau 76 phiên đấu thầu vàng thành công của NHNN trong năm 2013, giá vàng đã giảm dần và không còn các đợt sốt giá như những năm trước đó.
Giá vàng sẽ bớt "nhảy múa"
Chia sẻ với Tri thức - Znews, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, đánh giá việc quay trở lại đấu thầu vàng miếng của NHNN là một trong những giải pháp tạo nguồn cung nhanh nhất.
Ông Khánh cho biết NHNN có một lượng vàng khá lớn trong kho dự trữ có thể can thiệp ngay thị trường.
Cuối năm 2023, nhà điều hành đã rà soát lại toàn bộ quy trình đấu thầu, do vậy ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng, cơ quan quản lý đã trong tư thế sẵn sàng để cho đấu thầu.
"Việc đấu thầu vàng miếng là cần thiết và chắc chắn sẽ giảm được chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới", ông Khánh nhìn nhận.
Đồng tình, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định việc NHNN đưa ra kế hoạch đấu thầu vàng chắc chắn sẽ tác động tới nguồn cung và giá vàng.
Khi nhà điều hành đẩy một khối lượng vàng vào thị trường sẽ ngay lập tức làm giảm nhiệt "cơn sốt". Hiện tại, nguồn cung hạn chế và sức cầu tăng cao, tạo nên sự bất ổn trên thị trường vàng, đẩy giá vàng lên.
Thực tế, từ phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên ngày 28/3/2013, nhà điều hành đã tổ chức 76 phiên đấu thầu vàng trong năm đó, bán thành công gần 1,82 triệu lượng, tương đương gần 70 tấn vàng.
Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn còn lại là bán ra thị trường.
Nhờ đó, giá vàng miếng SJC từ mức 46,7 triệu đồng/lượng vào đầu năm 2013 đã giảm dần còn 34,8 triệu đồng/lượng vào cuối năm, tương đương mức giảm gần 12 triệu đồng/lượng chỉ trong vòng một năm. Mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng được kéo xuống còn khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.
Các chuyên gia cho rằng việc đấu thầu vàng miếng trong năm 2013 của NHNN đã hạn chế được tình trạng mất cân đối cung - cầu, qua đó góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.
Cùng với việc siết lại mạng lưới kinh doanh vàng miếng, NHNN đã tổ chức lại cơ bản hoạt động thị trường vàng, chấm dứt các cơn biến động mạnh gây ảnh hưởng bất lợi đến tỷ giá của vàng, góp phần ổn định vĩ mô, chống lạm phát.
Dù vậy, với lần đấu thầu sắp tới, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng khả năng giá vàng giảm ở mức độ bao nhiêu còn phụ thuộc vào lượng vàng mà NHNN sẽ cung ứng ra thị trường.
"Nếu cung ứng đủ số lượng mới có thể kéo giảm chênh lệch giá. Còn nếu chỉ cung cấp được phần nào thì giá sẽ có giảm nhưng vẫn cao. Cũng cần biết rằng phải qua một vài phiên đấu thầu, NHNN mới nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó cân nhắc cung ứng số lượng cho phù hợp", ông Khánh nói thêm.
Lịch sử trước đây, NHNN thường tổ chức đấu thầu vàng miếng hàng tuần. Tuy nhiên hiện tại, ông Khánh cho rằng rất khó để ước tính khối lượng vàng mà nhà điều hành cần cung cấp ra thị trường mỗi tuần bao nhiêu là phù hợp.
"Diễn biến tiếp theo còn phải chờ xem sau phiên đấu giá đầu tiên, biến động giá trên thị trường ra sao", ông Khánh nói.
Ông Khánh cũng khuyến nghị nhà đầu tư sau khi NHNN tiến hành đấu thầu vàng miếng SJC thành công, giá vàng trong nước dù ít hay nhiều thì chắc chắn cũng sẽ giảm. Vì vậy, ở thời điểm hiện tại nên bán chốt lời hơn là mua thêm vào.
Chưa phải là biện pháp “dứt điểm"
Mặc dù đồng tình việc đấu thầu vàng miếng là giải pháp hạ nhiệt giá vàng nhanh và hiệu quả, tuy nhiên về dài hạn, các chuyên gia đều nhìn nhận rằng để giải quyết mấu chốt câu chuyện cung cầu và chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới, NHNN vẫn cần tăng cung thông qua việc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Ông Khánh dẫn chứng Nghị định 24 quy định chỉ có NHNN mới được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Tuy nhiên, nghị định này cũng cho phép NHNN có thể ủy quyền cho đơn vị nào đủ khả năng nhập vàng nguyên liệu về để chế tác vàng nữ trang, vàng 9999.
Ngoài đấu thầu vàng miếng, khi sửa đổi Nghị định 24 cũng cần bỏ độc quyền vàng SJC, bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam
Vì thế, ngoài đấu thầu vàng miếng để tăng cung, khi sửa đổi Nghị định 24 cũng cần bỏ độc quyền vàng SJC, bỏ độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để thị trường dễ dàng hơn.
"NHNN nên cấp giao hạn ngạch (quota) nhập vàng cho các doanh nghiệp vàng. Doanh nghiệp vàng sẽ chủ động nhập dưới sự giám sát của NHNN. Việc nhập này nên xem là tăng nguồn dự trữ vàng cho nhà điều hành", ông Khánh bày tỏ quan điểm.
Tương tự, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng ủng hộ việc cần loại bỏ thương hiệu vàng quốc gia SJC để có thể tạo ra thị trường vàng cạnh tranh, công bằng hơn với tất cả các sản phẩm khác.
Cùng với đó, vị chuyên gia này cho rằng NHNN nên giao việc nhập khẩu vàng cho các nhà kinh doanh vàng uy tín và rút lui về vai trò quản lý chứ không phải nhà nhập khẩu vàng.
“Nên cho một số nhà kinh doanh vàng nhập khẩu để thị trường trong nước liên thông với thế giới. Tuy nhiên, việc giao cho nhà kinh doanh vàng cũng phải đi kèm với các áp đặt, NHNN cần kiểm soát được lượng ngoại tệ bỏ ra để mua vàng.
Việc giao nhiệm vụ này sẽ tạo ra được nguồn cung trên thị trường dồi dào và ổn định lâu dài hơn. Ngoài ra, có thể tối ưu hóa việc huy động và sử dụng vàng trong nền kinh tế thông qua việc phát hành chứng chỉ vàng bởi NHNN”, ông Hiếu nói.