Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh. Ảnh: Ngô Minh.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Ninh, trong khuôn khổ hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2024 được tổ chức vào ngày 15/9 tới, địa phương này sẽ chính thức trao biên bản ghi nhớ phát triển cho dự án sản xuất màn hình và linh kiện điện tử của Samsung Display Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,8 tỷ USD.
Tập đoàn Hàn Quốc bắt đầu đầu tư vào Bắc Ninh từ năm 2008 với số vốn ban đầu là 670 triệu USD. Sau hơn một thập kỷ, Samsung đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 22,4 tỷ USD tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM. Trong đó, gần 50% số vốn tập trung tại Bắc Ninh.
Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng 7 vừa qua, Chủ tịch Samsung Lee Jae Yong đã cam kết sẽ tiếp tục gắn bó lâu dài với Việt Nam, cùng chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích.
Samsung dự kiến đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới để biến các nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của tập đoàn trên toàn cầu. Trước đó, trong cuộc gặp với Thủ tướng vào tháng 5, lãnh đạo Samsung cũng đã bày tỏ kế hoạch đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam.
Hiện, sản lượng sản xuất điện thoại di động của Samsung tại Việt Nam chiếm trên 50% sản lượng của tập đoàn này trên toàn cầu.
Ngoài biên bản ghi nhớ phát triển cho dự án sản xuất màn hình và linh kiện điện tử của Samsung Display Việt Nam tại khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh cũng sẽ trao biên bản ghi nhớ với 16 dự án đầu tư khác.
Trong đó có các dự án đầu tư mới tiêu biểu như Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm của Phú Mỹ Hưng với tổng vốn đầu tư 27.000 tỷ đồng (1,06 tỷ USD); Nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh hơn 383 triệu USD; dự án bảng mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao Victory Giant Việt Nam 260 triệu USD.
Hay dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall 4.840 tỷ đồng; nhà máy AAC Bắc Ninh 50 triệu USD; dự án Logistics Logos Bắc Ninh 47 triệu USD; dự án Sembcorp Integrated Hub Bắc Ninh 44,7 triệu USD...
Bên cạnh đó là các dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư là Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tăng vốn đầu tư thêm 1,07 tỷ USD; Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek Nam Sơn - Hạp Lĩnh có tổng vốn 410 triệu USD (vốn điều chỉnh tăng thêm 130 triệu USD).
Đồng thời, dự án Nhà máy ITM Semiconductor Vietnam - Bắc Ninh tăng vốn thêm 58 triệu USD; dự án Sản xuất thiết bị đo lường, kiểm tra, định hướng và điều khiển của Talway Việt Nam tăng 30 triệu USD; Suntory Pepsico Bắc Ninh tăng 22,9 triệu USD...
UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết tổng vốn đầu tư đăng ký tại hội nghị ngày 15/9 tới lên đến 5,5 tỷ USD.
Kết thúc 8 tháng đầu năm, Bắc Ninh là địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng đầu cả nước.
“Các nhà đầu tư FDI rót vốn vào 54 tỉnh thành. Trong đó, Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,47 tỷ USD (chiếm 16,9% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 3 lần cùng kỳ). Bắc Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký vượt mốc 3 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm, cao gần gấp đôi địa phương xếp thứ 2 là Quảng Ninh (1,78 tỷ USD)”, ông Vương Quốc Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho 35 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 9.426 tỷ đồng. Tỉnh cấp điều chỉnh đăng ký đầu tư cho 74 dự án, trong đó có 23 dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng 1.399 tỷ đồng.
Lũy kế đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã cấp 1.586 dự án đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt 269.786 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bắc Ninh đặt mục tiêu thu hút khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư FDI trong năm nay.
Một trong những dự án điều chỉnh vốn đầu tư lớn tại Bắc Ninh là của Công ty TNHH Amkor Technology Việt Nam (tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C) với số vốn tăng 1,07 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh của công ty này đạt 1,6 tỷ USD, công suất sản xuất 3.600 triệu sản phẩm/năm.