Năm 2024 đánh dấu cái Tết thứ 5 không có thưởng của Hoàng Hương (25 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội).
Cô theo học chương trình đào tạo đại học 3 năm, tốt nghiệp và bắt đầu đeo thẻ nhân viên sớm hơn bạn bè đồng trang lứa 1 năm. Nhưng đến hiện tại, cô vẫn chưa từng nhận khoản phúc lợi tài chính cuối năm nào. Trong khi đó, phần lớn bạn bè háo hức chờ lương tháng thứ 13 và thưởng Tết.
Trong 4 năm đầu sự nghiệp, Hoàng Hương công tác ở vị trí cộng tác viên phòng marketing tại một tập đoàn công nghệ.
Chức danh này đồng nghĩa cô không được hưởng bảo hiểm, suất tham gia team building công ty, cũng không nằm trong danh sách nhân viên tham dự year end party và đương nhiên là không có tiền thưởng cuối năm.
Thời gian qua, một số người khuyên cô nên tìm công việc mới. Nhưng Hoàng Hương vẫn cố nán lại, nuôi hy vọng được ký hợp đồng chính thức. Cô cho biết chế độ đãi ngộ của tập đoàn công nghệ này đối với nhân viên chính thức khá tốt, thậm chí là ước mơ của nhiều người. Cô cũng yêu thích môi trường làm việc tại đây.
Nhưng tới năm thứ 5, Hương quyết tâm rời đi. Cực chẳng đã, cô đưa ra quyết định nghỉ việc trong năm kinh tế buồn. Nhân viên marketing này tìm được bến đỗ mới ngay trước Tết Nguyên đán, song vẫn chưa thuộc diện hưởng phúc lợi cuối năm do mới ký hợp đồng thử việc.
“Tôi dự định tự mua giỏ quà Tết biếu bố mẹ, nói rằng đây là phần thưởng của công ty để phụ huynh yên tâm”, Hoàng Hương chia sẻ với Tri thức - ZNews.
Hoàng Hương không phải trường hợp ngoại lệ. Nhiều người trẻ cũng chung cảnh chưa “biết mùi” thưởng Tết dù đã đi làm nhiều năm. Họ phải chuẩn bị nguồn lực tài chính sớm, cân đối chi tiêu dịp lễ hội vì không có khoản thu nhập thêm sau một năm “cày cuốc”.
Sợ Tết vì không có thưởng
Trà My (24 tuổi, quận 4, TP.HCM) là một freelancer lĩnh vực truyền thông, bắt đầu gia nhập thị trường lao động từ 2 năm trước. Công việc này không đem đến thu nhập ổn định hàng tháng, song có thể tạo ra nguồn thu đáng kể, lên đến 100 triệu đồng khi cô hoàn thành một chiến dịch lớn.
Hai mùa Tết trước, Trà My nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác, nên dễ dàng để ra một khoản phục vụ mục đích chi tiêu mùa lễ hội. Khoản thù lao khá dư dả nên cô cảm thấy hài lòng.
"Coi như tôi đổi khoản lương, thưởng cố định cuối năm để có môi trường và thời gian làm việc linh hoạt", cô chia sẻ. Mong muốn làm việc tự do của Trà My vốn xuất phát từ thói quen học tập, làm việc trong thời gian đại dịch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung hiện nay, freelancer này rơi vào tình trạng “ế job”. Ước tính thu nhập năm 2023 chỉ bằng 1/2 so với năm trước đó.
Thay vì đợi khách hàng tìm đến, cô chủ động liên hệ với một số đối tác cũ, hỏi han về cơ hội hợp tác dịp cuối năm, nhưng đều nhận về những lời từ chối khéo.
Trà My lại càng cảm thấy sốt ruột hơn khi nhìn thấy những bài đăng khoe lương tháng thứ 13, thưởng KPI của bạn bè trên mạng xã hội.
Nhận thấy sự bấp bênh của công việc tự do, cô dự định ứng tuyển vào vị trí nhân viên văn phòng sau Tết Nguyên đán. Không chỉ có thu nhập ổn định hay thưởng Tết, My còn nhận được bảo hiểm, ngày nghỉ phép có lương và các đãi ngộ khác.
“Sau 2 năm đi làm, tôi bắt đầu cần những phúc lợi mà trước đây không coi trọng”, cô nói.
Phan Đăng (25 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội) cũng chưa từng biết thưởng Tết, lương tháng 13 là gì, bởi anh chọn con đường khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục sau khi tốt nghiệp đại học. Thay vào đó, anh đang chật vật co kéo các khoản để lo khoản phúc lợi cuối năm cho nhân viên của mình.
Giống với nhiều nhà khởi nghiệp khác, Phan Đăng “lấy công làm lãi” trong thời gian đầu vận hành doanh nghiệp. Hiện nay, khi công ty dần tạo ra doanh thu, anh có thể tự trả lương tháng cho chính mình.
Tuy nhiên, dịp Tết này, Phan Đăng cần một khoản lớn để trao thưởng cho nhân viên sau một năm lao động vất vả. Do còn ít kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp, anh bắt đầu thu vén các khoản để lo lương, thưởng Tết cho các nhân viên khá muộn. Hiện chi phí này đang ngốn vào thu nhập cá nhân của anh.
“Nhân viên háo hức khi Tết đến bao nhiêu thì tôi sợ dịp lễ này bấy nhiêu”, Phan Đăng tâm sự với Tri thức - ZNews.
Chật vật cân đối chi tiêu
Theo khảo sát về Tết 2024 của Adtima, mọi người có xu hướng “quay về với điều cơ bản”, thắt chặt ngân sách vì có nhiều gánh nặng kinh tế khó nói, bao gồm không có thưởng Tết. Bên cạnh đó, người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc bản thân và thể hiện tình cảm với mọi người xung quanh.
Có 2/3 người tiêu dùng được khảo sát cho biết sẽ tăng khoản chi cho Tết 2024; 17% cắt giảm ngân sách (25-34 tuổi chiếm nhiều nhất); và 23% người tiêu dùng chưa xác định mức chi tiêu.
Hiểu đặc thù công việc tự do không có khoản thưởng cuối năm, Trà My duy trì thói quen phân chia các khoản thu nhập, gồm 70% cho sinh hoạt phí hàng tháng và 30% tiết kiệm. Đến cuối năm, cô sử dụng khoản tiết kiệm cho các nhu cầu cá nhân như mua sắm, làm đẹp.
Đáng lẽ, Trà My sẽ tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch nhân dịp đầu năm mới. Nhưng số lượng dự án nhận về trong năm qua chỉ đếm trên đầu ngón tay, cô không dành dụm được nhiều.
Freelancer thừa nhận cảm thấy may mắn vì không gặp áp lực tài chính từ phía gia đình. Bố mẹ cô không mong con gái gửi quà cáp, chỉ mong cô có thể độc lập tài chính, tự chăm lo cho bản thân.
Không chỉ Trà My, Hoàng Hương cũng phải giải quyết bài toán chi tiêu khi không có thưởng cuối năm.
Nhân viên marketing hiện chưa phải lo biếu quà Tết cho ông bà, bố mẹ hay mừng tuổi trẻ con trong gia đình. Nhưng trách nhiệm này gia tăng theo thời gian.
Bên cạnh đó, nhiều bạn bè của cô thường tổ chức tiệc tất niên như một dịp "xả hơi" sau 12 tháng làm việc miệt mài. Biết là tốn kém, song Hoàng Hương không thể từ chối tất cả cuộc gặp. Cô đành lựa chọn góp mặt tại một số sự kiện, “bấm bụng” thanh toán hàng loạt hóa đơn ăn uống, vui chơi bằng thẻ tín dụng.
Những khoản chi phát sinh liên tiếp, tạo ra áp lực tài chính lớn cho nữ nhân viên văn phòng. Để “gồng gánh” qua mùa lễ hội, Hoàng Hương tận dụng thẻ tín dụng, vay ví điện tử.
“Tôi buộc phải tiêu những đồng tiền của tương lai, dự định trích một phần lương các tháng sau để trả khoản vay này. Mong rằng công việc năm tới của tôi sẽ suôn sẻ”, cô chia sẻ.