Dữ liệu

Diện mạo thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất lọt top 3 tỉnh/thành tăng trưởng cao nhất năm 2022

Năm 2022, Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 14,05% so với năm 2021, cao thứ 3 cả nước, chỉ sau Khánh Hòa (20,7%) và Bắc Giang (19,8%).

Năm 2022, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cả năm 2022 của Đà Nẵng tăng 14,05% so với năm 2021, dẫn đầu tốc độ phát triển kinh tế trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Đà Nẵng có diện tích (1.285 km2) và dân số (1.134 triệu người) nhỏ nhất trong các thành phố trực thuộc trung ương. Quy mô nền kinh tế Đà Nẵng ngày càng mở rộng, năm 2022 đạt 125.219 tỷ đồng, cao hơn 17.381 tỷ đồng so với năm với năm 2021. GRDP bình quân đầu người năm 2022 tăng 11,7% so với năm 2021.

Khu vực dịch vụ đóng vai trò là động lực của nền kinh tế Đà Nẵng với mức tăng trưởng cả năm đạt 17,85%. Trong đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 67,57%, là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 3,38 điểm phần trăm. Trong ảnh là chợ Cồn, “thiên đường ẩm thực” của khách du lịch.

Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, du lịch Đà Nẵng năm 2022 đạt được những kết quả ấn tượng. Lượng khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 3,69 triệu lượt, tăng 3,1 lần so với năm 2021. Sự nhộn nhịp trở lại của khách du lịch khiến các ngành khác như kinh doanh lữ hành, lưu trú, bất động sản nghỉ dưỡng cũng ấm lên trong năm 2022.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 23.133 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2021. Tính từ đầu năm đến 15/12/2022, trên địa bàn thành phố có 4.476 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 26,1% so với cùng kỳ 2021. Tổng vốn đăng ký đạt 22.477 tỷ đồng, tăng 26,8%. Trong ảnh là công viên APEC, rộng hơn 1 ha nằm ven sông Hàn.

Năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của thành phố Đà Nẵng ước đạt 36.895 tỷ đồng, trong đó, vốn khu vực nhà nước đạt 8.313 tỷ đồng, giảm 15,18%; khu vực ngoài Nhà nước đạt 23.087 tỷ đồng, tăng 29,83%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 5.495 tỷ đồng, tăng 0,72% so với năm 2021. Trong ảnh là cầu Rồng, một cây cầu mang tính biểu tượng của thành phố.

Là đầu mối giao thương của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Đà Nẵng có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng được đầu tư đồng bộ với sân bay quốc tế lớn thứ ba trong cả nước, cảng nước sâu là cảng hàng hóa kết hợp du lịch, ga đường sắt nối Bắc - Nam, quốc lộ 1A đi ngang qua.

Hoạt động xuất nhập khẩu của Đà Nẵng đạt nhiều kết quả nổi bật. Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 3,578 tỷ USD, tăng 14,7% so với 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,079 tỷ USD, tăng 16,2%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,499 tỷ USD, tăng 12,7%. Tỷ trọng đóng góp của giá trị xuất khẩu trong tăng trưởng chung của thành phố đạt 45%.

Đà Nẵng cũng là trung tâm giáo dục lớn của cả nước với nhiều trường đại học trên địa bàn thành phố. Trong ảnh là trụ sở Đại học Đà Nẵng.

Các cơ sở y tế ngày càng được đầu tư phát triển để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận.

Link bài gốcLấy link
https://markettimes.vn/dien-mao-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-duy-nhat-lot-top-3-tinh-thanh-tang-truong-cao-nhat-nam-2022-15906.html