Sự giảm giá của đồng yen giúp Nhật Bản thu hút số lượng lớn khách hàng đến để mua sắm hàng hóa xa xỉ. Nhiều thương hiệu cao cấp không điều chỉnh giá theo sự biến động của tiền tệ, tạo cơ hội mua hàng giá hời của nhiều tín đồ thời trang.
Ví dụ, một chiếc đồng hồ TAG Heuer Carrera được bán với mức giá 6.450 USD ở New York (Mỹ). Tuy nhiên, người tiêu dùng ở Tokyo (Nhật Bản) lại có thể mua món phụ kiện cổ tay này với giá 785.000 yen (khoảng 5.087 USD).
Có thể thấy, mức giá ở xứ hoa anh đào thấp hơn tới 1.350 USD. Sự chênh lệch được Bloomberg so sánh giữa giá miễn thuế (duty-free) ở Nhật Bản và giá bán lẻ trước thuế tại Mỹ theo tỷ giá vào 15h10 ngày 16/4.
Nhật Bản hút khách mua sắm
Những khoản chênh lệch này lôi kéo số lượng lớn tín đồ mua sắm đến Nhật Bản để hưởng lợi từ các thương hiệu xa xỉ, góp phần thúc đẩy du lịch cho xứ sở hoa anh đào.
Không chỉ tìm thấy các sản phẩm rẻ hơn tại cửa hàng chính hãng, khách hàng còn dễ dàng kiếm hời khi ghé thăm những cửa hiệu quần áo, phụ kiện cũ.
Nếu chỉ mua một item, khoản chênh lệch không quá lớn. Song, nếu người tiêu dùng dự định thực hiện một cuộc mua sắm lớn, mức chênh này sẽ trở nên đáng kể và hấp dẫn.
Ngân hàng Nhật Bản tăng lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2007 vào tháng trước. Đồng yen hiện được giao dịch ở mức thấp nhất trong 34 năm qua so với USD.
“Nhiều người nói rằng Nhật Bản rất đắt đỏ, nhưng tôi không thấy thế”, sinh viên Chiara Lambia (26 tuổi, Berlin, Đức) cho biết sau một ngày mua sắm khắp Tokyo.
Cô xách 2 túi lớn đựng quần áo và đồ lưu niệm di chuyển xung quanh quận Ginza nhộn nhịp - nơi nhiều khách du lịch đổ xô vào các cửa hàng đồ hiệu xa xỉ.
Đồng yen suy yếu khoảng 45% từ trước đại dịch Covid-19. Trước đây, đường phố Ginza tràn ngập khách du lịch Trung Quốc đến mua hàng hóa miễn thuế.
Tuy nhiên hiện nay, du khách có thể nghe thấy tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha trong khu phố mua sắm này. Khách du lịch đổ dồn về quận Ginza, tạo ra một khung cảnh đông đúc, tấp nập.
Nhà mốt vào thế khó
Theo Milton Pedraza, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Luxury Institute (New York, Mỹ), các nhà sản xuất hàng hóa xa xỉ luôn nỗ lực cân bằng giá trên toàn thế giới, ngăn chặn tình trạng chênh lệch lớn. Do đó, mức giá chênh sẽ không tồn tại lâu.
Sự kéo dài của quá trình này đến hiện nay bắt nguồn từ đợt tăng giá lớn năm ngoái khiến nhiều thương hiệu ái ngại tăng thêm trong năm nay.
“Một số nhà mốt thực hiện các đợt tăng giá lớn vào năm 2022 và 2023. Ngoại trừ một số thương hiệu luôn được thèm muốn như Hermès và Chanel, các nhãn hàng khác đều ghi nhận số lượng bán ra tương đối thấp”, Milton Pedraz giải thích.
Một số ví dụ về sự chênh lệch giá của các mặt hàng xa xỉ được Bloomberg thống kê chi tiết. Cụ thể, túi xách Chanel Flap Bag da cừu màu đen được bán với giá 11.700 USD ở Mỹ, nhưng lại chỉ có giá 10.277 USD ở Nhật.
Trong khi đó, vòng tay Cartier Love sở hữu giá thành 4.750 USD ở Mỹ, nhưng lại được bán với mức giá 4.244 USD tại Nhật. Nhìn chung, khách hàng có thể tiết kiệm đến hơn 1.000 USD nếu đến Nhật Bản sắm đồ hiệu trong thời điểm này.