Ngày 11/4, ông Shunichi Suzuki - Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết các nhà chức trách sẽ không loại trừ bất kỳ phương án nào để đối phó với sự biến động tỷ giá hối đoái sau khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong 34 năm so với đồng yen.
Hành động can thiệp ngoại hối ám chỉ đến việc chính phủ hay ngân hàng trung ương của một nước mua vào hoặc bán ra một ngoại tệ để tác động đến tỷ giá hối đoái của ngoại tệ đó với đồng nội tệ của họ.
Ông Suzuki nói rằng các quan chức Nhật Bản đang phân tích bối cảnh trên tinh thần khẩn trương cao độ. Ông nhấn mạnh việc can thiệp ngoại hối quá mức là điều không mong muốn, nhưng mục đích cuối cùng là chính sách tiền tệ phải được điều phối ổn định.
Phát biểu trước quốc hội, ông Suzuki sau đó cho biết mặc dù đồng yen yếu đi ngoài nhược điểm còn có cả ưu điểm, nhưng ông luôn lo ngại nhiều hơn về tác động của nó đối với giá cả trên thị trường Nhật Bản.
Bình luận của ông Suzuki được đưa ra sau khi mỗi đồng USD có thời điểm đổi được 153,24 yen Nhật vào sáng nay. Đây là mức cao nhất trong vòng 34 năm qua. Đồng yen sau đó có phục hồi nhẹ vào chiều nay, lên mức 152,8 yen đổi được 1 USD.
Trong lịch sử, vào năm 2022, Nhật Bản từng 3 lần can thiệp thị trường bằng cách bán USD mua yen để kéo giá nội tệ lên, khi đó tỷ giá là 152 yen đổi một USD.
Nhiều tuần qua, các nhà đầu tư Nhật Bản luôn trong trạng thái sẵn sàng cho việc lãnh đạo Nhật Bản can thiệp vào thị trường tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh giá yen lao dốc liên tục dù giới chức nước này vừa chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối tháng trước.