Công nghệ

Facebook 'đã chết' trong mắt Gen Z Mỹ, trừ một tính năng

Đối với thế hệ yêu thích mua sắm tiết kiệm, Facebook không đơn thuần là nơi giao lưu trực tuyến mà còn được xem là địa chỉ mua sắm giá hời.

Tháng 12/2023, Ellicia Chiu và Cher Su chỉ mang theo vài thùng đồ khi chuyển đến sinh sống tại căn hộ nằm trong khu Lower East Side (New York, Mỹ).

Trước khi chuyển đến từ Los Angeles, cả 2 dự tính trang bị cho căn hộ một số thiết bị nhà bếp cỡ nhỏ, đồ trang trí và nội thất. Nhưng thay vì mua sản phẩm mới, họ thấy rằng việc tìm các mặt hàng cũ trên Marketplace - dịch vụ mua bán của mạng xã hội Facebook - sẽ hợp lý hơn.

“Tôi chỉ sử dụng Facebook để mua sắm trên Marketplace", Chiu (24 tuổi) cho biết. Trong khi đó, cô dành phần lớn thời gian trên TikTok và Instagram để giải trí, liên lạc bạn bè...

Chiu là một trong số nhiều người ở độ tuổi 20 không có điều kiện tài chính dư dả nên thường tận dụng Marketplace để mua các mặt hàng mà họ thường không đủ khả năng chi trả nếu mua mới hoàn toàn.

Ngoài ra, giao diện dễ sử dụng, hồ sơ xếp hạng tăng độ uy tín và tính năng nhắn tin được tích hợp sẵn trên Facebook cũng là các ưu điểm khiến Chiu ưa chuộng sử dụng nền tảng này.

Dùng Facebook chỉ để... mua hàng

Chiu và Su bật mí món hàng họ yêu thích nhất trên Marketplace là chiếc ghế dài của thương hiệu West Elm mà người bán mới mua chưa đầy một năm. Chiếc ghế có giá gốc là 1.200 USD và họ chỉ cần bỏ ra 145 USD để sở hữu sản phẩm. Dù người bán đã báo trước về vết mèo cào trên ghế song 2 cô gái kiểm tra thì thấy không có vấn đề gì.

Một số sản phẩm giá hời khác phải kể đến nồi cơm điện Zojirushi (50 USD, giá gốc: 150 USD), máy hút bụi Dyson (135 USD, giá gốc: 470 USD) và bàn gập NORDEN IKEA (150 USD, giá gốc: 350 USD).

Một số mặt hàng giá hời được ưa chuộng trên Marketplace. Ảnh: Ye Fan/New York Times.

Như vậy, Chiu và Su chi tổng cộng khoảng 1.400 USD cho hơn 30 mặt hàng mua từ Marketplace và ước tính tiết kiệm được hơn 3.000 USD.

Tuy nhiên, không phải lần mua bán nào của cả 2 cũng thành công. Chẳng hạn, Chiu từng mua phải cây bị thối rễ nên người bán đã đề nghị hoàn 50% số tiền. Còn Su thì kém may mắn hơn khi mua kệ sách hỏng nhưng không được hoàn tiền. Su cũng phải cẩn thận với chiêu trò lừa đảo trên Marketplace khi nhiều kẻ cố gắng tra hỏi thông tin cá nhân khi nhắn tin.

Mức giá cực hời khi mua hàng trên Marketplace. Ảnh: NVCC.

Một trường hợp khác là Sarah Williams (sống ở Kenosha, bang Wisconsin). Ngay sau khi biết tin sắp đón con đầu lòng, cô đã tìm đến các kênh trực tuyến để mua đồ sơ sinh.

Món đồ đầu tiên trong danh sách của cô là một chiếc cũi gỗ có tông màu sáng. Nhưng những chiếc cũi mà cô tìm thấy trên mạng được rao bán với giá 1.200 USD - con số nằm ngoài ngân sách và bị cô Williams đánh giá là "đắt một cách vô lý".

Sau 2 tuần tìm kiếm kỹ lưỡng trên mạng, cô cuối cùng cũng tìm thấy chiếc cũi ưng ý mà một phụ nữ sống gần mình đã rao bán trên Marketplace. Sau khi nhắn tin qua lại trên Messenger với người bán, cô Williams cùng chồng lái xe đến tận nhà người phụ nữ kia để kiểm tra nôi. Họ mua nó với giá 300 USD - thấp hơn 75% so với giá ban đầu - và chất lượng còn tốt.

Sắp tới đây, Williams hy vọng sẽ tìm được những bà mẹ khác trên Marketplace rao bán món đồ mà con họ không còn sử dụng khi đã lớn.

Facebook không còn được sử dụng như mạng xã hội?

Sebastian Ramos (sinh viên năm 3, Đại học DePaul, Chicago) cũng sử dụng Marketplace để mua và bán các mặt hàng, thậm chí còn nhận được một chiếc ghế dài miễn phí với giá bán lẻ ước tính 1.300 USD.

Sản phẩm Ramos từng mua với giá hời là kệ đĩa nhựa vinyl (10 USD, giá gốc: 45 USD); trong khi nam sinh viên có thể bán chiếc Nintendo 3DS đã qua sử dụng với giá 150 USD (giá mua: 200 USD).

Ramos cho biết mình không sử dụng Facebook như một mạng xã hội nhưng thích mua đồ cũ trên Marketplace để tiết kiệm tiền.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2022 cũng cho thấy trong thập kỷ qua, Facebook đã giảm mức độ phổ biến đối với Gen Z như một trang mạng xã hội. Thay vào đó, những người trẻ đang dành nhiều thời gian giao lưu, tương tác trên Instagram, TikTok và Snapchat.

Chiu và Su tận hưởng trên chiếc ghế sofa Andes 145 USD, tấm thảm 40 USD và ghế Tobias trong suốt trị giá 75 USD/2 chiếc. Tất cả đều được mua lại trên Marketplace. Ảnh: Ye Fan/New York Times.

"Facebook Marketplace thường được gọi là 'garage sale' (sự kiện bán hàng giảm giá hoặc trao đổi đồ vật đã qua sử dụng - PV) và tương tự eBay, Craigslist thời nay. Thành công đáng chú ý của Marketplace phần lớn nhờ vào sự tin tưởng của người dùng đối với sự liên kết độc đáo giữa nó và Facebook", giáo sư Yoo-Kyoung Seock tại Đại học Georgia, người từng nghiên cứu hành vi tiêu dùng của thế hệ Z, Millennials và tính bền vững môi trường trong ngành dệt may, cho biết.

Đối với thế hệ có ý thức sâu sắc về môi trường và thích mua sắm đồ cũ, không lấy làm lạ khi Marketplace dần trở nên phổ biến. Chưa kể, lạm phát tăng cao cũng khiến việc mua hàng cũ trở thành sự lựa chọn thiết thực.

Ra mắt năm 2016, Marketplace có hơn một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng và là trang web trực tuyến liên quan đến sản phẩm cũ phổ biến thứ 2, chỉ sau eBay, theo cuộc khảo sát năm 2022 của công ty cung cấp dữ liệu thị trường Statista.

Tuy nhiên, Meta không bàn luận nhiều về Marketplace với tư cách là một doanh nghiệp, về tệp người dùng của nó có thể khác với Facebook như thế nào và liệu họ có tầm nhìn phát triển nền tảng này trước sự phổ biến của nó đối với thế hệ Z hay không.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/facebook-da-chet-trong-mat-gen-z-my-tru-mot-tinh-nang-post1465591.html