Số lượng nhân sự Gen Z bị quấy rối tình dục tại chốn công sở tương đối cao. Nhiều người cảm thấy không hài lòng với cách giải quyết của ban lãnh đạo khi lên tiếng báo cáo.
Theo tổ chức nhân sự HR Brew, số lượng người lao động trẻ đối mặt với quấy rối tình dục tại các văn phòng là tương đối cao.
Khảo sát do công ty tư vấn Deloitte thực hiện vào năm 2023 cho biết 61% Gen Z bị quấy rối tình dục trong vòng 1 năm. Con số này ở những người thuộc thế hệ Millennials là 49%.
80% trong số đó đã lên tiếng báo cáo sự việc. Tuy nhiên, 1/3 khẳng định vấn đề của họ không được giải quyết tốt.
Gen Z có tương tác không thoải mái với đồng nghiệp
Báo cáo của Deloitte cũng chỉ ra rằng người lao động thuộc cộng đồng LGBTQIA+ thường ít lên tiếng về các hành vi quấy rối ở công sở, vì hiếm khi nhận được phản hồi như mong đợi từ phía công ty.
Một khảo sát được tổ chức hỗ trợ tuyển dụng ResumeBuilder thực hiện vào năm 2024 cho biết 46% nhân sự Gen Z từng có những tương tác không thoải mái với đồng nghiệp khi trở lại văn phòng hậu đại dịch. Họ mô tả những tương tác này với tính từ “đáng sợ”.
Chuyên gia nhân sự Julia Toothacre của ResumeBuilder liệt kê những hành động gây sợ hãi này, bao gồm bị đồng nghiệp nhìn chằm chằm, đứng quá gần hoặc động chạm vật lý.
Đây là tín hiệu đáng lo ngại đối với thị trường việc làm vì Gen Z sắp chiếm 1/3 lực lượng lao động tại Mỹ. Các chuyên gia cho rằng các cấp lãnh đạo cần nhanh chóng loại bỏ tận gốc những hành vi độc hại tại nơi làm việc, đảm bảo môi trường an toàn về mặt tâm lý, đồng thời đồng hành với nhân sự trong quá trình phục hồi cảm xúc sau chấn thương tâm lý.
“Nếu nhân viên cảm thấy thiếu an toàn về mặt thể chất hoặc tâm lý, họ sẽ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành công việc, gắn bó với tổ chức hoặc xây dựng mối quan hệ lành mạnh với đồng nghiệp”, Julia Toothacre nói.
Lên tiếng hay im lặng?
Theo nghiên cứu được công ty nhân sự Revelio Labs thực hiện vào đầu năm 2022, môi trường làm việc độc hại là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng nhân sự nghỉ việc. Người lao động có những cách khác nhau để đối phó với văn hoá làm việc độc hại, bao gồm thôi việc, lên tiếng khiếu nại với ban quản lý hoặc các cơ quan có thẩm quyền.
Nhiều lãnh đạo thường xuyên phớt lờ những hành vi, cách thức cư xử không đúng chừng mực, không phù hợp với quy chuẩn tại văn phòng. Vì thế, lòng trung thành của nhân sự với tổ chức dần giảm sút.
Theo khảo sát về Gen Z và quấy rối tình dục được Tạp chí Quốc tế về Quản lý và Phát triển Nguồn Nhân lực thực hiện vào năm 2021, nhân sự Gen Z có xu hướng chia sẻ về vấn đề này với gia đình và bạn bè. Họ không có thói quen lập tức báo cáo với bộ phận nhân sự.
Báo cáo Văn hoá Đạo đức được công ty Ethisphere thực hiện năm 2023 cho biết 47% Gen Z lo lắng về việc bị trả thù khi tố cáo hành vi quấy rối ở môi trường công sở. Dù nhận thức rõ về chính sách và quy định của các tổ chức, người lao động trẻ vẫn ái ngại nếu phải lên tiếng.
41% nhân sự Gen Z không tin rằng đơn khiếu nại được gửi ẩn danh. Họ lo sợ phải bước ra ánh sáng khi quyết định tố cáo.
Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC) đã ban hành hướng dẫn giải quyết và ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc vào đầu năm 2023. Hướng dẫn này chỉ ra các biện pháp như phổ biến quy định với toàn bộ nhân sự của công ty, phát triển nền tảng báo cáo ẩn danh và khen thưởng những quản lý quyết liệt chống quấy rối.
“Lãnh đạo cần có hành động nhất quán với lời nói. Quy định phải được áp dụng với cả quản lý cấp cao chứ không chỉ nhân viên”, Stephen Paskoff, cựu điều tra viên của EEOC, chia sẻ.