Thử thách "Dry January" (tạm dịch: Tháng Giêng kiêng rượu bia) thực chất đã xuất hiện từ vài năm trước.
Theo một khảo sát của nền tảng nghiên cứu dữ liệu CivicScience, 41% người lớn ở Mỹ dự định tham gia thử thách không chè chén trong tháng đầu tiên của năm 2023.
Tuy nhiên, nhiều người thất bại khi tham gia thử thách này. Báo cáo cũng chỉ ra chỉ có khoảng chỉ 16% người Mỹ duy trì và hoàn thành thử thách, New York Post đưa tin.
Bước sang năm 2024, các chuyên gia cho rằng những con số có thể được cải thiện.
“Năm nay, việc tham gia Dry January đang trở nên ngày càng phổ biến với mọi người, không chỉ trước mà còn sau kỳ nghỉ", Aimee Chiligiris, bác sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Y tế NewYork-Presbyterian và Đại học Columbia University Irving (Mỹ), chia sẻ với CBS.
"Trước đây, việc không được uống rượu bia suốt 1 tháng có thể gây ra tâm trạng bất an và lo lắng. Nhưng giờ đây, hoạt động này được xã hội đón nhận hơn, cũng như nhiều người nâng cao nhận thức hơn. Họ chủ động lên kế hoạch và thoải mái bàn tán về thử thách", bác sĩ nói thêm.
Giới trẻ là nhóm đang dẫn đầu trong việc hạn chế uống rượu. Những con số thống kê về số lượng Gen Z từ chối dùng đồ có cồn khiến nhiều người kinh ngạc.
Với những người ở độ tuổi 20, họ cũng không còn thích đi uống rượu trong buổi hẹn hò đầu tiên. Các chương trình giảm giá tại các quán bar, pub như happy hour cũng không còn hấp dẫn.
"Thế hệ trẻ đang bắt đầu tìm những cách khác để cải thiện sức khỏe, thể chất và tinh thần của họ. Đồ uống có cồn dần được coi là ít quan trọng hơn trong các sự kiện xã hội. Việc kỳ vọng ai đó phải uống rượu cũng giảm bớt", bác sĩ chia sẻ.
Các chuyên gia y tế khẳng định việc giảm tiêu thụ đồ có cồn sẽ mang lại nhiều lợi ích.
"Giảm lượng đồ uống có cồn trong thời gian ngắn có thể cải thiện các chức năng của cơ thể, đặc biệt là gan. Một số người còn thấy hiệu quả tích cực tới việc giảm cân, giấc ngủ. Bên cạnh đó, việc không sử dụng rượu bia như chất chống trầm cảm còn tác động tích cực đến tâm lý", bác sĩ Chiligiris nói thêm.
Một nghiên cứu của Đại học Sussex (Anh) phát hiện rằng 71% người tham gia “Tháng Giêng kiêng rượu bia” có giấc ngủ tốt hơn, 67% cảm thấy có nhiều năng lượng hơn, 58% đã giảm cân và 54% tự hào về làn da trở nên đẹp hơn.
"Việc nghỉ uống rượu và tập trung thực sự vào bản thân có thể mang lại một khởi đầu mới. Điều này cũng giúp chúng ta thêm có thời gian, không gian để phát triển các kỹ năng mới, thay đổi cách tiếp cận cuộc sống và hiểu sâu hơn về những cảm xúc, mối quan hệ của mình", bác sĩ Chiligiris khẳng định.
Những nhà nghiên cứu khác, như bác sĩ Rajiv Jalan, giáo sư chuyên về gan tại Đại học London (Anh), từng nghiên cứu về những người tham gia phong trào “Tháng Giêng kiêng rượu”, xác nhận rằng việc không uống rượu có thể thực sự là chìa khóa để duy trì trạng thái tốt cả về cảm xúc và sức khỏe.
"Chúng tôi theo dõi những người tham gia trào lưu này sau 3-6 tháng để tìm hiểu về tác động của Dry January đối với họ. Nói chung, đa số đều cảm thấy tổng thể sức khỏe và tinh thần của mình được cải thiện đến mức trở nên sợ hãi khi nghĩ đến việc uống rượu trong các tuần tiếp theo. Trong 6 tháng sau đó, lượng rượu mà họ tiêu thụ giữ ở mức thấp”, ông nói thêm.