Theo CNBC, trong số hơn 10.200 nhân viên làm việc toàn thời gian ở 6 quốc gia (bao gồm Mỹ và Anh) tham gia khảo sát với Future Forum, hơn 40% cho biết họ bị kiệt sức (burnout).
Burnout được WHO định nghĩa là hội chứng gây căng thẳng không thể kiểm soát ở nơi làm việc, khiến người lao động cạn kiệt năng lượng, tinh thần giảm sút, cảm thấy tiêu cực, năng suất làm việc giảm...
Khảo sát nêu thêm một thông tin rằng lao động trẻ dưới 30 tuổi và lao động nữ là hai đối tượng có nguy cơ bị kiệt sức cao hơn những người khác.
Cụ thể, khoảng 48% thanh niên 18-29 tuổi cho biết họ cảm thấy kiệt sức. Trong khi đó, con số này ở người lao động từ 30 tuổi trở lên là 40%. Nếu xét theo giới tính, 46% lao động nữ nói họ kiệt sức khi làm việc, 37% nam giới cũng bày tỏ tình trạng tương tự.
Tình trạng kiệt sức ở người trẻ và nữ giới không bắt nguồn từ một nguyên nhân duy nhất. Các chuyên gia đều nhất trí rằng những yếu tố gây căng thẳng đan xen giữa đại dịch Covid-19 và sự bất ổn về kinh tế đã khiến tình trạng kiệt sức ở các đối tượng này trở nên trầm trọng hơn.
Nguyên nhân gen Z kiệt sức
Gen Z và gen Y đang tham gia lực lượng lao động trong thời kỳ đại dịch bùng phát trên toàn thế giới, kèm theo những lo ngại về lạm phát, suy thoái kinh tế và xung đột chính trị.
Khi những vấn đề này lan rộng, mức độ căng thẳng ở lao động trẻ lại tăng cao. Đi làm ở thời điểm này, những người trẻ tuổi cảm thấy họ có ít quyền kiểm soát và khó ổn định trong sự nghiệp.
Bàn về tình trạng kiệt sức của lao động gen Z và gen Y, nhà tâm lý học Debbie Sorensen nhận định hai nhóm đối tượng này được "nuôi dưỡng" bằng những áp lực phải đạt được thành tích cao, nhưng họ lại bắt đầu sự nghiệp trong bối cảnh hỗn loạn nên mất đi quyền tự chủ và tự do để tìm công việc lương cao, có ý nghĩa.
Bà Sorensen cũng nói rằng các chính sách thay đổi liên tục của công ty, tình trạng sa thải nhân viên ngày càng tăng, kèm theo việc tuyển dụng bị đóng băng là những nguyên nhân hàng đầu khiến lao động trẻ kiệt sức.
Tương tự, ông Brian Elliott, lãnh đạo điều hành của Future Forum, cũng lưu ý rằng người lao động dưới 30 tuổi có nhiều khả năng lo lắng về việc bị sa thải vì nhân viên mới, ít kinh nghiệm thường nằm trong danh sách đối tượng đầu tiên bị cắt giảm.
Chính những điều này khiến lao động gen Z và gen Y trở nên tách biệt và ít cảm thấy thỏa mãn về sự nghiệp của bản thân.
Số liệu thống kê của Gallup đã chứng minh điều này. Cụ thể, dữ liệu năm 2022 của công ty này chỉ ra rằng lượng người lao động dưới 35 tuổi nghỉ việc cao hơn rất nhiều so với người lao động lớn tuổi hơn.
Lao động nữ cũng khủng hoảng
Cũng trong báo cáo, Gallup cho biết mức độ nữ giới kiệt sức cao hơn nam giới rất nhiều. Kể từ năm 2019, "khoảng cách kiệt sức" giữa lao động nữ và lao động nam đã tăng gấp đôi.
Khoảng cách kiệt sức này có thể bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới. Nghiên cứu phát hiện phụ nữ ít được thăng chức hơn nam giới, được trả lương thấp hơn, nhưng phải gánh vác gia đình nhiều hơn, đồng thời phải đảm nhận nhiều công việc không công. Chính những điều này khiến tình trạng kiệt sức ở lao động nữ trầm trọng hơn.
Ông Brian Elliott cũng chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng chăm sóc trẻ em cũng là một yếu tố khác khiến phụ nữ căng thẳng và cảm thấy thất vọng.
"Việc thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em dễ tiếp cận, giá cả phải chăng là lý do khiến nữ giới, không phải nam giới, phải nghỉ việc hoặc thay đổi công việc", ông Elliott nói thêm.
Theo một báo cáo của National Womens Law Center, lao động nữ mất 3 năm để phục hồi sau khi mất việc làm do đại dịch. Trong khi đó, nam giới chỉ mất chưa đầy 2 năm để bù lại quãng thời gian thất nghiệp.
"Chúng tôi không có thời gian để phục hồi sau những điều đã trải qua trong vài năm qua. Đặc biệt, với lao động nữ và lao động trẻ, họ đang tự tạo cho mình áp lực rất lớn để tiếp tục làm việc và phải làm bằng mọi giá", nhà tâm lý học Debbie Sorensen nói.