Đầu tư

Giá vàng tăng 'nóng' nhưng không phải kênh đầu tư tốt nhất 1 năm qua

Theo số liệu thống kê của chuyên gia tại FIDT, dù ghi nhận đà tăng rất mạnh gần đây, vàng vẫn không phải kênh đầu tư cho mức sinh lời tốt nhất trong vòng 1 năm qua.

Với đà tăng phi mã của giá vàng thời gian qua, vàng đang lấy lại được "thiện cảm" của giới đầu tư, như một kênh đầu tư an toàn nhưng vẫn ghi nhận lợi suất tốt.

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng nghiên cứu và tư vấn bất động sản thuộc CTCP Đầu tư và Quản lý Tài sản FIDT, từ việc so sánh hiệu suất sinh lời của vàng với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, lãi suất ngân hàng, cổ tức doanh nghiệp, trái phiếu, bất động sản, ngoại tệ… thì lợi suất từ vàng vẫn chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư.

Vàng vượt đỉnh nhưng lợi suất chưa bằng cổ phiếu VN Midcap

Chia sẻ với Tri thức - Znews, ông Tùng cho biết theo các số liệu của FIDT tổng hợp từ các kênh đầu tư trong giai đoạn tháng 1/2023 đến ngày 12/3 năm nay, kênh đầu tư cổ phiếu vẫn đang chiếm ưu thế về hiệu quả sinh lời so với các kênh đầu tư truyền thống khác ở Việt Nam.

“Nếu chúng ta đầu tư vào lớp cổ phiếu VN Midcap thì hiệu suất đạt được trong một năm qua là 42%, đây là hiệu suất rất ấn tượng”, ông Tạ Thanh Tùng nhấn mạnh.

Dù đứng sau nhóm cổ phiếu VN Midcap, trong vòng một năm qua, vàng nhẫn cũng nằm trong nhóm kênh đầu tư truyền thống sinh lời tốt khi mang về mức lợi nhuận gần 30% cho nhà đầu tư cá nhân. Theo sau là cổ phiếu VN-Index (+24%); vàng miếng SJC (+22%); tiền gửi tiết kiệm (+4,7%); ngoại tệ USD (+4%).

Ngược lại, kênh đầu tư bất động sản gồm cả chung cư và đất nền vùng ven hầu như không mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư một năm qua, thậm chí còn lỗ nặng.

Đối với câu chuyện đầu tư, ông Tùng cho rằng nhà đầu tư nên nhìn vào bức tranh tài chính cá nhân tổng thể bao gồm nhiều mắt xích như sức khỏe dòng tiền, dự phòng, bảo hiểm, tín dụng… thay vì chỉ nhìn đầu tư như một chủ thể riêng lẻ.

Hiệu suất các kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam trong vòng 1 năm qua. Nguồn: FIDT.

Để đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh những rủi ro về việc mất vốn hoặc chôn vốn, tất cả mắt xích cần được quan tâm và có kế hoạch quản lý phù hợp cũng như cần khớp nối với nhau trong quá trình đầu tư.

Nhà đầu tư không nên vì những rủi ro về sức khỏe, thu nhập hay việc sử dụng đòn bẩy từ nợ vay quá đà… gây ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư.

“Đầu tư và một quá trình dài hạn, cần sự kiên trì, kỷ luật cũng như việc tích lũy kiến thức, trải nghiệm. Tránh tư tưởng nóng vội kiểu làm giàu nhanh, kỳ vọng đón sóng, dự đoán đáy/đỉnh”, ông Tùng nhấn mạnh.

Đầu tư và một quá trình dài hạn, cần sự kiên trì, kỷ luật cũng như việc tích lũy kiến thức, trải nghiệm. Tránh tư tưởng nóng vội kiểu làm giàu nhanh, kỳ vọng đón sóng, dự đoán đáy/đỉnh

Ông Tạ Thanh Tùng, Trưởng phòng nghiên cứu và tư vấn bất động sản FIDT

Vị chuyên gia này cũng đưa lời khuyên ngoài yếu tố lựa chọn tài sản có mức sinh lời phù hợp với kỳ vọng và khả năng chấp nhận rủi ro, nhà đầu tư cá nhân không chuyên cần lựa chọn và phân bổ tài sản đầu tư đảm bảo tính đa dạng và cân bằng trong thanh khoản.

Ngoài ra, một yếu tố thường bị nhà đầu tư bỏ qua là tính tối ưu về rủi ro. Khi lợi nhuận kỳ vọng ở mức vừa phải, bạn không cần đầu tư vào các tài sản quá rủi ro.

Ví dụ, nếu nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận ở mức 10%/năm, lớp tài sản trái phiếu doanh nghiệp (đối với những doanh nghiệp tốt, thông tin minh bạch) có thể đáp ứng được mà không cần đến lớp tài sản cổ phiếu vốn cho lợi nhuận kỳ vọng cao nhưng lại đi kèm rủi ro thua lỗ lớn hơn.

Vàng tăng 'nóng', có nên tăng tỷ trọng

Thời gian gần đây, giới đầu tư dồn sự chú ý nhiều hơn đến vàng vì biến động tăng mạnh và liên tục. Theo quan điểm của ông Tùng, vàng là một tài sản nên có trong danh mục đầu tư với các đặc tính như thanh khoản cao, không lo bị mất giá như tiền tệ.

Trong ngắn hạn, vàng còn là lớp tài sản chống lạm phát và các đợt suy thoái đã được kiểm chứng nhiều lần trong quá khứ. Xét trong dài hạn, khi kinh tế tăng trưởng và thu nhập của người dân tăng lên cũng là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và đảm bảo cho xu hướng tăng giá bền vững của vàng.

Chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư chỉ nên duy trì tỷ trọng 10-15% giá trị vàng trong danh mục đầu tư. Ảnh: Thế Bằng.

Ngoài ra, để đa dạng hóa danh mục đầu tư, vàng là một sự lựa chọn phù hợp nếu so về lợi nhuận dài hạn với tiền gửi kỳ hạn hoặc ngoại tệ.

“Tuy nhiên, mức khuyến nghị của tôi cho tỷ trọng vàng trong danh mục đầu tư cá nhân chỉ nên từ 10% đến tối đa 15%. Không hơn”, ông Tùng đưa nhận định.

Trong năm 2024, biến động về địa chính trị, xung đột trên thế giới còn căng thẳng và khó đoán nên giá vàng vẫn đang có những trợ lực.

Ngoài ra, lãi suất đang quá thấp và sẽ duy trì trong thời gian dài, kênh đầu tư chứng khoán chưa hút được dòng vốn lớn trong khi bất động sản vẫn đang chứa đựng nhiều rủi ro ngắn hạn buộc người dân phải lựa chọn vàng như một kênh đầu tư an toàn. "Do đó giá vàng sẽ khó giảm trong năm 2024", ông nói.

Tuy nhiên, hiện tại, theo quan điểm của ông Tùng, nhà đầu tư không nên tăng thêm tỷ trọng vào vàng, vì giá đang ở mức cao.

Tốt nhất nên đợi thời điểm vàng giảm từ đỉnh khoảng 5% hoặc nhiều hơn mới tiến hành mua vào. Và khi mua nên ưu tiên vàng nhẫn trơn 9999 thay vì vàng miếng SJC sẽ đảm bảo an toàn hơn về dài hạn.

"Bởi vàng miếng SJC ngoài rủi ro về biến động giá còn có rủi ro về thay đổi trong chính sách quản lý của Nhà nước đối với thị trường vàng khi Nghị định 24/2012 được sửa đổi", ông Tùng nói thêm.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/gia-vang-tang-nong-nhung-khong-phai-kenh-dau-tu-tot-nhat-1-nam-qua-post1464881.html