Thống kê diễn biến một thập kỷ trở lại đây cho thấy giá vàng SJC thường tăng khá mạnh trong một tuần trước ngày Thần Tài rồi bất ngờ giảm trong ngày mùng 9 tháng Giêng.
Đến ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày vía Thần Tài), giá vàng sẽ bật tăng trước khi "lao dốc" những ngày sau đó.
Chỉ "sốt giá" ngày vía Thần Tài
Trong 10 năm qua, có 9 lần kịch bản này được lặp lại, chỉ trừ năm 2022. Bởi trong năm 2022, giá vàng vẫn tăng sau dịp vía Thần Tài do giá vàng thế giới tăng vọt vì xung đột chính trị và lo ngại lạm phát kéo dài.
Gần nhất vào năm ngoái, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mỗi lượng vàng miếng bán ra chiều 28 Tết là 67,92 triệu đồng/lượng, đến mùng 7 Tết - ngày giao dịch đầu tiên của năm Âm lịch Quý Mão - đã tăng mạnh lên 68,6 triệu đồng/lượng. Tới mùng 9 Tết, giá vàng bất ngờ giảm chỉ còn 68 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Đến ngày vía Thần Tài mùng 10 Âm lịch (31/1/2023), giá vàng miếng SJC chạm mốc 68,8 triệu đồng/lượng bán ra, tương ứng mức tăng 100.000 đồng. Chỉ 1 ngày sau đó, mặt hàng này đã quay đầu giảm ngay nửa triệu đồng. Mặc dù có tăng nhẹ 100.000-200.000 đồng các ngày sau đó do tác động từ kinh tế thế giới nhưng giá bán ra của mặt hàng này vẫn không vượt qua được mốc 67,8 triệu đồng/lượng xác lập được trong ngày vía Thần Tài.
Với mặt hàng vàng nhẫn tròn trơn, mặt hàng có đặc tính biến động giá ít hơn vàng miếng, cũng được điều chỉnh liên tục. Năm ngoái, nhẫn tròn trơn tại hệ thống SJC hay Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đều tăng vài trăm nghìn mỗi lượng trước vài ngày trước ngày vía Thần Tài, lên mức 56,4 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên tới mùng 9 Tết âm lịch, giá mặt hàng này cũng giảm mạnh về mức 55,7 triệu đồng/lượng.
Sang tới ngày vía Thần Tài, giá vàng nhẫn nhích nhẹ lên mức cao 55,8 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, các ngày sau đó giá vàng nhẫn liên tục giảm để đến ngày 4/2/2023 (tức sau ngày vía Thần Tài 4 ngày) mặt hàng này đã giảm tới 1,3 triệu đồng xuống còn 54,3 triệu đồng/lượng.
Còn xa nhất vào năm 2013, giá vàng miếng SJC bán ra trong ngày mùng 9 Tết âm lịch đã giảm 450.000 đồng, xuống còn 45,3 triệu đồng/lượng. Phiên điều chỉnh đột ngột này đã cắt đứt chuỗi tích luỹ kéo dài hơn nửa tháng trước đó ở gần vùng giá 46 triệu đồng/lượng.
Tới ngày vía Thần Tài mùng 10 Âm lịch (tức ngày 20/2/2013), giá vàng miếng SJC tăng nhẹ 100.000 đồng để niêm yết tại mức 45,4 triệu đồng/lượng. Nhưng chỉ 1 ngày sau, mặt hàng này quay đầu giảm gần 300.000 đồng xuống còn 45,17 triệu đồng/lượng. Đến ngày 12 tháng Giêng (tức 2 ngày sau ngày Thần Tài), giá vàng miếng đã “bay” mất mốc 45 triệu đồng/lượng để xuống còn 44,9 triệu đồng/lượng. Như vậy chỉ bước qua ngày Thần Tài khoảng 2 ngày, giá bán của vàng miếng SJC đã bốc hơi nửa triệu đồng/lượng.
Không chỉ tăng giá vào dịp vía Thần Tài, các doanh nghiệp vàng thường có xu hướng nới rộng biên độ mua - bán trong những ngày này.
Giai đoạn 2013-2020, nếu mức độ chênh lệch giữa chiều mua vào và bán ra thông thường chỉ dao động 200.000-300.000 đồng/lượng thì vào ngày Thần Tài, khi lực mua lớn, các đơn vị kinh doanh vàng thường đẩy chênh lệch giá mua - bán lên tới 500.000-700.000 đồng/lượng. Như vậy, người dân mua vàng và bán lại ngay sau đó sẽ lỗ tới nửa triệu đồng.
Ba năm trở lại đây, mức chênh lệch mua - bán trong ngày vía Thần Tài thậm chí còn được các doanh nghiệp nới rộng hơn, vượt 1 triệu đồng/lượng, phần thiệt thòi được đẩy về phía người mua.
Đáng chú ý, trong ngày vía Thần Tài, giá vàng trong nước thường ít chịu ảnh hưởng bởi giá vàng thế giới và các doanh nghiệp vàng thường cố gắng đẩy mạnh nhóm sản phẩm mang thương hiệu riêng, các mặt hàng phong thuỷ cầu may, linh vật...
Kịch bản sẽ lặp lại trong 2024?
Trong năm nay, giá vàng lại một lần nữa lặp lại kịch bản tương tự. Trước Tết Nguyên đán ngày 7/2 (28 tháng Chạp), giá vàng trong nước bật tăng mạnh.
Trong đó, vàng miếng SJC từ vùng giá thấp 76 triệu đồng/lượng bán ra vào cuối tháng 1 đã tăng lên mức 78,8 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng gần 3 triệu đồng/lượng.
Với mặt hàng vàng nhẫn, trước Tết Nguyên đán các doanh nghiệp vàng trong nước chủ yếu niêm yết giá bán ra tại mốc 64,5-65,5 triệu đồng/lượng.
Càng sát ngày vía Thần Tài giá vàng nhẫn càng vọt tăng. Đỉnh điểm vào phiên giao dịch ngày 17/2, tức cách 2 ngày tới ngày vía Thần Tài giá vàng nhẫn đã tăng lên mức kỷ lục 66 triệu đồng/lượng.
Tới ngày mùng 9 tháng Giêng (tức hôm nay 18/2) giá vàng lại đồng loạt lao dốc. Hiện giá vàng miếng SJC đã giảm tới 600.000 đồng tại Công ty Mi Hồng để niêm yết tại 77,2 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng lớn khác như SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu, DOJI, Phú Quý đều giảm 150.000-450.000 đồng để niêm yết tại vùng bán ra là 78,4 triệu đồng/lượng.
Tương tự, mặt hàng vàng nhẫn cũng đang suy yếu khi mức giảm ghi nhận tại các doanh nghiệp vàng dao động 100.000-250.000 đồng, kéo giá bán ra của mặt hàng này xuống 64,4-65,8 triệu đồng/lượng tuỳ doanh nghiệp vàng.
Nhiều người dự đoán kịch bản giá vàng tăng ngày vía Thần Tài và giảm vào các ngày sau đó sẽ tiếp tục xảy ra vào năm nay.