Sản phẩm

Góc khuất đằng sau dây chuyền nghiền nát 250.000 iPhone mỗi năm

Phóng sự đặc biệt của Bloomberg làm sáng tỏ những bí mật của ngành công nghiệp tái chế thiết bị cũ từ Apple.

Chỉ một số rất nhỏ công nhân tại nhà máy tái chế có quyền vào căn phòng có tên “lồng Apple”.

Đằng sau cánh cửa bị khóa, đi qua máy dò kim loại và dưới camera giám sát, một nhóm nhỏ nhân viên của GEEP, công ty chuyên xử lý rác thải điện tử ở phía bắc Toronto, đang sàng lọc các hộp chứa đầy iPhone đã qua sử dụng.

Cạy từng cái một cách thủ công trên bàn, các công nhân của GEEP lấy pin và các bộ phận khác ra rồi ném chúng vào thùng phân loại.

Khi số lượng vật liệu chất đống ở một trong các thùng, nó sẽ được nâng lên một khu vực rộng hơn của nhà kho, trước khi được đổ vào các máy công nghiệp lớn có khả năng nghiền nát thiết bị thành những mảnh nhỏ.

Apple làm gì với iPhone thu cũ của người dùng?

Ngay cả khi những chiếc iPhone trông đủ tốt để bán lại, hợp đồng của Apple với GEEP yêu cầu rõ ràng rằng mọi sản phẩm mà họ gửi đi đều phải bị tiêu hủy.

Apple gửi các thiết bị cũ đến đối tác tái chế với yêu cầu tiêu hủy toàn bộ. Ảnh: Apple.

Quan điểm của Táo khuyết rất rõ ràng: Những thiết bị thường được vứt bỏ tại các cửa hàng Apple hoặc được thu thập thông qua các chương trình thu cũ đổi mới, tốt hơn hết là nên bị loại bỏ hơn là tân trang lại.

Trên thực tế, số lượng thiết bị mà Apple đã loại bỏ là rất lớn. Trong vài năm đầu tiên hợp tác với GEEP, Táo khuyết đã gửi khoảng 530.000 chiếc iPhone, 25.000 chiếc iPad và 19.000 Apple Watch.

Với GEEP, nhà sản xuất iPhone cũng là một khách hàng cực kỳ quan trọng và rất nghiêm ngặt về bảo mật khi luôn yêu cầu phải tuân thủ các thủ tục về cách lưu trữ và giám sát mảnh vụn phân hủy.

"Họ xem xét kỹ lưỡng, tìm hiểu sâu và thẩm định các hoạt động. Apple hoàn toàn khắt khe về thương hiệu của mình”, một cựu giám đốc cấp cao của GEEP tiết lộ.

Để ngăn chặn hành vi trộm cắp, Apple thuê các chuyên gia tư vấn an ninh bên ngoài để hộ tống các xe tải đến cơ sở tái chế của GEEP. Toàn bộ quá trình dỡ hàng và băm nhỏ đều được người của Táo khuyết ghi lại.

Có nhiều lý do để các nhà sản xuất thiết bị điện tử và nhà bán lẻ phải trả tiền để cắt nhỏ hàng hóa của họ. Một trong số những lý do là hãng muốn loại bỏ hàng tồn kho chưa bán được khỏi kệ để nhường chỗ cho các thế hệ sản phẩm mới.

Bên cạnh đó, các mặt hàng đã qua sử dụng tiềm ẩn nguy cơ chứa dữ liệu cá nhân cần được tiêu hủy. Việc băm nhỏ cũng giảm thiểu nguy cơ các bộ phận được săn đón như module máy ảnh, cảm biến hay chipset có thể rơi vào tay kẻ xấu.

Từng thành phần trong iPhone đều bị nghiền nát trong quá trình tái chế. Ảnh: Apple.

Năm 2023, đường dây lừa đảo do Zhiwei Liao dẫn đầu đã bị tuyên án 51 tháng tù. Nhóm này tráo đổi hơn 10.000 iPhone và iPad giả có nguồn gốc Trung Quốc, khiến Apple thiệt hại 6,1 triệu USD

Cụ thể, nhóm tội phạm cố tình làm hư hại các thiết bị này rồi đem đến đổi lấy hàng xịn tại các cửa hàng Apple Store. Sau đó, băng nhóm đưa số hàng xịn về Trung Quốc bán kiếm lời.

Hô biến từ phế liệu thành iPhone cũ

Tuy nhiên, phóng sự đặc biệt của Bloomberg cho thấy không phải tất cả chúng đều bị đưa vào máy hủy.

Các sản phẩm được gửi đi đang dần biến mất khỏi cơ sở tái chế, mặc dù dường như không ai ở GEEP để ý hay nói về điều đó.

Không rõ chính xác khi nào mà Apple bắt đầu nhận thấy hoạt động đáng ngờ ở GEEP.

Bên cạnh việc theo dõi các thiết bị gửi đến các nhà tái chế, Táo khuyết còn phân tích các báo cáo dữ liệu trình bày chi tiết về trọng lượng tiêu hủy và sản lượng hàng hóa.

Toàn bộ quy trình phân hủy thiết bị đều được Apple theo dõi chặt chẽ. Ảnh: Apple.

Nếu tỷ lệ phần trăm hỗn hợp kim loại quý đến từ một lô iPhone không giống nhau, điều đó có thể gây ra cảnh báo đỏ ở Cupertino.

Vào tháng 8/2017, Apple kiểm tra bất ngờ ở GEEP. Các kiểm toán viên, khi xem xét các tài liệu của công ty và phỏng vấn nhân viên, nhanh chóng nhận ra rằng có nhiều thiết bị đã bị mất hơn mức có thể nhét trong đồ lót của công nhân.

Phía Apple đã gặp các nhà lãnh đạo GEEP để chia sẻ kết quả điều tra vào tháng 1/2018.

Nhà sản xuất iPhone nhanh chóng đưa ra cáo buộc GEEP không tái chế ít nhất 99.975 mặt hàng.

Thông tin nhận dạng di động và các thiết bị khác cho thấy những chiếc iPhone lẽ ra phải được nghiền nát lại được người dùng mới ở Trung Quốc kích hoạt lại.

Đến năm 2020, Apple chính thức kiện GEEP tại tòa án Ontario với số tiền 22,6 triệu USD vì vi phạm hợp đồng, cáo buộc một “kế hoạch được dàn dựng cẩn thận”, trong đó nhân viên tái chế đã đánh cắp và chuyển sản phẩm cho các bên thứ ba.

GEEP thừa nhận hàng hóa của Apple đã bị chiếm đoạt, nhưng đổ lỗi cho một số “nhân viên lừa đảo” bao gồm quản lý nhà máy Roger Micks và 2 đồng nghiệp cũ là Ted Cooper và Steve White đã chuyển hướng gần 100.000 thiết bị Apple để đổi lấy tiền lại quả.

Theo 9to5Mac, khi vụ kiện lần đầu được đưa ra ánh sáng vào cuối năm 2020 bởi hãng tin Logic, các nhà quan sát trong ngành đã rất choáng váng.

Theo các chuyên gia, vụ việc là minh chứng cho thấy Apple đang buộc một đối tác tái chế phải cắt nhỏ hàng chục nghìn chiếc iPhone vẫn còn dùng được để tân trang.

Apple phát hiện có ít nhất 99.975 chiếc iPhone đáng ra phải bị loại thì lại được chuyển đến Trung Quốc. Ảnh: Apple.

Đồng sáng lập iFixit, Kyle Wiens đưa ra ý kiến trái chiều khi kiên quyết yêu cầu Apple phải chấm dứt các hợp đồng yêu cầu đối tác nhà tái chế phải cắt nhỏ thiết bị.

Theo Wiens, hành động này là bất hợp pháp vì ngay cả khi các thiết bị không thể sửa chữa được, chắc chắn vẫn có những bộ phận bên trong mà các chuyên gia tân trang khác muốn mua lại.

“Nếu người tiêu dùng biết số lượng sản phẩm chất lượng bị tiêu hủy mỗi ngày, họ sẽ bị sốc. Tôi cho rằng những công nhân GEEP đã đánh cắp và bán lại iPhone đã làm một việc có ích", Wiens nói.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/goc-khuat-dang-sau-day-chuyen-nghien-nat-250000-iphone-moi-nam-post1471446.html