Theo thông cáo báo chí từ Văn phòng công tố bang Maryland (Mỹ), 2 người đàn ông ngụ ở bang này đã gửi hàng nghìn chiếc iPhone giả cho Táo khuyết để sửa chữa. Apple sau đó sẽ thay những chiếc máy hàng giả này bằng iPhone chính hãng.
Thủ phạm đằng sau vụ việc là Haotian Sun (33 tuổi) và Pengfei Xue (33 tuổi). Bộ đôi đã bị bồi thẩm đoàn liên bang ở Quận Columbia kết tội lừa đảo Apple, đi kèm với án tù lên đến 20 năm.
Cụ thể, 2 người này đã mua lượng lớn iPhone giả từ Hong Kong từ năm 2017. Sau đó, họ gửi những chiếc iPhone giả có số sê-ri và IMEI giả mạo đến Apple Store hay các nhà cung cấp dịch vụ được ủy quyền của Apple.
Chiêu lừa đảo này thực hiện trót lọt là nhờ lỗ hổng trong chính sách bảo hành AppleCare. Cụ thể, Táo khuyết có thể bảo hành bằng cách đổi lại máy mới, trong trường hợp máy cũ hỏng hóc, gặp lỗi kỹ thuật, đồng thời đã được kiểm tra, đáp ứng các yêu cầu về chức năng của hãng.
Trong vòng 2,5 năm, bộ đôi này đã gửi hơn 5.000 máy, gây thiệt hại hơn 3 triệu USD cho Apple. Để tránh bị phát hiện, cả hai đã sử dụng nhiều bí danh khác nhau. Họ còn giả mạo số sê-ri để đảm bảo trò lừa diễn ra trót lọt. Tuy nhiên, bộ đôi tội phạm đã bị bắt vào ngày 5/12/2019. Việc tuyên án sẽ bắt đầu vào ngày 21/6/2024.
Theo văn phòng công tố, Sun và Xue là công dân Trung Quốc, mặc dù không rõ hai người đàn ông này đã sống ở Mỹ bao lâu.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Apple bị lừa. Gã khổng lồ công nghệ mắc bẫy lừa đảo này tổng cộng 3 lần. Trước đó, Hai anh em ở San Diego, Zhimin và Zhiting Liao, đã bị kết án 41 tháng tù vào năm ngoái vì một kế hoạch tương tự. Họ nhập khẩu iPhone, iPad giả từ Trung Quốc, sau đó tráo đổi chúng tại các cửa hàng Apple trên khắp nước Mỹ và Canada.
Trong đó, Zhimin Liao đã đích thân đến 105 cửa hàng Apple ở 22 tiểu bang và tráo đổi khoảng 720 iPhone và iPad giả. Còn Zhiting Liao ghé ít nhất 200 cửa hàng Apple ở 18 tiểu bang và Canada, cố gắng giao dịch khoảng 718 iPhone và iPad giả, theo các công tố viên.
Các sản phẩm chính hãng của Apple sau đó đã được tuồn sang thị trường nước ngoài, dẫn đến thiệt hại 6,1 triệu USD cho Táo khuyết, theo Times of San Diego.
Năm 2019, 2 sinh viên Quan Jiang và Yangyang Zhou bị cáo buộc đã lừa Apple với số iPhone giả trị giá gần 900.000 USD. Hai người này lấy nguồn iPhone giả từ người quen ở Trung Quốc. Sau đó, Jiang và Zhou gửi chúng cho Apple để sửa chữa theo chính sách bảo hành của hãng. Cuối cùng, Apple sẽ gửi cho họ những chiếc iPhone chính hãng để thay thế.
Tổng cộng, cặp đôi này đã gửi hơn 2.000 yêu cầu bảo hành chỉ riêng trong năm 2017. Dữ liệu của Apple cho thấy tổng cộng có đến hơn 3.000 yêu cầu bảo hành đến từ Jiang.Trong tất cả trường hợp, Jiang đều nói iPhone không bật được. Đây chính là mấu chốt của vụ lừa đảo.
“Việc gửi một chiếc iPhone không bật được nguồn là điểm quan trọng để kéo dài hành vi gian lận bảo hành iPhone. Vì các kỹ thuật viên Apple sẽ không thể kiểm tra hoặc sửa chữa ngay lập tức. Thay vào đó, hãng sẽ gửi một chiếc iPhone thay thế theo chế độ bảo hành tiêu chuẩn”, đơn kiện viết rõ.
Sau khi nhận được iPhone chính hãng, Jiang sẽ gửi chúng về Trung Quốc để bán. Người bạn giấu tên sẽ trả một phần lợi nhuận cho mẹ của Jiang ở Trung Quốc. Bà sẽ gửi số tiền này vào tài khoản ngân hàng ở Mỹ của Jiang.
Cuối cùng, đồng phạm Zhou đối mặt với mức phạt lên tới 10.000 USD và 5 năm tù. Trong khi đó, Jiang bị cáo buộc gian lận và buôn bán hàng giả, kèm khoản tiền phạt lên đến 2 triệu USD và 10 năm tù.