Meta bị cáo buộc có hành vi phản cạnh tranh trên thị trường quảng cáo mạng xã hội trong vụ kiện tụng đang diễn ra tại tòa án liên bang California, Mỹ. Trong tình tiết mới nhất, CEO Meta Mark Zuckerberg được cho từng gửi một email ra lệnh cho cấp dưới phải tạo chương trình để truy cập các hành động được mã hóa của người dùng trong các ứng dụng đối thủ như Snapchat, YouTube vào năm 2016, theo Business Insider.
Ngoài yêu cầu mơ hồ về mặt đạo đức - vấn đề do tòa án xem xét - email đang khiến cộng đồng mạng dậy sóng vì những câu chữ được ông chủ Facebook sử dụng. Zuckerberg đã kết thúc email của mình bằng một câu khá nghiêm khắc, mang ý ra lệnh cho nhân viên: "Bạn nên tìm ra cách thực hiện việc này".
Ronald Riggio, giáo sư về lãnh đạo và tâm lý tổ chức tại Cao đẳng Claremont McKenna ở California, nói: "Giọng điệu của email này hoàn toàn là về nhiệm vụ, công việc. Không có sự tế nhị ở đây". Ông lưu ý rằng điều này "không hiếm" ở các ông chủ.
Mặc dù các chiến thuật khắt khe, dựa trên sự xấu hổ có thể tác động tiêu cực đến nhân viên và gây phản tác dụng cho hoạt động kinh doanh về lâu dài, Riggio cho biết bối cảnh là yếu tố then chốt và điều đó không nhất thiết luôn diễn ra theo cách như vậy.
Nhân viên khó nói "không"
Lý do sếp gửi email khẩn cấp, trịch thượng rất đơn giản: Nhìn bề ngoài, nỗi sợ hãi có vẻ là động lực mạnh mẽ đối với một số người, Annie Wright, nhà trị liệu được cấp phép, cho hay.
Bà nói rằng đối với những người dễ hưng phấn hệ thần kinh khi bị căng thẳng, "một email như thế này có thể tạo ra hiệu suất, sự quyết tâm, hành động nhanh chóng để xoa dịu và làm hài lòng sếp". Một người muốn làm hài lòng mọi người có thể bắt tay vào hành động ngay lập tức.
Nó có thể đạt được kết quả tức thì, nhưng dẫn đến tỷ lệ nhảy việc cao hơn. Những ông chủ tồi là một trong những lý do hàng đầu khiến mọi người bỏ việc.
Ngoài ra, Wright nói rằng một số người có thể phản ứng rất khác. Họ trải qua tình trạng hệ thần kinh bị giảm hưng phấn và bị đóng băng dưới áp lực.
Một email như của Zuckerberg có thể làm tăng nguy cơ nhân viên cần được trị liệu để đối phó với môi trường làm việc độc hại.
Riggio cho biết vấn đề lớn hơn với email của Zuckerberg là yêu cầu phi đạo đức của ông. Giọng điệu trong email của người sếp này khiến việc nói "không" trở nên rất khó khăn.
Riggio nói rằng thật khó để chống lại một người có địa vị và quyền lực như Zuckerberg. "Đó là lý do tại sao nhiều nhà lãnh đạo gặp rắc rối. Họ tạo ra môi trường làm việc quá nghiêm khắc, từ trên xuống, không có sự hợp tác", ông nói, đề cập đến cuộc tranh cãi gần đây về Boeing.
Đầu năm 2014, nhân viên Boeing lên tiếng tố cáo văn hóa nơi làm việc độc hại coi trọng sản lượng tối đa, trong đó người lao động liên tục phải làm việc ngoài giờ trong bầu không khí bất đồng giữa người quản lý và cấp dưới.
Sếp giỏi cần biết đồng cảm
Về mặt giá trị, Riggio cho biết không có gì sai với một email "bạn có thể tìm ra điều này" - tùy thuộc vào mối quan hệ của sếp với nhân viên.
"Nếu sếp đang muốn nhân viên của mình chủ động và đưa ra các giải pháp mới hoặc sáng tạo trong cách thực hiện nhiệm vụ, thì một yêu cầu như vậy có thể biểu thị sự tin tưởng hơn là phán xét", ông nói.
Email năm 2016 được tìm thấy của Zuckerberg xuất hiện khi ngày càng có nhiều công ty tìm kiếm những nhà lãnh đạo có EQ (trí tuệ cảm xúc) cao, những người có thể đồng cảm với nhân viên và giúp nơi làm việc trở nên gắn kết hơn.
"Một ông chủ tốt, một nhà lãnh đạo giỏi nên làm cả hai việc: hoàn thành công việc và bồi dưỡng những người đi theo mình", Riggio nói.
Đây không phải lần đầu tiên email của Zuckerberg gây tranh cãi. Năm 2010, ông chủ Facebook từng gửi email yêu cầu một nhân viên "từ chức". Zuckerberg tỏ rõ sự bức xúc khi nhân viên này nói với cổng tin tức TechCrunch về quá trình phát triển điện thoại thông minh Facebook.
Ông yêu cầu nhân viên này nghỉ việc vì thông tin không chính xác, gây thiệt hại cho công ty. Email nhấn mạnh rằng Zuckerberg nhận thấy vụ rò rỉ là "phá hoại" và là "hành động phản bội".
Email bắt đầu với dòng chữ "bí mật, không chia sẻ", nhưng đã được một tài khoản X (trước đây là Twitter) đăng tải và nhanh chóng gây bàn tán trên mạng xã hội.