Hạ tầng

Hiện trạng tuyến đường trung tâm Hà Nội được chi 8.500 tỷ để mở rộng

Tuyến đường được đề xuất nâng cấp, cải tạo là đường Láng, mảnh ghép cuối cùng của tuyến đường vành đai 2 tại trung tâm thủ đô.

Ngày 2/1, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất đầu tư dự án Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) thời gian từ nay đến 2025 với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 8.500 tỷ đồng. Tuyến đường vành đai 2 có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kết nối giao thông Hà Nội với các tỉnh thành lân cận.

Tuyến đường vành đai 2 được xem là cao tốc đô thị với lộ trình khép kín từ cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở - cầu Nhật Tân - cầu Đông Trù - cầu chui Gia Lâm - Đàm Quang Trung và trở lại cầu Vĩnh Tuy.

Từ năm 2016, tuyến đường vành đai 2 nối đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) và đường Bưởi (quận Cầu Giấy) kết nối đến ngã tư Cầu Giấy đã hoàn thiện.

Tiếp đó đường vành đai 2 Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở thông xe toàn tuyến bao gồm cả đường trên cao và dưới thấp sau hơn 4 năm thi công.

Hiện vành đai 2 chỉ còn đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện nay) dài 4km chưa được mở rộng và xây dựng đường trên cao. Với đặc điểm có nhiều nút giao với các trục đường lớn như Nguyễn Chí Thanh, Lê Văn Lương, Yên Lãng... Đây cũng là đoạn tuyến có mặt đường nhỏ hẹp nhất trên tuyến vành đai 2.

Theo đó, dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) có quy mô mặt cắt rộng 53,5m, dài 3,44km, tổng mức đầu tư dự kiến 8.500 tỷ đồng. Dự án được triển khai nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở cũng như phát huy hiệu quả tuyến đường Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở.

Với chiều dài khoảng 4 km, đây là đoạn đường với mật độ dân cư đông đúc bậc nhất thủ đô với nhà cửa san sát cùng nhiều tòa cao tầng nằm lân cận.

Ùn tắc triền miên khiến tuyến đường Láng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân khi lưu thông vào giờ cao điểm. Trước đó, từ năm 2019, trục đường Láng (Vành đai 2), đoạn từ Cầu Giấy - Ngã Tư Sở đã được xén hè mở rộng mặt đường nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề ùn tắc. “Lượng phương tiện quá đông đúc khiến con đường này không thể đáp ứng được nữa, vấn đề ùn tắc diễn ra ra hàng ngày. Tôi thấy việc mở rộng và làm đường trên cao là cần thiết”, anh Quốc Dương, người dân sinh sống tại phường Láng Hạ (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

Cùng quan điểm trên, Bùi Thị Thanh Lam (21 tuổi) cho biết: "Nếu có phương án xây dựng đường trên cao để giảm thiểu ùn tắc thì mình rất đồng tình. Tuyến đường này quá nhiều điểm đen ùn tắc, việc phải đợi xe bus từ 30 phút đến cả tiếng đã quá quen thuộc với mình".

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi để xe hoặc bày bán hàng hóa thường xuyên xảy ra trên trục đường Láng.

Nằm sát bên bờ sông Tô Lịch là tuyến đường dành riêng cho người đi bộ đầu tiên của Hà Nội, tuy nhiên con đường đi bộ này ít được người dân sử dụng.

Nằm giữa dải phân cách trên đường Láng là hàng cây xà cừ cổ thụ có tuổi đời lâu năm.

Với đặc điểm giao cắt với nhiều đường lớn khác, từ đó đường Láng tồn tại nhiều các điểm nóng về ùn tắc. Tại điểm đầu đường Láng ( \đoạn Ngã Tư Sở), mặc dù đã được tổ chức lại giao thông nhằm giảm xung đột nhưng tình trạng ùn tắc vẫn xảy ra vào nhiều thời điểm trong ngày, nhất là vào giờ cao điểm.

Mới đây, sau khi nút giao Ngã Tư Sở được cải tạo, điều chỉnh lại cách phân luồng thì giao thông qua khu vực này đã giảm bớt tình trạng ùn tắc, tuy nhiên vào khung giờ cao điểm do lưu lượng giao thông tăng đột biến vẫn khiến việc lưu thông qua đây rơi vào cảnh khó khăn. Người dân kỳ vọng sau khi tuyến đường Vành đai 2 trên cao được khép kín sẽ giúp giao thông trên trục đường này thông thoáng hơn.

Bản đồ dự án cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy). Ảnh: Google Maps.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/hien-trang-tuyen-duong-trung-tam-ha-noi-duoc-chi-8500-ty-de-mo-rong-post1452989.html