Hình ảnh gần chục giáo sư trường Y thuộc Đại học Quốc gia Kangwon ở Chuncheon cạo đầu gây sửng sốt. Lễ cạo đầu được tổ chức để phản đối kế hoạch bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường.
Ông Ryu Se-min, người đứng đầu trường Y thuộc Đại học Quốc gia Kangwon, cho biết dù nhiều giáo sư đã phản đối việc tăng số lượng tuyển sinh, phía nhà trường vẫn đưa ra quyết định ngược lại.
Vị giáo sư than thở rằng đáng ra nhà trường phải tìm cách đưa các bác sĩ đình công trở lại làm việc, nhưng họ lại chọn cách tiếp tục nộp đơn xin bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh.
Chuyện gì đang xảy ra?
Không riêng giáo sư Đại học Quốc gia Kangwon, nhiều bác sĩ đầu ngành ở các trường y khác cũng có động thái phản đối kế hoạch tuyển sinh của chính phủ.
Cụ thể, một giáo sư tim mạch ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk ở Cheongju đã nộp đơn từ chức. Giáo sư này viết lên mạng xã hội rằng ông không còn lý do gì để ở lại bệnh viện khi các cộng sự là bác sĩ thực tập đã đình công hết.
Tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Kyungpook ở thành phố Daegu, một giáo sư phẫu thuật cũng đăng lên mạng xã hội nói rằng sẽ nghỉ việc, đồng thời chỉ trích chính phủ vì đã đưa ra tối hậu thư đe dọa các bác sĩ thực tập.
Tính đến ngày 5/3, 40 trường y tại Hàn Quốc đã nộp đơn lên Bộ Giáo dục để xin bổ sung 3.401 suất tuyển sinh vào năm tới. Con số này lớn hơn rất nhiều so với dự kiến trong khảo sát vào năm ngoái, cụ thể là 2.847 suất.
Trong một họp báo ngắn vào sáng 5/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Park Min-soo cho biết tất cả trường y đều xin thêm suất tuyển sinh. Ông tin rằng các trường làm như vậy vì muốn tăng quy mô của trường để thu hút sinh viên giỏi.
Đặc biệt, các trường đại học tư thục ở khu vực ngoại thành, nơi có tỷ lệ tuyển sinh thấp, lại càng chủ động tăng số lượng tuyển sinh để nâng cao số lượng sinh viên nhập học. Tuy nhiên, mục đích này của các trường đại học không được nhiều giáo sư ủng hộ.
Cũng trong ngày 5/3, đại diện Hội đồng Giáo sư trường y ở nước này đã đệ đơn kiện Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc lên Tòa án Hành chính Seoul, yêu cầu bộ bỏ quyết định tăng số lượng sinh viên trường y vào năm 2025, đồng thời kêu gọi các trường hủy bỏ việc xin suất tuyển sinh.
Hàng nghìn bác sĩ bị đình chỉ giấy phép hành nghề
Trong khi bác sĩ đình công tập thể, Bộ Y tế bắt đầu gửi thông báo đến những bác sĩ thực tập vẫn đang nghỉ việc sau khi bộ hoàn thành việc thanh tra 100 bệnh viện đại học vào ngày 4 và ngày 5/3.
Các nội dung thông báo bao gồm đình chỉ giấy phép hành nghề và thực hiện những biện pháp hành chính khác.
Ngoài việc đình chỉ hơn 7.000 bác sĩ thực tập, Hàn Quốc cũng ra lệnh cấm xuất cảnh đối với 4 lãnh đạo của Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA), bao gồm cả lãnh đạo đương nhiệm Kim Taek-woo.
Lý do là cảnh sát nghi ngờ KMA chính là tổ chức đã xúi giục các bác sĩ thực tập đình công và biểu tình.
Trước cuộc biểu tình tập thể của bác sĩ Hàn Quốc hôm 2/3, mạng xã hội nước này xuất hiện một số bài viết tố các bác sĩ ép nhân viên bán hàng của các công ty dược phẩm phải tham gia cuộc biểu tình.
Tại nước này, nhân viên bán hàng của công ty dược thường chịu sự chi phối của bác sĩ - người có thẩm quyền kê đơn hoặc đổi thuốc.
"Tôi buộc phải tham gia biểu tình vì một bác sĩ mà tôi làm việc cùng đã nói rằng ông ấy sẽ đổi thuốc nếu tôi không đến", một tài khoản ẩn danh chia sẻ trên mạng.
Phản hồi những cáo buộc này, Văn phòng Tổng thống cảnh báo những hành vi bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo đúng nguyên tắc và không có chuyện khoan nhượng.
Hiện, cảnh sát đã tiến hành điều tra những cáo buộc này. Nếu những lời tố cáo là đúng sự thật, người liên quan sẽ bị cấu thành hành vi ép buộc bất hợp pháp và vi phạm đạo luật dịch vụ y tế, theo Yonhap.
Mệt mỏi nhất là người ở lại
Trong khi hàng nghìn bác sĩ đình công, nghỉ việc, biểu tình để phản đối kế hoạch của chính phủ, một số người vẫn quyết định trụ lại bệnh viện vì lo cho bệnh nhân.
Anh A, bác sĩ phẫu thuật nội trú, là một trong số đó. Trao đổi với Hankyoreh, A cho biết nhiều bác sĩ đình công để phản đối mở rộng tuyển sinh, nhưng vẫn còn những người ưu tiên bệnh nhân hơn tất cả. Họ chỉ mong bệnh nhân được điều trị kịp thời và phù hợp với điều kiện kinh tế.
Nói thêm về đợt đình công tập thể diễn ra từ giữa tháng 2, anh A cho biết anh rất bất ngờ vì vụ việc lần này còn căng thẳng hơn đợt đình công xảy ra vào năm 2020.
A thông tin thêm rằng một số bệnh viện đã thành lập đội hồi sức tim phổi (CPR) bí mật để kịp thời hỗ trợ khi bệnh nhân gặp nguy hiểm. Đội này sẽ luôn túc trực ở bệnh viện kể cả khi đình công xảy ra.
Tuy nhiên, nỗ lực của bệnh viện cũng tan thành mây khói vì đội CPR bí mật lần này cũng đình công. Những bác sĩ còn trụ lại như A thực sự rất lo lắng và mệt mỏi.
"Chúng tôi cần thêm bác sĩ. Bệnh nhân và những bác sĩ còn làm việc ở bệnh viện đều nghĩ như vậy. Tôi đã thức trắng 2-3 ngày liền vì một ca phẫu thuật khẩn cấp, tôi rất lo vì không biết mình có kê thuốc đúng hay không", bác sĩ A nói.
Thời gian này, khi bác sĩ thực tập đình công tập thể, nhiều ca phẫu thuật ở bệnh viện A làm bị hoãn vô thời hạn, bệnh nhân cũng phải xuất viện dù chưa được chữa khỏi.
Trong những tình huống khẩn cấp như hồi sức tim phổi, các bác sĩ còn ở lại buộc phải làm mọi việc và không thể phân chia công việc rõ ràng như trước đây. Điều dưỡng cũng quá tải vì thiếu hụt nhân lực.
Điều mà anh A sợ nhất trong thời gian này chính là khi anh đang trong phòng mổ, một bệnh nhân khác nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
"Nhiều lúc, tôi chỉ mong mình có khả năng phân thân để kịp thời hỗ trợ bệnh nhân. Cho đến khi làm bác sĩ nội trú, tôi mới biết rằng nhiều bệnh nhân không được điều trị vì hoàn cảnh gia đình. Tôi chỉ ước tất cả bệnh nhân đều được điều trị kịp thời để không còn đau đớn nữa", A chia sẻ.
Khi được hỏi về chính sách mở rộng tuyển sinh của chính phủ, anh A nhận định kế hoạch này có vấn đề, nhưng anh không thể hùa theo những bác sĩ khác đình công hoặc nghỉ việc chỉ để phản đối chính phủ.
“Tôi không nộp đơn xin từ chức nhưng cũng không thể nói rằng tôi ủng hộ việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y. Thay vì chú trọng vào số lượng, chính phủ nên chú trọng vào việc nâng chỉ tiêu tuyển sinh thế nào để đảm bảo chất lượng đầu ra", vị bác sĩ nói.