Ngày 27/3, Korea Herald đưa tin một phụ nữ ở Busan khoảng 20-30 tuổi tử vong do bị nhồi máu cơ tim. Trước đó, người bệnh không may mắn này đã bị một bệnh viện từ chối cấp cứu.
Hôm 6/3, cô lên cơn nhồi máu cơ tim, cần phẫu thuật ngay lập tức. Nhân viên cứu hộ đã liên hệ với một bệnh viện đại học trong thành phố nhưng đơn vị này nói họ không thể tiếp nhận. Sau đó, cô lại được đưa đến bệnh viện ở Ulsan nhưng không qua khỏi trên đường chuyển viện.
Gia đình người phụ nữ đệ đơn lên Bộ Y tế, cho rằng cái chết của con gái họ liên quan đến việc bác sĩ thực tập đình công và giáo sư y khoa từ chức hàng loạt.
Tuy nhiên, bộ lại nói rằng họ không thể can thiệp vì việc bệnh viện từ chối bệnh nhân không vi phạm pháp luật. Bệnh viện đại học - nơi gia đình bệnh nhân liên hệ cấp cứu - có bác sĩ tim mạch trực vào thời điểm đó nhưng họ không đủ nhân lực để thực hiện ca phẫu thuật.
Chữa bệnh trong bế tắc, hoang mang
Cơn khủng hoảng ở các bệnh viện lớn tại Hàn Quốc bắt đầu lan rộng vì bác sĩ thực tập chưa trở lại làm việc, kèm theo đó là vào đầu tuần này, hàng trăm giáo sư y khoa cũng đã nghỉ việc để phản đối kế hoạch tuyển sinh của chính phủ.
Sự rời đi của bác sĩ thực tập và các giáo sư tạo ra cơn khủng hoảng đáng sợ ở các bệnh viện, khiến nhiều bệnh nhân mất ăn mất ngủ vì sợ không được điều trị kịp thời.
Một phụ nữ 30 tuổi, người nhà của bệnh nhân 60 tuổi, cho biết cô rất lo vì sự tê liệt của dịch vụ y tế có thể ảnh hưởng đến việc trị bệnh của mẹ.
Gần đây, mẹ của người phụ nữ này được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn 4 và đang được điều trị ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk. Mỗi tuần, mẹ cô phải đến bệnh viện ít nhất 3 lần mỗi tuần để điều trị.
"Tôi rất lo. Nếu các giáo sư y cũng từ chức thì quá trình điều trị của mẹ tôi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng", người phụ nữ nói với Yonhap.
Một bệnh nhân ở Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk cũng bày tỏ sự lo lắng và thất vọng khi nghe tin giáo sư trường y đình công.
Bệnh nhân này mắc bệnh thận, chức năng thận chỉ còn khoảng 15% nên ông phải đến bệnh viện kiểm tra thường xuyên. Sắp tới, ông sẽ phải chạy thận nhưng ông sợ rằng việc này có thể bị hoãn do bệnh viện thiếu nhân sự.
"Giáo sư y mà cũng từ chức thì không khác gì họ đang nói với những bệnh nhân như tôi rằng chúng tôi nên chết đi", bệnh nhân 70 tuổi bức xúc.
Trên mạng xã hội, những người bệnh cũng bày tỏ sự phẫn nộ vì không được điều trị. Một bệnh nhân bị viêm đường tiết niệu đăng lên mạng, phàn nàn rằng không bệnh viện nào ở nơi cô sống nhận bệnh nhân do thiếu bác sĩ thực tập.
Người phụ nữ đã tìm đến hai bệnh viện lớn ở Gwangju là Bệnh viện Đại học Quốc gia Chonnam và Bệnh viện Đại học Quốc gia Jeonbuk, nhưng rồi lại phải đi về vì không nơi nào nhận.
"Tôi đã phải vật lộn với bệnh viêm đường tiết niệu suốt 3 năm qua. Gần đây khi đi khám ở một phòng khám gần nhà, bác sĩ phát hiện tôi bị tiểu máu vi thể nên họ khuyên tôi đến bệnh viện lớn để khám. Tôi đến bệnh viện lớn rồi nhưng đâu có được khám", người này nói.
Bệnh viện cũng thiệt hại nặng
Bác sĩ thực tập và giáo sư không còn làm việc, các bệnh viện đa khoa lớn ở Hàn Quốc buộc phải đóng cửa một số khoa, vì những người ở lại không còn đủ sức để gánh hết việc của những người đình công.
Bệnh nhân không được khám, bệnh viện theo đó cũng thiệt hại nặng nề. Ước tính "big 5" bệnh viện ở nước này (gồm Trung tâm Y tế Ansan, Bệnh viện Severance, Bệnh viện Samsung Seoul, Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Bệnh viện St. Mary) thiệt hại hơn 1 tỷ won mỗi ngày (khoảng 741.000 USD) và đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Một lãnh đạo của Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul nói với Yonhap rằng bệnh viện đã phải đóng cửa 10/60 khu vực, bao gồm khu dành cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân ung thư.
Những ca bệnh nặng đã được chuyển đến khu khác để "đảm bảo hoạt động linh hoạt" trong thời điểm hiện tại. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã chuẩn bị một khoản tín dụng trị giá 100 tỷ won để đối phó với những khó khăn tài chính trong giai đoạn tới.
Trung tâm Y tế Asan và Bệnh viện St. Mary cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trong khi bệnh viện Bệnh viện St. Mary đóng 2 trong số 19 khu, Trung tâm Y tế Asan phải đóng cửa 9 trong số 56 khu để đảm bảo hoạt động của bệnh viện vẫn có thể duy trì ổn định.
Các bệnh viện nói rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm như vậy để có thể tập trung nguồn lực cho các bệnh nhân cấp cứu và các ca bệnh nặng.
Khủng hoảng nguồn thu cũng khiến một số bệnh viện cho nhân viên nghỉ phép không lương, đồng thời hoãn việc tuyển dụng y tá.
"Chúng tôi cũng không biết khi nào tình hình này mới kết thúc vì cả tháng nay bác sĩ thực tập không đi làm, các giáo sư cũng đã nộp đơn nghỉ việc. Những người ở lại rất căng thẳng vì công việc bị quá tải", một lãnh đạo bệnh viện cho biết.