Theo thống kê, chưa hết tháng 1 nhưng đã có khoảng 30 nhà băng thông báo giảm lãi suất tiết kiệm ở hầu hết kỳ hạn.
Một vài ngân hàng có vốn điều lệ vừa và nhỏ thậm chí đã điều chỉnh giảm lãi suất đến lần thứ 2, như BacABank, Eximbank, GPBank... Hay VietABank, KienlongBank, NCB đã thông báo giảm lãi suất tiết kiệm tới lần thứ 3 trong tháng.
Lãi suất cao nhất chỉ còn 6,2%/năm
Mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn đang trên đà giảm mạnh, lãi suất huy động cao nhất tại hầu hết ngân hàng hiện đều ở dưới 6%/năm. Trong đó, mức lãi 5-5,6%/năm hiện chủ yếu được áp dụng cho các khoản gửi với kỳ hạn 6-24 tháng, còn kỳ hạn dưới 6 tháng đều lùi về dưới 4%/năm.
Sau các đợt giảm lãi suất liên tiếp, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng không còn chênh lệch đáng kể so với nhóm ngân hàng quốc doanh. Thậm chí, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng tư nhân như SHB, ACB, Techcombank, MB, VIB... hiện đã xấp xỉ hoặc ngang bằng nhóm "Big 4" quốc doanh.
Sau đợt điều chỉnh mạnh vào đầu tháng 1, Vietcombank đang là nhà băng giữ mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất hệ thống. Nhà băng này cố định lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-2 tháng ở mức 1,7%/năm; 6 tháng hưởng 3%/năm và kỳ hạn dài 12 tháng trở lên hưởng mức 4,7%/năm.
Theo sau là Agribank với kỳ hạn ngắn 1-2 tháng giảm còn 1,8%/năm; 6 tháng xuống còn 3,2%/năm; 12 tháng trở lên hưởng lãi suất cao nhất 5-5,3%/năm. Còn BIDV và VietinBank hiện neo lãi suất huy động bằng nhau, trong đó, kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng hưởng lãi 1,9-2,2%/năm; 6 tháng trở lên hưởng lãi tương tự Agribank.
- Mức lãi suất tiết kiệm cao nhất dành cho khách hàng cá nhân ở từng kỳ hạn:
Khảo sát tại 27 ngân hàng thương mại với hình thức gửi tại quầy, các nhà băng đang chi trả lãi suất tốt nhất cho kỳ hạn ngắn 1 tháng có Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga VRB (4,3%/năm); CBBank (4,1%/năm); DongABank (3,9%/năm); OceanBank (3,7%/năm)...
Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất hiện được đưa ra bởi nhóm ngân hàng CBBank (5%/năm); DongABank, VRB (4,9%/năm); VietBank, NCB, ABBank, BVBank, HDBank (4,8%/năm)...
Còn ở kỳ hạn dài 12 tháng trở lên, duy nhất PGBank đang trả lãi suất 6,2%/năm, còn lại toàn bộ ngân hàng đều đã đưa lãi suất kỳ hạn này về dưới 6%/năm. Trong đó, NCB, OCB (5,8%/năm); HDBank (5,7%/năm)...
Với hình thức gửi tiết kiệm online, mức lãi suất các nhà băng chi trả thường nhỉnh hơn gửi tại quầy từ 0,1 đến 0,3 điểm %, tùy kỳ hạn.
Mặt bằng lãi suất thấp sẽ duy trì đến hết năm
Trong bối cảnh lãi suất vẫn giảm liên tục trong tháng 1, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu và còn ít dư địa để giảm thêm. Các chuyên gia tại đây nhấn mạnh trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, mức lãi suất tiền gửi thấp như hiện nay cần được giữ vững để kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm.
VCBS dự báo mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1-1,5 điểm % trong năm 2024. "Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ thêm lãi suất cho vay đối với một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn", đơn vị phân tích nhấn mạnh.
Các ngân hàng sẽ cân nhắc hạ thêm lãi suất cho vay đối với một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)
Đưa quan điểm tương tự, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp 4,85-5,35%/năm trong hầu hết năm 2024.
Yếu tố quan trọng tác động tới mặt bằng lãi suất huy động sẽ là nhu cầu tín dụng phục hồi, tuy nhiên khó có đột biến từ chỉ số này do những khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể khắc phục triệt để trong năm nay.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo NHNN có thể xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % trong quý II năm nay, đưa lãi suất tái cấp vốn về 4%/năm và lãi suất chiết khấu về mức 2,5%/năm. Với diễn biến này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân dự kiến duy trì ở vùng thấp 4,5-5%/năm trong cả năm nay.
Lãi suất huy động trên thị trường liên tục giảm vài tháng qua trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào với lượng tiền gửi tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của cư dân và các tổ chức kinh tế đến cuối năm 2023 đã đạt hơn 13,5 triệu tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử ngành ngân hàng. Nếu so với năm 2022, lượng tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 cao hơn gần gấp đôi.