Kiếm tiền

Liệu có cần đi làm vào sáng thứ 7?

Ngay cả khi làn sóng layoff đang lan rộng, việc đi làm vào ngày thứ 7 vẫn chưa bao giờ dễ chịu và là một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều nhân sự bất mãn.

Một trong nguyên nhân khiến dân văn phòng không hài lòng là đi làm vào cuối tuần. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Một trong những tiêu chí khi tìm kiếm việc làm của Kim Hà (27 tuổi, quận 7, TP.HCM) là không làm việc vào thứ 7.

Cô không thực sự thoải mái khi phải có mặt tại văn phòng vào cuối tuần. Sau vài năm đi làm, cô cảm thấy mình cần dành thứ 7 và chủ nhật để nghỉ ngơi, cũng như dành thời gian cho gia đình, bạn bè.

Đó là lý do cô luôn chủ động hỏi về quy định đi làm vào cuối tuần tại các cuộc gặp mặt nhà tuyển dụng. Nói với Znews, Kim Hà cho biết phần lớn vẫn yêu cầu nhân viên đi làm vào thứ 7, nửa ngày hoặc cả ngày.

Một số công ty yêu cầu nhân viên lên văn phòng vào thứ 7, dù chỉ nửa ngày. Ảnh minh họa: Pexels.

Có thể nói, đây là nỗi niềm chung của không ít nhân viên cổ cồn trắng. Họ cảm thấy việc đi làm vào thứ 7 khá vô nghĩa và không có hiệu quả, lại khiến họ mất thêm một ngày nghỉ ngơi.

“Ai cũng cần thời gian để nghỉ ngơi, nạp năng lượng và chăm lo cho cuộc sống cá nhân. Hiểu đơn giản là hãy để mọi người được sống, thay vì chỉ tồn tại qua ngày”, Jonathan Alpert, nhà trị liệu tâm lý, với US News khi được hỏi về vấn đề làm việc vào cuối tuần.

Ảnh hưởng của việc đi làm vào thứ 7

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người làm việc trong thời gian quá dài thường có xu hướng trở thành “bợm rượu”, hay gặp các vấn đề sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, trầm cảm cũng như mắc các bệnh về tim mạch.

Mayra Mendez, chuyên gia tâm lý đến từ Trung tâm Phát triển Gia đình và Trẻ em tại bang California (Mỹ), nhận định làm việc quá độ vào cuối tuần có những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Kim Hà thường chủ động hỏi HR về chính sách làm việc cuối tuần của công ty trong các buổi phỏng vấn. Ảnh: NVCC.

Các triệu chứng căng thẳng, nghiêm trọng hơn là trầm cảm, đến từ việc họ không thể dành thời gian với những người thân yêu khiến các mối quan hệ bị gián đoạn. Thời gian nghỉ ngơi quá ít khiến tâm trí của người lao động không thể hồi phục kịp thời sau một tuần làm việc áp lực.

Trong lịch sử, người lao động phải trải qua hàng thế kỷ mới có một ngày thứ 7 được nghỉ ngơi trọn vẹn.

Năm 1908, một nhà máy ở New England, Mỹ đã trở thành nhà máy đầu tiên tại quốc gia này áp dụng chế độ làm việc 5 ngày một tuần. Chế độ này tạo điều kiện để các công nhân Do Thái có thể tận hưởng ngày Shabbat theo Do Thái giáo.

Năm 1928, nhà kinh tế học nổi tiếng John Maynard Keynes còn dự đoán rằng sau 100 năm, tức năm 2028, sự phát triển về mặt công nghệ sẽ giúp giảm số giờ làm việc một tuần xuống còn 15 tiếng. Tất nhiên, điều này dường như khó có thể xảy ra.

Theo thời gian, nhiều nghiên cứu chuyên sâu đã lý giải việc rút ngắn thời gian làm việc trong tuần có tác dụng nâng cao hiệu suất làm việc, cải thiện sức khỏe và tăng cam kết của người lao động.

Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dịch tễ Mỹ chỉ ra rằng những nhân viên làm việc 55 giờ/tuần sẽ thực hiện các công việc trí óc kém hiệu quả hơn nhiều so với những người chỉ làm 40 giờ/tuần.

Tony Schwartz, tác giả của cuốn sách bán chạy Sức mạnh của toàn tâm toàn ý, chia sẻ với tờ Harvard Business Review rằng con người sẽ làm việc hiệu quả nhất trong vòng 90 phút tập trung cao độ, kết hợp với các khoảng nghỉ xen kẽ.

Thích ứng thời cuộc

Tuy nhiên, trong bối cảnh tối ưu hóa nguồn nhân lực như hiện tại, người lao động phải học cách thích nghi để đảm bảo mức thu nhập và trang trải cuộc sống.

“Hiện nay, người lao động hoàn toàn có thể kết thúc công việc sớm vào 15h thứ sáu và tiếp tục làm việc vào cuối tuần", Gabriela Mauch, phó giám đốc phòng thí nghiệm năng suất thuộc ActivTrak, chia sẻ.

Luật quy định có thể làm tối đa 48 tiếng/tuần, nhưng nhiều công ty linh hoạt chính sách giờ làm, chỉ 40 hoặc 44 tiếng/tuần. Ảnh minh họa: Pexels.

Tất nhiên, điều này cần sự phối hợp đến từ phía doanh nghiệp. Như trường hợp của Basecamp, công ty đã quy định các nhân viên sẽ có nửa năm làm việc theo mô hình 4 ngày/tuần, nửa năm còn lại theo mô hình 5 ngày/tuần.

"Khi bị giới hạn thời gian, bạn sẽ tập trung hoàn thành những công việc thiết yếu. Sự tập trung trong một khoảng thời gian ngắn góp phần nâng cao chất lượng công việc", Jason Fried, giám đốc điều hành của công ty, lý giải.

Tại Việt Nam, bà Đinh Hồng Duyên, chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp, tác giả cuốn sách Quản trị nhân sự thời Gen Z, cho biết theo luật hiện hành, các công ty vẫn được phép sử dụng người lao động không quá 48 tiếng/tuần.

Như vậy, nếu mỗi ngày làm việc đủ 8 tiếng, nhân sự cần đi làm 6 ngày/tuần, chỉ được nghỉ một ngày duy nhất.

Tuy vậy, đó là luật, còn thị trường lao động lại vận hành khác. Hiện nay, nhiều công ty đã sử dụng linh hoạt chính sách làm việc 40 hoặc 44 tiếng/tuần.

Để rút ngắn số ngày làm việc, nhiều doanh nghiệp còn chia 44 tiếng làm việc vào 5 ngày trong tuần, không yêu cầu nhân viên làm việc nửa ngày thứ 7. Việc này mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động nếu xét cả về vật chất và tinh thần.

Nếu vẫn đi làm nửa ngày thứ 7 theo quy định của công ty, bà Duyên cho rằng nhân sự không nên bất mãn mà lãng phí nguyên một ngày này. Thay vào đó, họ nên thử nghiệm việc:

  • Lên kế hoạch cả tuần và kế hoạch cụ thể cho nửa ngày thứ 7, biến đây thành ngày để sắp xếp và bố trí lại công việc cho tuần tiếp theo một cách thật khoa học.
  • Sắp xếp công việc để dành khoảng thời gian cho sự phát triển bản thân phục vụ cho chính công việc: tham gia hội thảo, tọa đàm hay webinar online, tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận hay giao lưu về kiến thức, dự án...
  • Gặp gỡ khách hàng bên ngoài công ty, hưởng thụ không khí và những buổi trò chuyện chất lượng.
Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/lieu-co-can-di-lam-vao-sang-thu-7-post1446726.html