Thời khắc Eunice Wang nhận được công việc cố vấn chiến lược tại công ty dược phẩm ở Bắc Kinh cũng là lúc giấc mơ của cô trở thành hiện thực.
Wang đã nỗ lực suốt 6 năm để thực hiện giấc mơ đó. Cô tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật sinh học, và sau đó hoàn thành bằng thạc sĩ về phân tích kinh doanh tại Mỹ.
Nhưng chỉ 3 tháng sau, cô gái 25 tuổi đã từ bỏ nó.
“Tôi cho rằng tôi có thể trụ lại làm một năm, nhưng rồi tôi nghĩ thà tôi tự sát còn hơn. Tôi thực sự vô vọng”, cô chia sẻ.
Wang trở về quê hương ở miền Bắc Trung Quốc để làm nhân viên pha chế vào 6 tháng trước. Việc chuyển từ công việc văn phòng sang “qing ti li huo” (hay “việc nhẹ” trong tiếng Trung Quốc) đang trở nên phổ biến trong giới trẻ ở nước này.
Hashtag "trải nghiệm làm việc chân tay đầu tiên của tôi" đã thu hút hơn 30 triệu lượt xem trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu.
Những công việc như vậy bao gồm làm quản lý tại cửa hàng đồ ăn nhanh, nhân viên phục vụ bàn và nhân viên dọn dẹp - bất cứ việc gì ngoại trừ việc ngồi trong văn phòng.
“Có rất nhiều cuộc thảo luận trực tuyến, nơi những người trẻ tuổi chia sẻ về việc họ đã bỏ công việc văn phòng vì không hài lòng”, Jia Miao, giáo sư xã hội học tại Đại học New York, Thượng Hải, cho biết.
Wu Xiaogang, một giáo sư khác cùng trường đại học, nói thêm: “Điều đó khá bất thường” vì người có bằng đại học thường là nhân viên “cổ cồn trắng”.
Công trình do Wu đồng tác giả ước tính ít nhất 1/4 sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang thiếu việc làm. Thiếu việc làm bao gồm khi mọi người làm những công việc không phản ánh đúng kỹ năng hoặc chuyên ngành họ được đào tạo.
“Không thể phủ nhận sau Covid-19, trong khi nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi… nhiều thanh niên vẫn chật vật tìm việc. Một số đã chọn công việc lao động nhẹ để cố gắng tự trang trải cuộc sống”, Miao nói.
Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng với những người lao động trẻ như Wang - những người “tự nguyện rút lui” khỏi công việc chuyên môn, theo cách gọi của chuyên gia CNBC.
Cảm thấy thất vọng
Wang từng tưởng tượng công việc tư vấn tại văn phòng của cô sẽ “thực sự sáng tạo”, mong đợi sự hợp tác với đồng nghiệp và sếp. Song, thực tế khác xa với điều đó.
“Tôi không có thời gian để giao tiếp với ai vì khối lượng công việc”, Wang nói.
Thay vào đó, cô dành cả ngày để soạn slide, viết báo cáo bằng tiếng Trung rồi dịch sang tiếng Anh.
Giáo sư Wu cho biết ngày càng có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học trở thành “xiao bai ling”, hay “cổ cồn trắng nhỏ”.
Giáo sư Miao nói thêm “nhỏ” không chỉ đề cập đến độ tuổi của người lao động mà còn cả vai trò của họ. Họ thường là những nhân viên cấp dưới, không có tiếng nói trong quá trình ra quyết định.
Hành vi phủ nhận người lao động này không mới, bà chia sẻ thêm.
“Khi xã hội chuyển từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa, từ trang trại sang nhà máy, một số công việc không đòi hỏi sự sáng tạo hay tự chủ. Mọi người đảm nhận một vị trí cụ thể và lặp lại một việc từ ngày này qua ngày khác”, bà nói.
Theo bà Miao, nhiều người trẻ có thể cảm thấy thất vọng về công việc của họ vì các công ty không tuyển họ để làm việc mà chỉ vận hành máy tính trên bàn giấy.
Bên cạnh đó, xét đến yếu tố cạnh tranh cao và văn hóa “996” (làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần), những lao động trẻ tuổi bị kiệt quệ cả về thể chất lẫn tâm lý.
Thay đổi trong giá trị công việc
Dù vậy, những người trẻ tuổi như Wang vẫn cố gắng đáp ứng kỳ vọng truyền thống là vào đại học và kiếm được một công việc văn phòng “tốt”.
“Tôi được bảo rằng nếu tôi hy sinh thời gian cá nhân, nếu tôi nỗ lực và thức khuya, thì cuối cùng tôi sẽ trở thành người ưu tú, đáng được ngưỡng mộ”, cô nói.
“Có cảm giác nếu tôi không kiếm được một ‘công việc thực sự’, mọi thứ tôi làm trước đây sẽ trở nên vô nghĩa. Tôi có một nỗi sợ hãi rằng tôi sẽ thất bại”, cô chia sẻ thêm.
Người lao động trẻ trên khắp thế giới đang đặt câu hỏi về ý nghĩa của công việc trong những năm gần đây, với các phong trào như “âm thầm nghỉ việc” và “ngày thứ Hai tối thiểu” trở nên phổ biến.
Ở Trung Quốc, hiện tượng “tang ping” xuất hiện, theo đó thanh niên từ chối văn hóa làm việc quá sức và chấp nhận “nằm yên mặc kệ đời”.
Giáo sư Miao cho rằng quá trình chuyển đổi kinh tế nhanh chóng là nguyên nhân gây ra “sự thay đổi đáng kể” về giá trị công việc.
Theo bà, “đối với thế hệ cũ, họ làm việc trong nền kinh tế kế hoạch hóa… nơi mà công việc được kết hợp với tinh thần yêu nước, như vậy công việc của bạn đang đóng góp” cho xã hội.
Nhưng khi đạt được nền tảng kinh tế nhất định, “những người trẻ tuổi muốn theo đuổi chủ nghĩa cá nhân”, bà nói. Mục tiêu cuối cùng của họ khác với thế hệ đi trước.
Với Wang, chỉ đến khi nhìn lại, cô mới nhận ra bản thân chưa bao giờ “muốn” theo đuổi chuyên ngành của mình hay làm việc văn phòng.
“Tôi nhìn lại và nhận ra đó là vì bố mẹ bảo tôi chọn nó, mọi người nói rằng với chuyên ngành này, tôi sẽ có một tương lai xán lạn”, Wang cho hay. “Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ về việc liệu công việc đó có phù hợp với mình hay không”.
"Những công việc này cũng đáng được tôn trọng"
Giáo sư Wu cho biết sự hấp dẫn của “công việc lao động nhẹ” đối với những nhân viên cổ cồn trắng nằm ở sự “tự do và linh hoạt hơn” trong lịch làm việc. Dù vậy, điều họ đánh đổi là thu nhập không ổn định và ít đảm bảo trong công việc hơn.
“Tôi không khuyến khích mọi người bỏ việc để làm điều này… Đôi khi tôi suy nghĩ về lợi thế của mình, rằng tôi chỉ có thể theo đuổi điều này vì cha mẹ tôi thuộc tầng lớp trung lưu và tôi không phải lo lắng về tiền bạc”, Wang cho biết.
Cô kiếm được khoảng 12.000 nhân dân tệ (khoảng 1.700 USD) mỗi tháng từ công việc văn phòng của mình. Là một nhân viên pha chế, cô kiếm được 1/4 số đó và nhận được “một chút” hỗ trợ tài chính từ cha mẹ.
Dù vậy, trải nghiệm vô giá là được khám phá bản thân - điều cô không có được ở công việc cũ.
“Mọi người có thể hỏi bạn mất nhiều thời gian để hoàn thành bằng thạc sĩ nhưng cuối cùng lại đi phục vụ cà phê? Một công việc mà những người chỉ cần học hết cấp hai hoặc tiểu học có thể làm được?”, cô nói.
Nhưng Wang cho biết cô dần nhận ra công việc đó không đơn giản như nhiều người vẫn tưởng. Chẳng hạn, trở thành một nhân viên pha cà phê không chỉ cho phép cô học các kỹ năng pha cà phê, mà còn giúp cô vượt qua nỗi sợ hãi khi bắt chuyện với mọi người.
“Trước đây, tôi thực sự coi mình là trung tâm và không để ý tới (nhân viên cổ cồn xanh)”, Wang nói.
“Nhưng những công việc này cũng đáng được tôn trọng. Tại sao một số công việc lại bị coi là thấp kém hơn những công việc khác?”, cô cho hay.