Ảnh: iStock/jroballo

Hàng hóa

Lithium - khoáng sản được săn lùng nhiều nhất (Kỳ 1)

Lithium, nguyên liệu chính để làm các loại pin điện thoại, máy tính, xe điện,... đang trở thành một trong những khoáng sản được săn lùng nhiều nhất và là mục tiêu trong cuộc đua giành lợi thế giữa các quốc gia.

Nội dung chính:

  • Lithium - thành phần chính của pin xe điện đang trở thành một trong những nguyên liệu quan trọng nhất của thế giới và Trung Quốc đang là điểm đến của 40% sản lượng khai thác toàn cầu.
  • Các nước phương Tây như Mỹ và châu Âu đang trong cuộc đua giành lợi thế trong việc sản xuất pin ô tô điện, nhưng nguồn cung lithium mới là vấn đề.

Lịch sử thành phố cảng Kwinana ở bờ biển phía Tây Australia là một câu chuyện thu nhỏ của ngành năng lượng toàn cầu. Từ năm 1955, đây là nơi đặt một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất khu vực, thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí BP (khi đó vẫn còn là Công ty Dầu mỏ Anh-Ba Tư). Nhà máy này từng cung cấp 70% nguồn nhiên liệu cho bang Tây Australia, và những bể kim loại chứa dầu khổng lồ vẫn là điểm nhấn của khung cảnh bên bờ biển, mặc dù chúng đang rỉ sét vì không khí có nhiều muối.

Khoáng sản được săn lùng

Nhà máy lọc dầu này đã dừng hoạt động hồi tháng 3/2021, nhưng dầu không phải là thứ duy nhất nằm dưới những tầng đất đỏ của Australia. Quốc gia này sở hữu khoảng gần một nửa trữ lượng lithium toàn cầu. Xe tải và máy móc đã hoạt động trở lại, nhưng không phải để vận chuyển dầu, mà chúng trở thành một phần của cuộc đua nhằm kiểm soát nguồn nhiên liệu sạch cho tương lai - cuộc đua vốn đang được Trung Quốc thống trị.

Toàn cảnh nhà máy tinh chế lithium ở Kwinana, gần thành phố Perth, bang Tây Australia. (Ảnh: Bloomberg)

Trong vòng 30 năm qua, lithium đã trở thành một trong những loại khoáng sản được săn đón nhất. Nó là thành phần thiết yếu để cấu thành các loại pin có thể sạc được để dùng cho điện thoại, laptop, các thiết bị điện tử tiêu dùng và bây giờ là xe điện.

Nhưng để sản xuất pin, quặng lithium thô cần phải được tinh chế và xử lý. Quá trình này cần nhiều vốn và nguồn lực, và mãi cho tới gần đây, đều được thực hiện bên ngoài Australia. Khi nhắc đến việc tinh chế quặng lithium, Trung Quốc là số một và bỏ xa tất cả quốc gia khác. Trung Quốc là điểm đến của hơn 40% lượng lithium thô khai thác được trên toàn cầu. Tính riêng trong năm 2021, có 211 nhà máy sản xuất pin được xây dựng trên thế giới, và 156 trong số này mọc lên ở Trung Quốc. Trong khi đó, chỉ có 12 nhà máy được xây dựng ở Mỹ.

Thị phần của Trung Quốc trong thị trường pin lithium-ion có thể lên tới 80%, theo ước tính từ BloombergNEF. Sáu trong số mười nhà sản pin xe điện lớn nhất thế giới có trụ sở tại Trung Quốc - tiêu biểu là CATL, công ty cung cấp khoảng 30% pin xe điện toàn cầu. Sự thống trị này không chỉ nằm ở đầu ra mà còn xuất hiện ở đầu vào của chuỗi cung ứng.

Các công ty Trung Quốc ký một loạt thỏa thuận ưu đãi với các nước giàu tài nguyên lithium như Argentina, Chile và Bolivia. Không chỉ vậy, họ được hưởng lợi từ khoản đầu tư khổng lồ của chính phủ Trung Quốc vào các bước phức tạp giữa việc khai thác và sản xuất. Điều này khiến phần còn lại của thế giới lo lắng, và Mỹ cùng châu Âu đang tìm mọi cách để tránh khỏi việc phụ thuộc vào lithium của Trung Quốc, trước khi quá muộn.

Vị trí các mỏ khai thác lithium trên thế giới. (Ảnh: Bloomberg)

Nhu cầu chưa dừng lại

Trung bình, mỗi chiếc xe điện cần từ 30-60kg lithium cho khối pin của nó. Các chuyên gia ước tính đến năm 2034, riêng nước Mỹ sẽ cần khoảng 500.000 tấn lithium thô trong một năm để sản xuất pin xe điện. Con số này lớn hơn nguồn cung toàn cầu trong năm 2020.

Nếu như cuộc chiến ở Ukraine dẫn tới căng thẳng địa chính trị và các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây, với việc Moscow cắt nguồn cung dầu mỏ và khí đốt. Nhiều người lo ngại rằng tình trạng tương tự có thể xảy ra giữa Trung Quốc và phương Tây, và Bắc Kinh hoàn toàn có thể sử dụng sự thống trị của mình với chuỗi cung ứng lithium để cắt nguồn cung pin xe điện.

“Nếu Trung Quốc quyết định tập trung vào thị trường nội địa, giá pin lithium-ion sẽ trở nên đắt đỏ hơn bên ngoài Trung Quốc”, ông Andrew Barron, giáo sư về năng lượng carbon thấp và môi trường tại Đại học Swansea (Anh), nhận định. Điều này khiến nỗ lực của phương Tây nhằm mở rộng năng lực sản xuất pin xe điện trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Những nỗ lực này đang diễn ra, mặc dù có vẻ với tốc độ không được nhanh cho lắm. Dự kiến đến năm 2025, sẽ có thêm 13 siêu nhà máy sản xuất pin được xây dựng ở Mỹ. 35 cơ sở nữa sẽ mọc lên ở châu Âu cho đến năm 2035. Tất cả những nhà máy này khổng lồ này sẽ cần lithium để hoạt động.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất pin lithium-ion ở Đông Hoản, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Hồi tháng 3 năm nay, Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng - một di sản thời Chiến tranh Lạnh - nhằm tài trợ khai thác lithium và các vật liệu quan trọng khác để sản xuất pin ở Mỹ, với lý do đây là vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Ở phía bên kia Đại Tây Dương, Liên minh châu Âu đang thúc đẩy chính sách nhằm tạo ra một chuỗi cung ứng pin xanh, chú trọng vào tái chế lithium.

Còn tiếp Kỳ 2: Cuộc đua lithium

Link bài gốcLấy link
https://markettimes.vn/lithium-khoang-san-duoc-san-lung-nhieu-nhat-ky-1-11668.html