Nhiều năm qua, vị khách quan trọng của thị trường lithium và các kim loại dùng trong pin xe điện vẫn luôn là Tesla. Viễn cảnh một trữ mỏ mới có thể cung cấp đầy đủ năng lượng cho một thương hiệu ô tô điện hàng đầu nước Mỹ được cho là “đủ” để thuyết phục những nhà đầu tư khó tính nhất. Với tư cách là khách hàng tiềm năng trong một thị trường đầy rẫy những công ty khai thác mới thành lập, Tesla dễ dàng thương thảo các điều khoản có lợi, chẳng hạn như thỏa thuận cung ứng dài hạn với giá cố định.
Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất ô tô truyền thống đẩy mạnh sản xuất xe điện và lo lắng về độ khan hiếm đối với lithium và các vật liệu quan trọng khác như niken và than chì, khiến vị thế của Tesla thay đổi. Mọi thứ bị khuấy động kể từ khi Ford Motor và General Motors đạt được các thỏa thuận hào phóng với phía cung cấp tiềm năng, bao gồm cam kết trả trước hoặc các khoản vay giá rẻ.
Trái lại, Tesla từ chối hợp tác với nhiều nhà cung cấp trong việc phát triển các hoạt động mới. Musk cũng nhiều lần nói “không” với các đề xuất mua lại mỏ lithium để giới hạn nguồn cung. Lúc này, sự cạnh tranh gia tăng ngày càng tạo động lực cho các công ty khai thác và tinh chế, đồng thời cho thấy sự miễn cưỡng của Musk trong việc thay đổi chiến lược. Theo các chuyên gia, điều này có thể đe doạ mục tiêu tăng trưởng sản lượng, giảm chi phí và thành lập nhà máy tinh chế lithium cho riêng mình của Tesla tại Texas.
Theo Chris Berry, Chủ tịch của House Mountain Partners, chuyên gia tư vấn về pin kim loại, vị trí dẫn đầu thị trường lithium của Musk đang “bốc hơi” nhanh chóng khi các đối thủ “nhét tiền vào khẩu súng và cho nổ tung vào chuỗi cung ứng”.
Cụ thể, Ford hồi tháng 6 đã ký một thỏa thuận với Liontown Resources nhằm xây dựng một trữ mỏ tại Australia, trong đó có khoản vay 199 triệu USD từ nhà sản xuất ô tô với các điều khoản có lợi. Livent Corp, một nhà sản xuất lithium cho biết hồi tháng 8 rằng GM sẽ trả trước 198 triệu USD theo hợp đồng thỏa thuận 6 năm, bắt đầu từ năm 2025.
Trong khi đó, Tesla vào tháng 10 kết thúc nhiều tháng đàm phán với nhà phát triển mỏ Core Lithium với không hợp đồng cung cấp lithium nào được ký kết. Musk đã từ chối để Tesla mua lại các hoạt động sản xuất lithium ở Australia, Canada và Mỹ, theo Bloomberg. Trước đó, thương hiệu này đã đàm phán vào năm 2020 để mua lại Cypress Development - một nhà phát triển dự án của Mỹ nhưng không đạt được thỏa thuận.
Nhu cầu về lithium dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần vào cuối thập kỷ này.
Nhu cầu về lithium dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần vào cuối thập kỷ này. Theo Piper Sandler & Co., các mục tiêu về xe điện cho năm 2030 có thể sẽ không đạt được do hạn chế đối với nhiều loại nguyên liệu thô. Trong khi đó, các mỏ lithium mới có thể tiêu tốn tới 1 tỷ USD và mất hơn 6 năm để xây dựng - quá chậm so với nhu cầu toàn ngành. Bloomberg NEF dự đoán tình trạng thiếu lithium sẽ là một vấn đề lớn từ nay cho đến năm 2026, đặc biệt đối với các công ty tinh chế sản phẩm thành hóa chất được sử dụng trong pin EV.
Điều này đang đẩy giá lithium chạm mốc những kỷ lục mới. Theo Gareth Manderson, Giám đốc điều hành Core Lithium, các nhà đầu tư ngày càng tập trung chi tiết vào các thoả thuận về giá và họ nhìn thấy tiềm năng trong các giao dịch với Ford, GM, Mercedes-Benz hay Toyota Motor.
“Chúng khá nhẹ và luôn là tâm điểm của sự săn đón, nhất là khi pin lithium-ion bắt đầu thống trị các thiết bị điện tử tiêu dùng vào những năm 1990”, ông Chris Berry, chuyên gia ngành công nghiệp lithium cho biết.
Được biết GM đã bán được hơn 6 triệu xe trên toàn thế giới vào năm ngoái, đồng thời đang lên kế hoạch sản xuất 2 triệu xe điện vào năm 2025. Ford đặt mục tiêu tương tự vào cuối năm 2026, trong khi Volkswagen AG dành được 52 tỷ Euro cho các dự án liên quan đến EV.
Dẫu vậy, xét trên quy mô, Tesla vẫn giữ vị thế thống trị. Năm ngoái, thương hiệu này sử dụng khoảng 42.000 tấn lithium cacbonat, nhiều gấp 5 lần mức tiêu thụ của cả Ford và GM, theo tính toán dựa trên dữ liệu BNEF. Như vậy, tương lai Tesla trước mắt có vẻ an toàn. Trong một hồ sơ hồi tháng 5, công ty tiết lộ đã ký thỏa thuận với 4 công ty lớn: Albemarle, Livent (được niêm yết tại Mỹ), Ganfeng Lithium (Trung Quốc) và Tập đoàn công nghiệp Tứ Xuyên Yahua.
Được biết hai năm trước, Elon Musk đã hứa dùng quyền khai thác có được ở Nevada để bắt đầu sản xuất lithium bằng phương pháp mới bền vững hơn. Tuy nhiên, kế hoạch này gần như không tiến triển khi vị CEO bắt đầu nghi ngờ tính hiệu quả của việc trực tiếp tham gia vào ngành khai thác mỏ vốn đang phải vật lộn với những thách thức phức tạp về môi trường và chi phí vượt mức.
Đó là chưa kể, các dự án khai thác liên tục vấp phải chỉ trích của những người dân địa phương. Đa số đều cho rằng việc khai thác mỏ khoáng sản sẽ tác động trực tiếp đến nguồn nước ngầm nuôi gia súc, đồng thời ảnh hưởng đến di sản, đời sống và đất đai tổ tiên họ để lại.
Các siêu cường quốc khai thác mỏ, bao gồm Australia và Canada, đều cam kết hỗ trợ khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng, bao gồm cả lithium.
Các siêu cường quốc khai thác mỏ, bao gồm Australia và Canada, đều cam kết hỗ trợ khai thác các nguồn tài nguyên quan trọng, bao gồm cả lithium. Trung Quốc mới đây cũng thông báo phát hiện ra một mỏ spodumene trên cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng - nơi được cho là có thể chứa hơn 1 triệu tấn oxit lithium. Tuy nhiên, phía chính phủ cũng thừa nhận quá trình này mất rất nhiều thời gian, và hơn nữa, cũng không chắc dành được sự đồng thuận từ phía người dân địa phương.
“Có rất nhiều lithium trong lòng đất, nhưng vấn đề ở chỗ, sẽ không thể đầu tư kịp thời. Tesla xây dựng một nhà máy gigafactory trong khoảng 2 năm, các nhà máy cathode thì cần ít thời gian hơn, nhưng đối với các dự án lithium, chúng ta có thể mất tới 10 năm”, Joe Lowry, nhà sáng lập công ty cố vấn Global Lithium cho biết.
Sau tất cả, theo Joe Lowry, người sáng lập công ty tư vấn Global Lithium LLC kiêm cựu Giám đốc điều hành ngành công nghiệp lithium, Tesla có nguy cơ đối mặt với những hạn chế về nguồn cung khi cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt.
“Sức mạnh ngôi sao của Elon đã đạt đến giới hạn,” Lowry nói. “Tesla có thể sẽ sớm giống như những người khác”.