Bị nhốt sau tấm kính, một con gấu mèo mập ú chạy vài giây trên bánh xe tập thể dục trước khi rơi phịch xuống sàn.
Trong chuồng kế bên, một cặp cầy thảo nguyên bám trên khúc gỗ dưới ánh sáng chói lóa của ngọn đèn trên cao.
Ở phía bên kia vách ngăn, khách hàng khoan khoái nhâm nhi latte và chụp ảnh selfie với các loài động vật.
Đó là cảnh tượng có thể bắt gặp ở nhiều quán cà phê động vật tại Hàn Quốc.
Các quán cà phê động vật đã bùng nổ ở nước này trong thập kỷ qua - đầu tiên là với chó và mèo, sau đó tới các loài động vật hoang dã ngày càng táo bạo trong thời đại bùng nổ mạng xã hội, theo CNN.
Chỉ riêng trong quán cà phê này, ở khu đại học thời thượng Hongdae của Seoul, có hơn 40 loài - bao gồm nhím, rắn, cáo và chồn sương. Một tấm biển trên cửa quảng cáo đây là nơi hẹn hò độc đáo.
Nhưng các quán cà phê như vậy đang gây ra tranh cãi. Những người ủng hộ quyền lợi động vật từ lâu đã thúc đẩy các hạn chế chặt chẽ hơn hoặc thậm chí cấm hoàn toàn các hoạt động kinh doanh loại này.
Sự phản đối ngày càng tăng nhiệt đã khiến chính phủ Hàn Quốc phải siết chặt bằng một bộ luật mới có hiệu lực vào tháng 12, cấm các quán cà phê trưng bày động vật hoang dã sống trừ khi quán được đăng ký là vườn thú hoặc thủy cung.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù đây là một bước đi tích cực nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, vì phạm vi áp dụng của luật còn hẹp và sự phản đối của các chủ doanh nghiệp cho rằng sinh kế của họ đang bị đe dọa.
Ông Jang Ji Deok, tổng giám đốc Cục Quản lý Động vật tại Viện Sinh thái Quốc gia, cơ quan tư vấn cho chính phủ về vấn đề này, cho biết: “Vì mọi thứ đều liên quan đến tiền… Tôi nghĩ tác động của (luật) sẽ rất nhỏ”.
“Tuy nhiên, (sự ra đời của luật) vẫn phần nào cho thấy mọi thứ đang dần tốt hơn”, ông tin tưởng.
Sự trỗi dậy của quán cà phê động vật
Kể từ khi quán cà phê mèo đầu tiên trên thế giới mở tại Đài Loan vào năm 1998, cơn sốt này đã lan rộng ra thế giới. Nhiều quán cà phê theo phong cách này xuất hiện trên khắp Hàn Quốc vào đầu những năm 2010.
Tại một quán cà phê động vật điển hình, khách hàng có thể thưởng thức đồ uống hoặc thức ăn trong khi vuốt ve hoặc cho động vật ăn - một điều đặc biệt mới lạ ở các trung tâm đô thị, nơi con người rất ít cơ hội tiếp xúc với những động vật chưa được thuần hóa.
Tuy nhiên, động vật được đưa vào trong quán cà phê ở Hàn Quốc đã nhanh chóng mở rộng ra nhiều loài - chẳng hạn, một quán cà phê ở Hongdae thu hút du khách với những chú cừu lông xù.
Kang Aesol, cư dân Seoul, cho biết gần đây cô ghé thăm quán cà phê cừu sau khi nghe nói về nó suốt nhiều năm. Cô chia sẻ bản thân tới đó như một cách để “tìm sự an yên” sau những ngày dài chán nản ngồi trước máy tính tại nơi làm việc.
“Khi nhìn thấy con vật ngây thơ, cơn giận trong lòng bạn chẳng phải đã tan biến sao?”, cô trải lòng. “Con cừu có vẻ thoải mái, và tôi cũng vậy”.
Trước luật sửa đổi gần đây, vẫn còn rất ít quy định trong vấn đề này. Theo đạo luật bảo vệ động vật trước đây, việc sưu tập hoặc buôn bán các loài có nguy cơ tuyệt chủng là bất hợp pháp. Điều đó có nghĩa là các động vật hoang dã như gấu trúc, hay vật nuôi như cừu và các động vật khác sẽ rơi một cách hợp pháp vào các quán cà phê thú cưng - vốn được bảo vệ thêm bởi đăng ký kinh doanh chính thức của họ là nhà hàng hoặc nơi nghỉ ngơi.
Giữa lúc nhu cầu tăng cao, lợi nhuận lớn đang vẫy gọi các chủ quán cà phê.
“Những chủ quán quán cà phê, nhà hàng và các cửa hàng khác đang gặp khó khăn trong việc vận hành vì không bán được hàng!! Hãy thử chuyển sang quán cà phê thú cưng đang phổ biến hiện nay. Lợi nhuận sẽ rất khác biệt!!” - Aevan, một công ty tư vấn kinh doanh thú cưng có trụ sở tại Hàn Quốc, đăng trên trang web của mình.
Theo mô hình kinh doanh này, Aevan ước tính mở một quán cà phê dành cho chó sẽ tốn ít nhất 40.000 USD - và có thể mang lại lợi nhuận ròng hơn 15.000 USD mỗi tháng.
Mạng xã hội cũng góp phần lan truyền trào lưu này. Gõ tìm kiếm nhanh trên Google sẽ hiện ra vô số blog du lịch, video YouTube và bài đăng trên Instagram về các quán cà phê thú cưng ở Hàn Quốc. Một quán cà phê chó Samoyed ở Seoul có hơn 81.000 người theo dõi trên Instagram và quán thường đông kín khách.
Những người chỉ trích nói gì
Khi các quán cà phê động vật nở rộ, những lời chỉ trích bắt đầu dâng cao.
Các phương tiện truyền thông địa phương đã nêu thẳng vấn đề liên quan tới không gian sống chật hẹp của động vật trong quán; sự căng thẳng của chúng do du khách thường xuyên chạm vào; ảnh hưởng sức khỏe do chế độ ăn uống không lành mạnh vì quán thường cung cấp đồ ăn vặt cho khách cho động vật ăn.
Ngoài ra, còn những thiếu sót khác trong việc chăm sóc, chải chuốt không đủ.
Nhiều cơ sở kinh doanh đã đưa ra những quy định như cấm khách hàng bế một số động vật hoặc không cho phép trẻ em dưới một độ tuổi nhất định vào quán.
Kang cho biết quán cà phê cừu mà cô ghé thăm có quy định ngăn khách hàng làm những con cừu giật mình; còn có bồn rửa để khách hàng rửa tay trước và sau khi vuốt ve các con vật.
Cô kể rằng cô chỉ vuốt ve những con cừu “rất cẩn thận” một vài lần, và dành thời gian còn lại để quan sát từ xa.
“Khi nghe đến ‘quán cà phê động vật’, bạn có thể có định kiến về việc lạm dụng động vật, nhưng sau khi tìm hiểu về (quán cà phê) này, tôi nghĩ đó là một hệ thống thực sự tốt”, Kang nói “Con cừu trông rất khỏe mạnh và không hề tỏ ra lo lắng”.
Nhưng không phải tất cả các quán cà phê đều được như vậy - và rủi ro có thể cao hơn tùy thuộc vào loài động vật, các chuyên gia cho hay.
“Thông qua tiếp xúc cơ thể, không chỉ động vật bị ảnh hưởng mà còn có thể ảnh hưởng đến những người chạm vào chúng, chẳng hạn như khả năng lây lan các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Mặc dù vậy, du khách vẫn chạm vào chúng để có được trải nghiệm trọn vẹn”, ông Jang, từ Viện Sinh thái Quốc gia, cho biết.
“Việc cho động vật ăn cũng vậy”, ông nói và cho biết thêm nhiều vườn thú và quán cà phê đóng cửa vào thứ 2 “vì đó là lúc tất cả động vật bị bệnh do ăn phải thức ăn do du khách đút”.
Thay đổi luật
Bất chấp nhiều năm vận động hành lang, những nỗ lực trước đây nhằm đưa ra các quy định đều bị đình trệ - bao gồm cả đề xuất sửa đổi Đạo luật Bảo vệ Động vật nhưng bất thành.
Tuy nhiên, ông Jang cho rằng luật mới được ban hành vào tháng trước phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn của chính phủ đối với “các trường hợp động vật có nọc độc và nguy hiểm được trưng bày và mua bán trong nước” - cũng như sức ép ngày càng tăng từ công chúng.
Theo những sửa đổi mới trong Đạo luật bảo vệ động vật hoang dã, chỉ những cơ sở được đăng ký chính thức là vườn thú hoặc thủy cung được phép trưng bày "động vật hoang dã sống".
Các quán cà phê động vật hiện tại có bốn năm để đăng ký làm vườn thú hoặc thủy cung hoặc đóng cửa theo luật. Khoảng thời gian ân hạn nhằm giảm thiểu các trường hợp bỏ rơi động vật khi các quán ngừng hoạt động.
“Rất nhiều quán cà phê gấu trúc và động vật khác từng bị đóng cửa do dịch Covid-19”, ông Jang nói. “Thực tế là khi những quán cà phê này đóng cửa, rất nhiều loài động vật trong quán bị bỏ rơi và những nơi được cho là sẽ tiếp nhận chúng cũng đang đóng cửa”.
Vị chuyên gia này cho biết thêm rằng nơi trú ẩn do chính phủ điều hành dành cho các loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng bị bỏ rơi có nguy cơ bị quá tải, vì vậy Bộ Môi trường Hàn Quốc đang xây dựng thêm các cơ sở như vậy, trong đó có một cơ sở dành cho “động vật hoang dã kỳ lạ” không có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo lời ông Jang, việc cấp phép cho các vườn thú và thủy cung đặt ra các tiêu chuẩn nhất định về chuồng nuôi động vật, nhân sự, quản lý an toàn và dịch bệnh, đồng thời yêu cầu kiểm tra thường xuyên.
“Với quy định này, tôi tin rằng động vật sẽ có môi trường tốt hơn vì có nhiều biện pháp giáo dục hơn về phúc lợi động vật”, Jang nhấn mạnh.
Tuy nhiên, luật mới khiến một số chủ doanh nghiệp lo ngại.
Koo Jung Hwan, chủ một quán cà phê chồn (meerkat) ở Seoul, bày tỏ ông đang băn khoăn không biết nên khởi kiện, đóng cửa cơ sở kinh doanh hay nộp đơn xin cấp phép làm vườn thú trong nhà.
Trong thời gian gia hạn, ông dự định vẫn tiếp tục hoạt động kinh doanh nhưng lo rằng các quán cà phê khác có thể bỏ rơi động vật sau khi ngưng hoạt động.
"Luật này cấm các quán cà phê động vật, nhưng chưa đưa ra bất kỳ giải pháp thay thế hoặc phải làm gì với động vật. Chính phủ lẽ ra phải nghĩ đến điều đó. Nếu quán cà phê của tôi phải đóng cửa, tôi vẫn sẽ giữ lại những con chồn và chăm sóc nó như thành viên trong nhà", ông Koo Jung Hwan khẳng định.
Bước tiếp theo
Ở phía bên kia của cuộc tranh luận, một số nhà hoạt động bảo vệ động vật cho rằng luật này chưa đi đủ xa vì chỉ tập trung vào các quán cà phê trưng bày động vật hoang dã.
Điều đó có nghĩa nghĩa là những quán cà phê có động vật được phân loại là "thú cưng" hoặc "vật nuôi" sẽ được miễn các quy định, bất kể ở đó là chó và mèo hay chồn và cừu.
Ông Jang nhận định rằng những trường hợp ngoại lệ này "có thể bị lợi dụng", và luật phúc lợi động vật "không được thực thi mạnh mẽ" ở Hàn Quốc so với một số nước châu Âu.
Tuy nhiên, chính quyền khó có thể mở rộng luật để đưa cả quán cà phê thú cưng và vật nuôi vào diện quy định. Điều này có thể dẫn đến suy giảm ngành công nghiệp quán cà phê động vật và các trang trại nhỏ trên khắp đất nước.
“Vì chủ những doanh nghiệp này có quyền tồn tại nên tôi không nghĩ nhà nước có thể thực thi điều đó”, ông Jang đánh giá. “Nó giống như một con dao hai lưỡi. Một số người… tranh luận rằng chúng tôi không thể tước đi sinh kế của người dân, trong khi các nhà hoạt động bảo vệ quyền động vật muốn tất cả cơ sở này đóng cửa”.
Các đề xuất tiếp theo về vấn đề này vẫn đang được đưa ra. Viện Sinh thái Quốc gia thuộc chính phủ Hàn Quốc đã đề xuất các hướng dẫn như giới thiệu chương trình giáo dục tại các quán cà phê động vật, yêu cầu du khách đeo găng tay trước khi tiếp xúc với động vật và giới hạn chỉ tiếp xúc một hoặc hai phút với mỗi con vật.
“Thật vui khi thấy những điều tôi từng hy vọng đang dần trở thành hiện thực”, Jang chia sẻ. Ông nói thêm rằng bước tiếp theo là đảm bảo thêm nguồn tài trợ cho các vườn thú và thủy cung để cải thiện cơ sở vật chất.
“Tôi lạc quan rằng đất nước chúng ta có thể làm được điều đó”.