Với gần 100.000 cửa hàng cà phê trên khắp đất nước, chủ kinh doanh buộc phải để giá bán cho mỗi cốc của họ ở mức thấp, nếu không muốn khách hàng tìm đến những quán rẻ hơn.
Bên cạnh rượu soju, cà phê là thức uống phổ biến hàng đầu tại xứ kim chi. Điều này đồng nghĩa với việc người dân nước này có vô số lựa chọn về quán xá, thương hiệu khi muốn thưởng thức món này.
Thị trường phát triển, bên cạnh đó là các chuỗi cà phê từ lớn đến bé phải cạnh tranh gay gắt, theo Korea JoongAng Daily. Theo thống kê, Hàn Quốc có gần 100.000 quán cà phê - một con số đáng kể với đất nước có diện tích không lớn.
Ở quận Jung, trung tâm thủ đô Seoul, một tòa nhà văn phòng có thể có đến 4 cửa hàng nằm ở ngay tầng trệt.
“Nếu quán bên cạnh bán đồ rẻ hơn, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc giảm giá đồ uống của mình. Một ly Americano có giá 2.500 won (2 USD), đã giảm xuống còn 1.300 won sau khoảng 3 năm. Tôi còn bám trụ vì việc kinh doanh do mình quản lý, song lợi nhuận ngày càng ít đi”, chủ của một cửa hàng, nói.
Kỷ lục về số lượng
“Cuộc chiến cà phê”, với nhiều cửa hàng cạnh tranh nhau trong cùng một tòa nhà hay trên cùng một mặt bằng, không còn là điều lạ lẫm ở Hàn Quốc.
Trong các con hẻm, 3-4 quán cùng tọa lạc, từ chuỗi quán cà phê lớn như Starbucks và A Twosome Place và các thương hiệu địa phương giá trung bình như Mega Coffee, Paik's Coffee, Ediya cho đến các cửa hàng riêng lẻ do tư nhân mở ra.
Theo Tổng công ty Thương mại Nông thủy sản & Thực phẩm Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2022, có hơn 99.000 quán cà phê ở Hàn Quốc - mức kỷ lục mà đất nước này từng ghi nhận.
Trong năm 2021, số lượng quán đã tăng 21% và tỷ lệ là 17,4% vào năm ngoái. Tổng số cửa hàng còn cao hơn số lượng nhà hàng gà rán đang hoạt động với gần 81.000 cơ sở. Trong khi đó, gà rán là một trong những mô hình kinh doanh tư nhân phổ biến nhất ở Hàn Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng việc tiêu thụ cà phê phổ biến và sự gia tăng của các doanh nghiệp chi phí thấp là lý do đằng sau cơn sốt cà phê ở Hàn Quốc.
Nhiều người Hàn Quốc uống hơn một tách cà phê mỗi ngày và việc mở một quán cà phê ở nước này tương đối dễ dàng. Các cá nhân có thể mở cửa hàng của riêng mình với số vốn bỏ ra trong khoảng 50 triệu đến 70 triệu won, chưa bao gồm chi phí thuê mặt bằng.
Nói cách khác, gia nhập vào mảng kinh doanh thức uống này không có nhiều rào cản.
Đại diện công ty tư vấn khởi nghiệp chuyên về mở quán cà phê, Prong Coffee Design, cung cấp dịch vụ tư vấn cho trung bình 10 khách hàng tiềm năng mỗi tháng.
Choi Seon-wook, giám đốc của Prong Coffee Design, cho biết: “Thế hệ trẻ thường 'nhảy' vào dịch vụ này vì nghĩ rằng họ có đủ khả năng. Nhiều người trong số họ đã có kinh nghiệm làm việc bán thời gian quán cà phê. Không cần quá nhiều vốn cũng là lý do quan trọng".
63 quán đóng cửa ngay đầu năm mới
Nhưng khi ngày càng có nhiều người tham gia vào "miếng bánh" này, các cửa hàng cà phê buộc phải bước vào cuộc chiến cạnh tranh khác mang tên giảm giá để duy trì hoạt động.
Gần đây, một thương hiệu cà phê nhượng quyền chuyên cung cấp cà phê loại Americano với giá 900 won - rẻ hơn loại được bán phổ biến tại các cửa hàng tiện lợi - mới xuất hiện và khiến mức độ cạnh tranh càng gay gắt hơn.
Không thiếu cửa hàng đã buộc phải đóng cửa.
Tháng 4 năm ngoái, Jin Sang-heon (40 tuổi), người điều hành Cafe Ma ở Gimpo (tỉnh Gyeonggi), đã đóng cửa quán của mình sau 6 tháng hoạt động.
Việc kinh doanh của anh bắt đầu gặp khó khăn sau khi một cửa hàng nhượng quyền cà phê bình dân, giá rẻ được mở ngay đối diện, chỉ một tháng sau khi anh khai trương quán của mình.
Để cạnh tranh, Jin bắt đầu chương trình giảm giá cho khách mua vào buổi sáng. Song, động thái này vẫn không ăn thua. Cuối cùng, việc dừng lại là không thể tránh khỏi để tránh thua lỗ nặng thêm.
"Doanh thu một ngày không vượt quá 100.000 won. Tôi bị thâm hụt trung bình hơn 1,5 triệu won/tháng", anh nói. Dù chăm chỉ làm việc 12 tiếng/ngày, người đàn ông không thể hòa số chi phí khởi nghiệp 70 triệu won.
Hyeon Hyeok, Giám đốc điều hành của Broaden Coffee, nhà phân phối hạt cà phê cho khoảng 280 quán, cho biết: "Một cửa hàng mới mọc lên có thể khiến hai cửa hàng khác dẹp tiệm. Lời khuyên hữu ích nhất lúc này là không nên nhảy vào kinh doanh nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng".
Theo thống kê của Seoul Metropolitan, 2.187 cửa hàng cà phê ở Seoul đã đóng cửa vào năm 2022, với trung bình 6 cơ sở kết thúc hoạt động mỗi ngày và cũng là mức kỷ lục từ trước tới giờ. Năm 2021, con số là 1.970 cửa hàng.
Tính đến ngày 13/1, đã có 63 cơ sở dừng đón khách kể từ đầu năm mới.
Các nhà phân tích đánh rằng các quán cà phê nói chung có thể tồn tại nếu họ có thể chi trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng nếu số tiền bằng doanh số bán hàng trong 4 ngày.
Chẳng hạn, nếu tiền thuê nhà là 1 triệu won/tháng, doanh thu hàng ngày phải chạm mốc 300.000 won.
Trong khi đó, các loại đồ uống khác, ngoài cà phê Americano, đang trở nên ít sinh lời hơn do chi phí nguyên liệu pha chế ngày càng tăng lên.
“Gần đây, giá một hộp kem 1 lít tăng từ 6.000 won lên 9.000 won, trong khi một hộp sữa 1 lít tăng từ 1.800 won lên 2.000 won, khiến việc vận hành quán càng khó nhằn hơn", chủ một quán cà phê gần ga Seonjeongneung ở quận Gangnam, phía nam Seoul, bày tỏ.