Công nghệ

Mối lo thực sự về ChatGPT trong xuất bản

ChatGPT: Theo chuyên gia về khoa học máy tính Thomas Cox, khi phần mềm như ChatGPT mắc sai sót, nó sẽ không tự nhận biết mà sửa sai được.

Ảnh: Nagarro.

Giữa những ý kiến bình luận về tác động của lên ngành xuất bản, ý kiến của Thomas Cox, một chuyên gia về khoa học máy tính và là giám đốc điều hành của Arq Works, được xem là cái nhìn khách quan.

Trong bài viết đăng tải trên trang web của Arq Works, Cox đã bàn về tương lai của AI, ChatGPT là gì và có ảnh hưởng thế nào đến ngành xuất bản.

Theo Publishing Perspective, bài viết của Cox hữu ích vì đặt trong bối cảnh giới xuất bản quốc tế có xu hướng nhạy cảm với chữ "kỹ thuật số" (nhớ lại thời gian mọi người vò đầu bứt tai, e ngại sách điện tử sẽ xóa sổ sách giấy), Cox đưa ra cái nhìn phân tích lạnh, tránh những cảnh báo hấp tấp và cực đoan về ChatGPT.

Thuật toán thống kê nâng cao

Cox cho rằng điều thực sự đáng lo ngại là khả năng các hệ thống vận hành bằng máy tạo ra và lan truyền thông tin không chính xác, gây hiểu lầm. Các phần mềm kiểu này có thể "gây ảo giác", tạo ra một luồng thông tin mà nghe có vẻ hợp lý nhưng thực tế là hoàn toàn sai.

Cox viết: "Điều đó có nghĩa là, công nghệ sẽ lừa được bạn, truyền thông tin cho bạn như thể thông tin ấy là sự thật, vì chính nó cũng không biết thông tin ấy sai sự thật. Vì vậy, nếu người dùng yêu cầu AI cung cấp một loạt dữ liệu cụ thể về một điều gì đó, bạn không thực sự tin tưởng được nó".

Nhiều khi, AI sai vì nó được lập trình sai, do cách thức hoạt động của mô hình thống kê đằng sau - không phải là một công cụ xác đáng ở thời điểm này. AI không phải là một nền tảng tri thức, không phải cội nguồn cung cấp tri thức nhân loại. AI chỉ đại diện cho một câu trả lời, được trả về vì phù hợp với các thuật toán được lập trình.

Giải đáp một vài mối bận tâm trong lĩnh vực xuất bản, Cox nói: “Tôi nghĩ rằng giới tri thức sẽ dễ dàng nhận diện được những bài đăng do ChatGPT hoặc các phần mềm tương tự vì nếu chúng không được cập nhật đầy đủ, chúng sẽ viết toàn những điều sai lệch".

Dù vậy, Microsoft đã bắt đầu kết nối với OpenAI, lên kế hoạch tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing nhằm cạnh tranh thị phần với Google Search. Theo Publishing Perspective, đây là một sự hợp tác lành mạnh, sẵn sàng nhận phản hồi để cải thiện.

Bản chất thật của ChatGPT

Trong bài viết của mình, Cox đính kèm một đoạn văn do ChatGPT viết theo phong cách của William Shakespeare. Ông cho rằng kiểu văn nhại này có thể khiến một vài nhà xuất bản để ý. Giao cho nó bài viết theo chủ đề và tham chiếu đến Hamlet và phần mềm có thể tạo ra một bản văn tương đối thông minh.

Nhưng Cox cũng hiểu rằng đối với người làm việc với con chữ, họ có thể cảm nhận sâu sắc hơn về bản chất sai lầm của chính thuật ngữ trí tuệ nhân tạo. Họ cho rằng AI không thực sự là "trí tuệ" khi mà trong hệ thống của phần mềm này, không có thứ gì được coi là tri giác hay khả năng tự nhận thức.

Trên thực tế, sự học hỏi của máy tính cũng không vận hành như cách một đứa trẻ học mà chỉ là một thao tác lựa chọn nhanh chóng các câu trả lời được phát triển sẵn. AI lấy cắp các văn bản hiện có, tìm kiếm các kết quả khớp với một cụm từ mà không cần ý thức hoặc ngữ cảnh.

Phần mềm này có khả năng thực hiện một số lượng lớn phép đối chiếu trên kho nguồn văn bản, với tốc độ cực nhanh, sử dụng một trình lặp theo phản hồi của con người để tinh chỉnh và xếp hạng các câu trả lời đã được cung cấp. Đó là cách nó suy ra câu trả lời tốt nhất và cũng là cách nó "ghi" lại một lượng lớn các câu trả lời không chính xác.

Cox nói: “Nó sẽ không bao giờ là một cỗ máy biết suy nghĩ. Các bộ phận trong cấu trúc của nó được mô hình hóa dựa trên các tế bào thần kinh và cách chúng 'dường như' hoạt động. Nhưng đó mới chỉ ở mức độ khá trừu tượng theo nghĩa là chúng ta hiểu cách thức hoạt động của bộ não và cách các tế bào thần kinh đó tương tác với nhau - một sự hiểu biết vẫn còn tương đối thô sơ".

ChatGPT được thiết kế để tạo ra văn bản, nhưng không phải mọi văn bản người dùng muốn. Cox lưu ý rằng đây là điểm mấu chốt: bản chất chung chung của ChatGPT khiến người ta kinh ngạc vì nó có vẻ như một bộ óc khổng lồ, thực chất không phải.

Về ứng dụng trong ngành xuất bản, Cox cho rằng trong tương lai gần, giới xuất bản sẽ áp dụng công nghệ này vào bộ máy vận hành để giúp nghiên cứu, sản xuất các bài blog, nói chung là nội dung. Về lâu về dài, các công nghệ tương tự sẽ cách mạng hóa cách con người tiếp nhận thông tin, tự động hóa một số nhiệm vụ mà đến giờ vẫn được coi là đòi hỏi kỹ năng cao.

Tất nhiên, điều đó đồng nghĩa với sự gián đoạn trong lực lượng lao động, dần chuyển sang một số mức độ tự động hóa nhất định. Tại thời điểm này, vẫn chưa rõ trong các tình huống sẽ diễn ra thế nào.

Nhưng mối lo chính của Cox là về khả năng tùy chỉnh có chủ ý tác động đến người đọc các văn bản từ ChatGPT. Cox nói điều thực sự đáng sợ là nếu bạn đang sử dụng một ứng dụng "hiểu" bạn qua những ứng dụng truyền thông xã hội, thì bất kỳ thông tin nào về bạn có sẵn trên không gian mạng sẽ có thể bị người khác (bên quảng cáo chẳng hạn) khai thác và một ai đó có thể sử dụng phần mềm kiểu ChatGPT tùy chỉnh thông báo gửi đến bạn.

Trên thực tế, mã thông báo của lĩnh vực xuất bản cũng có thể bị phá quấy, tạo ra nội dung sai lệch, ảnh hưởng đến các đơn vị xuất bản.

Link bài gốcLấy link
https://zingnews.vn/moi-lo-thuc-su-ve-chatgpt-trong-xuat-ban-post1403198.html