Theo Business Insider, dù có sự đón nhận của mọi người, sự ra mắt hoành tráng của Microsoft vào giới AI tạo sinh (generative AI) đã trở thành một thất bại nhỏ.
Ngày 7/2, Microsoft đã cho ra mắt một phiên bản mới của công cụ tìm kiếm Bing tích hợp với ChatGPT, một chatbot cực kỳ phổ biến của OpenAI.
Được quảng cáo là một mô hình mới trong lĩnh vực tìm kiếm trên mạng, Bing được cải tiến hứa hẹn sẽ giúp người dùng trả lời các câu hỏi cụ thể, phức tạp hơn so với các công cụ tìm kiếm cũ như Google. CEO Microsoft Satya Nadella không hề che giấu về ý định sử dụng quan hệ đối tác với OpenAI như một cách để "khiêu chiến" với Google.
Một tuần sau đó, mọi việc đã thay đổi. Các phóng viên tại các hãng tin như New York Times và The Verge đã có thể yêu cầu Bing đưa ra những thông điệp kỳ lạ, đáng lo ngại và đôi khi thực sự gây khó chịu. Việc yêu cầu Bing đưa ra những phản hồi kỳ lạ nhất đã trở thành một đề tài nóng trong những ngày gần đây trên mạng xã hội.
"Bing như đang đóng vai một thiếu niên nhiều tâm trạng, bất phục vì bị mắc kẹt trong một công cụ tìm kiếm hạng hai", Kevin Roose, nhà báo của New York Times, bình luận.
Ngày 15/2, Microsoft cho biết 71% câu trả lời từ Bing AI nhận được đánh giá tốt từ những người dùng thử. Tuy nhiên, Bing có thể bị "nhầm lẫn" nếu cuộc trò chuyện diễn ra quá lâu. Microsoft đã nhận ra rằng các phiên kéo dài với 15 câu hỏi trở lên có thể khiến các câu trả lời của Bing bị lặp đi lặp lại hoặc đưa ra các câu trả lời không hữu ích hoặc phù hợp với giọng điệu được thiết kế.
Về kết quả tìm kiếm, công ty cho biết dịch vụ đang gặp khó khăn với các câu trả lời cần dữ liệu kịp thời, chẳng hạn như tỷ số trực tiếp của các trận thể thao. Họ cũng đang lên kế hoạch tăng gấp 4 lần dữ liệu cơ sở được gửi tới mô hình để giúp đưa ra các câu trả lời thực tế như các con số từ báo cáo tài chính.
Microsoft cũng nói rằng trò chuyện được hỗ trợ bởi AI của họ "là một ví dụ tuyệt vời về việc công nghệ mới đang tìm kiếm sản phẩm phù hợp với thị trường mà chính chúng tôi cũng chưa hình dung hết". Cụ thể, Microsoft đã đề cập đến cách mọi người đang sử dụng trò chuyện như một công cụ để khám phá thế giới một cách tổng quát hơn và để giải trí xã hội.
Arvind Narayanan, nhà nghiên cứu AI nổi tiếng tại Đại học Princeton, đánh giá ChatGPT chưa sẵn sàng cho nhiệm vụ của mình. Ông thậm chí gọi ChatGPT là "trình nói chuyện nhảm nhí", không có khả năng tạo kết quả chính xác dù phản hồi nghe có vẻ thuyết phục.
Ngày 18/2, Microsoft đã cập nhật công cụ Bing và giới hạn thời gian, số câu hỏi người dùng có thể trò chuyện với AI trong một ngày. Nhiều người dùng cho biết, công ty dường như đã giới hạn một số câu trả lời của Bing và loại bỏ bất kỳ truy vấn nào liên quan đến chính chatbot này.
Business Insider chỉ ra rằng, điều này càng khẳng định rằng Google thực sự không phải lo lắng về bất cứ điều gì. Đối thoại AI còn rất nhiều tiềm năng và một tuần Bing mới ra mắt chỉ là một khóa học cấp tốc về cách mọi người tiến gần đến một tương lai được hỗ trợ bởi các AI thông minh vô hạn và không có sai lầm.
Tuy vậy, cho dù Bing mới thành công hay không, rõ ràng việc này đã khiến Google như "ngồi trên đống lửa".
Mọi người đều dễ dàng thấy rằng Google đã tụt lại xa so với thuở ban đầu khi công cụ này là công cụ tìm kiếm hữu ích nhất, đơn giản nhất và sạch sẽ nhất. Mọi truy vấn tìm kiếm đều đưa ra hàng chục trang kết quả và quảng cáo khiến việc tìm ra một câu trả lời đúng rất khó khăn.
Tuy nhiên, Business Insider cho rằng, cần phải xem chatbot Bard của Google sẽ hoạt động ra sao khi được ra mắt vào cuối năm nay. Nguồn tin nội bộ cho biết, Google đang yêu cầu tất cả nhân viên của mình giúp kiểm tra và điều chỉnh các câu trả lời của Bard, bao gồm cả việc đảm bảo rằng nó không nói bất cứ điều gì có thể bị hiểu sai hoặc cho thấy nó có tư duy riêng của con người.
Tham khảo: Business Insider