Theo báo cáo tài chính được Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc (CR) công bố, hoạt động của loại hình giao thông này đã lỗ 80,4 tỷ Nhân dân tệ (273.828 tỷ đồng) trong nửa đầu năm 2022.
Điều đó tương đương với mức lỗ trung bình của hơn 400 triệu Nhân dân tệ (1.362 tỷ đồng) mỗi ngày.
Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên CR bị lỗ, nhưng khoản lỗ nói trên đã tăng 58% so với khoản lỗ 50,7 tỷ Nhân dân tệ trong cùng kỳ năm 2021.
Điều này không khỏi khiến người dân Trung Quốc thắc mắc. Với tư cách là cơ quan độc quyền kiểm soát thị trường 1,4 tỷ dân, tại sao điều này lại xảy đến với CR?
Cần lưu ý rằng CR không chỉ là một doanh nghiệp nhà nước mà họ còn là một phần của Bộ Đường sắt Trung Quốc.
Vào năm 2012, doanh nghiệp chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành đường sắt của Bộ này được thành lập với tên gọi Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc và nay là CR.
Vì vậy, ngoài việc kinh doanh như các doanh nghiệp thông thường, CR cũng phải gánh vác "trách nhiệm xã hội". Việc xây dựng nhanh và mở rộng các tuyến đường sắt cao tốc tới các vùng sâu vùng xa là những nhiệm vụ quan trọng trong cái gọi là "trách nhiệm xã hội" đó.
Những công trình quy mô này là những khoản chi quan trọng ảnh hưởng tới vốn.
Và mặc dù doanh thu của CR trong nửa đầu năm 2022 là 486,59 tỷ Nhân dân tệ (1.657.243 tỷ đồng) thì các khoản chi nói trên vẫn lớn hơn.
Nhìn chung, nguyên nhân thua lỗ của CR là do việc xây dựng đường sắt làm chi phí đầu vào tăng cao nhưng thu nhập từ hoạt động tăng không đáng kể.
Vẫn phải "theo lao"?
Đến đây độc giả có thể nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục thua lỗ như vậy, chẳng phải CR sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản?
Thực tế là nếu muốn có lãi thì CR cũng có nhiều cách. Tính đến năm 2021, đường sắt cao tốc bao phủ 81% lãnh thổ Trung Quốc, vận chuyển tổng cộng 2,53 tỷ lượt hành khách trong năm đó. Tức là trung bình một người Trung Quốc đi gần 2 lượt đường sắt cao tốc mỗi năm.
Tuy nhiên, doanh thu của CR năm 2021 là 1.138,3 tỷ Nhân dân tệ, tăng 0,14 lần so với năm 2014 là 994,8 tỷ Nhân dân tệ - cộng thêm yếu tố lạm phát, có thể nói gần như không có tăng trưởng.
Nếu CR muốn kiếm lợi nhuận, họ chỉ cần đơn giản tăng giá vé lên vài lần và thực hiện việc cấm mang thực phẩm bên ngoài lên tàu để dịch vụ ăn uống trên tàu phát triển.
Tuy nhiên với vai trò là doanh nghiệp nhà nước và cũng là sở hữu toàn dân nên CR không thể tùy tiện tăng giá. Và số tiền thu được từ bán vé hiện chỉ có thể đáp ứng chi phí vận hành chứ không sinh lợi.
Lợi nhuận chính của CR đến từ vận chuyển hàng hóa - có thể chiếm tới hơn 50%.
Vậy đầu tư vào vận tải hàng hóa chẳng phải sẽ có lợi hơn vận tải hành khách hay sao? Tại sao CR vẫn phải tiếp tục tăng đầu tư xây dựng vận tải hành khách?
Thực ra có 2 lý do cho việc này.
Đầu tiên là mặc dù đường sắt cao tốc đang không ngừng mở rộng ở Trung Quốc nhưng vẫn chưa hình thành một mạng lưới hoàn chỉnh nhất - việc xây dựng vẫn cần phải tiếp tục.
Và thứ hai là đường sắt cao tốc giúp chở khách nhanh hơn, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân mà còn giải phóng không gian và thời gian cho vận tải hàng hóa.
Năm 2021, CR đã đầu tư 748,9 tỷ Nhân dân tệ vào tài sản cố định bao gồm xây mới 4.208 km đường sắt mới (2.168 km đường sắt cao tốc).
Có thể nói thông tin trên mạng về 100 triệu Nhân dân tệ cho 1 km đường sắt cao tốc không hề cường điệu.
Với mục đích là kết nối đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế ở các vùng sâu vùng xa nên dù CR vẫn đang thua lỗ thì Trung Quốc vẫn sẽ phân bổ một nguồn lực tài chính nhất định cho họ.
Về lâu dài khi toàn bộ mạng lưới được hình thành, các tuyến đường sắt cao tốc sẽ là những tài sản hữu hình và Trung Quốc sẽ không cần đầu tư thêm vào nó.
Lợi nhuận của riêng CR và sự phát triển kinh tế của các khu vực lân cận đường sắt cao tốc sẽ được thúc đẩy và người dân Trung Quốc sẽ không cần phải lo tới việc doanh nghiệp này phá sản nữa.