Thứ rất quen thuộc với những người xa quê
Ngày nay, nếu nói về việc di chuyển nội địa thì người Trung Quốc có khá nhiều lựa chọn. Nếu là chặng đường ngắn, đó có thể là ô tô riêng, tàu hỏa và tàu cao tốc. Còn ở những chặng dài, họ có máy bay.
Nhưng trước khi đường sắt cao tốc (HSR) phát triển, ở Trung Quốc có một phương tiện đi lại rất phổ biến nhưng ngày nay đã biến mất. Và đó là xe khách giường nằm hay xe giường nằm.
Xe giường nằm từng có một thời "huy hoàng" ở Trung Quốc. Vào năm 1988, những chiếc xe giường nằm đầu tiên được đưa ra thị trường .
Tuy nhiên ở thời điểm đó lượng hành khách chưa lớn và lý do đến từ việc nhu cầu đi xa chưa nhiều - nên loại hình vận tải này mới chỉ là thử nghiệm.
Một số hành khách còn hạn chế đi xe giường nằm vì cho rằng vé xe loại này đắt hơn vé xe khách thông thường.
Theo thời gian và sự phát triển của Trung Quốc, số người phải đi xa ngày càng tăng và việc phải ngồi một chỗ trên xe khách từ 3 đến 400 km rất mệt mỏi.
Và việc lựa chọn xe giường nằm giúp họ đỡ mệt hơn.
Không giống như tàu hỏa chỉ dừng ở ga, hành khách cũng có thể yêu cầu tài xế xe giường nằm dừng xe ở gần điểm đến - và vì vậy, ngày càng nhiều người đi xe giường nằm.
Vào giữa những năm 1990, xe giường nằm đã trở thành phương tiện giao thông chủ đạo ở Trung Quốc và chúng thường được thấy gần nhiều bến xe khách hoặc ga đường sắt.
Nhiều người lao động nhập cư cũng thường chờ xe giường nằm ở các điểm nút giao thông hoặc bến xe khách.
Xe giường nằm đóng một vai trò quan trọng trước khi HSR được xây dựng ở Trung Quốc.
Mỗi năm nó vận chuyển gần 200 triệu hành khách, giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng trong vận tải hành khách trên đường cao tốc.
Đột ngột biến mất?
Tuy nhiên sau hơn 30 năm lưu hành, xe giường nằm đã đột ngột "rút lui khỏi sân khấu lịch sử" ở Trung Quốc vào năm 2018.
Dù đã nhiều năm trôi qua, nhiều người Trung Quốc vẫn nhớ tới cảnh đi xe giường nằm ngày trước và tự hỏi tại sao loại phương tiện này lại biến mất.
Cần lưu ý rằng tính đến cuối năm 2011, có hơn 30.000 xe giường nằm hoạt động với gần 1 triệu ghế và hơn 5.000 tuyến hành khách, cơ bản bao phủ tất cả các đô thị và khu dân cư ở Trung Quốc.
Và theo một cuộc khảo sát vào tháng 9/2011, 60% hành khách xe giường nằm Trung Quốc là nông dân, người lao động nhập cư... và các nhóm người có thu nhập thấp và trung bình khác.
Tuy nhiên vấn đề cũng bắt đầu trong cùng thời điểm, 3 vụ tai nạn giao thông lớn với hơn 10 người thiệt mạng đã xảy ra ở Thượng Hải, Thiên Tân và Hồ Nam từ tháng 9 đến tháng 10/2011.
Trước đó vào ngày 22/7/2011, một vụ cháy xe giường nằm đã xảy ra trên tuyến Bắc Kinh - Hongkong - Macao khiến 41 người thiệt mạng.
Tất cả khiến phương tiện này bị dư luận Trung Quốc chỉ trích.
Theo Công an Trung Quốc, mặc dù xe giường nằm chỉ chiếm 1% các vụ tai nạn, nhưng tỉ lệ tử vong chiếm tới 10% tổng số người chết vì tai nạn xe khách vào năm 2011.
Nguyên nhân đến từ chính thiết kế của xe giường nằm, xe nặng, trọng tâm cao, lối đi hẹp, cửa sổ thoát hiểm nhỏ và bên trong xe có nhiều vật liệu dễ cháy.
Ngoài ra việc chở quá số lượng hành khách, quá tải đặc biệt là trước và sau Tết Nguyên Đán để thu lợi cũng dẫn đến số người thiệt mạng tăng lên khi gặp tai nạn.
Tài xế mệt mỏi khi lái xe cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra tai nạn. Theo Công an Trung Quốc, 14/27 vụ tai nạn làm hơn 10 người thiệt mạng là do tài xế mệt mỏi.
Và vào năm 2012, Trung Quốc đã ban hành quy định cấm xe khách hoạt động trên đường cao tốc trong khoảng thời gian từ 2 giờ đến 5 giờ.
Trong tháng 3 năm đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Bộ Công an Trung Quốc đã ban hành một văn bản chung về việc đình chỉ việc sản xuất, kinh doanh xe giường nằm.
Các cơ quan công an và cơ quan quản lý vận tải sau đó cũng đã ngừng xử lý việc đăng ký mới xe giường nằm.
Điều đó có nghĩa - căn cứ vào thời gian hết niên hạn xe giường nằm thông thường là từ 5 đến 8 năm, loại phương tiện này đã biến mất sau năm 2017.
Có thể nói việc xe giường nằm biến mất ở Trung Quốc là hệ quả tất yếu ở một xã hội không ngừng phát triển, an toàn giao thông ngày càng được chú trọng chứ không hẳn là "lỗi" của HSR.