Hoạt động phát hành xuất bản phẩm thông qua sàn thương mại điện tử được đánh giá phù hợp với khuynh hướng phát triển của thế giới và sẽ góp phần thúc đẩy sự dịch chuyển sang nền kinh tế số trong bối cảnh Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 lan tỏa rộng khắp.
Thay đổi trong phát hành sách trên nền tảng số
Theo thống kê, có 48 nhà xuất bản, phát hành tham gia vào nền tảng TikTok Shop, trong đó có 3 nhà xuất bản và 45 nhà phát hành. Doanh thu của các đơn vị này chiếm 65% doanh thu ngành hàng và tăng trưởng hàng quý đạt 14%.
Trong đó, 3 đơn vị được đánh giá có mức độ phát hành sách nhiều nhất trên TikTok Shop bao gồm Moon.vn, Sbooks và Fahasa.com.
Báo cáo tổng quan ngành hàng sách trên TikTok Shop cho thấy doanh thu năm 2023 với mặt hàng sách vượt mốc 500 tỷ, tăng trưởng hàng quý ổn định ở mức 15%.
Theo đó, đầu sách chiếm doanh thu tốt nhất trên sàn phải kể đến sách giáo dục chiếm đến 35%. Đứng sau sách giáo dục, số lượng sách chiếm tỷ lệ doanh thu cao có thể kể đến như sách xã hội và nhân chủng học (28%), sách văn học (10%) và sách thiếu nhi (9%).
Không nằm ngoài xu hướng, thị trường sách đã và đang tích cực lấn sân sang các phiên livestream trên TikTok để đẩy mạnh các đơn hàng. Theo thống kê, phiên livestream có doanh thu cao nhất năm 2023 đạt gần 300 triệu đồng, với hơn 2.000 cuốn sách được bán ra chỉ trong vòng 3 tiếng.
Các chiến dịch riêng cho ngành hàng sách trên TikTok Shop vào ngày 21 hàng tháng tăng trưởng doanh thu 20% so với ngày thường, góp phần thúc đẩy doanh số ngành hàng sách và quảng bá văn hóa đọc trên nền tảng.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ nền tảng TikTok sẽ "mang đến nhiều hoạt động thiết thực nhằm góp phần chấn hưng văn hóa đọc tại Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho một thế hệ mới tràn đầy tình yêu sách".
TikTok cũng tích cực hợp tác với các đơn vị xuất bản ra mắt các chiến dịch liên quan đến sách với hastag #BookTok.
Hội Xuất bản Việt Nam với TikTok Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023-2025 tập trung vào 4 nội dung chính: Hỗ trợ quảng bá sách và văn hóa đọc tại Việt Nam, khuyến khích các nhà sáng tạo nội dung tiếp tục kết nối, lan tỏa và chia sẻ niềm đam mê sách trong cộng đồng.
Có thể thấy chiến dịch này đã thu hút được đông đảo người dùng thông qua các video. Cụ thể, đã có đến 30,7 triệu bài đăng được sử dụng kèm hastag #BookTok, cho thấy sự lan toả rộng lớn của chiến dịch đến với nhiều người.
Các hoạt động định kỳ mỗi tháng trên nền tảng TikTok giúp ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng; tổ chức chương trình đào tạo về khai thác hiệu quả TikTok Shop.
Còn đối với công ty TNHH MTV Thương Mại Ti Ki là đơn vị thực hiện việc kinh doanh bán lẻ sách qua sàn thương mại điện tử Tiki. Tiki được đánh giá là thị trường phát hành sách có đủ độ uy tín, đa dạng sản phẩm được nhiều khách hàng tin dùng.
Hiện tại Tiki hợp tác với hơn 50 nhà xuất bản và nhà phân phối sách như: Nhã Nam, AZ Việt Nam, Văn Lang, AlphaBooks, Nhà xuất bản Trẻ, Huy Hoàng, Fahasa, 1980Books, Nhà xuất bản Kim Đồng… với mong muốn mang sách thật, sách tốt đến cho độc giả cũng như khơi gợi lòng yêu sách.
Tuy nhiên, số lượng đầu sách được bán trên sàn Tiki đang có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2023, tổng số đầu sách bán ra là 1,9 triệu cuốn, chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 2022 (3,7 triệu cuốn). Số lượng sách nhập vào năm 2023 là 1,5 triệu cuốn, trong khi đó năm 2022 lên đến 3,5 triệu cuốn.
Lý giải sự đi xuống này, đại diện Tiki cho biết trong bối cảnh nở rộ kinh doanh online hiện nay qua các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội... công ty không tránh khỏi thách thức trong cạnh tranh về giá với các xuất bản phẩm không đảm bảo chất lượng trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm trên môi trường thương mại điện tử hiện nay cũng có một số thử thách liên quan đến chi phí vận hành và người tiêu dùng có khuynh hướng, kỳ vọng mua sắm sách được giảm giá, được tặng coupon hoặc giảm chi phí vận chuyển khi mua sắm trên sàn thương mại điện tử…
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, tính đến ngày 31/12/2023, đã có 24 NXB được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử (tăng 26,3%), góp phần đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử/tổng số xuất bản phẩm đạt 15,3% và vượt chỉ tiêu đề ra 12%.
Tuy nhiên, đầu tư về cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng xu hướng xuất bản điện tử trong các NXB nhìn chung còn hạn chế. Mảng sách điện tử mới chỉ phát triển mạnh ở thị trường sách nói và một số NXB khối đại học xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử chưa thực sự có bước tiến mạnh về doanh thu.
Sách giả, sách lậu len lỏi trên “chợ mạng”
Vấn nạn sách lậu, sách giả không còn xa lạ nhưng việc bán tràn lan sách giả khiến cho nhà quản lý và các đơn vị xuất bản phải đau đầu. Cụ thể, sách giả, sách lậu đang được rao bán công khai với mức chiết khấu hấp dẫn trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee... hay thậm chí là tại các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Nhiều người vì sự tiện lợi, giá rẻ đã đặt mua để rồi nhận về những cuốn sách kém chất lượng, vi phạm bản quyền.
Trên nền tảng TikTok, vào các buổi tối, nhiều tài khoản thực hiện livestream (phát trực tiếp) bán sách, với lời quảng cáo “giờ vàng giá sốc, giảm đến 50% cho sách hot trong ngày”.
Trước đó, vấn nạn sách giả đã hoành hành trên mạng xã hội Facebook. Các fanpage, nhóm mạo danh nhà xuất bản để bán sách giả khiến đơn vị làm sách chân chính bức xúc. Đơn vị làm sách chân chính từng liệt kê danh sách hàng chục trang, hội nhóm trên mạng xã hội bán sách giả, như: “Sách hay mỗi ngày”; “Hội săn sách giảm giá”...
Điểm chung của các trang này là rao bán nhiều cuốn sách hay với giá giảm từ 50 đến 80%. Ngoài việc “giảm giá sâu”, người bán còn tạo các combo hấp dẫn như: mua 5 cuốn tặng 1; mua 10 cuốn tặng 1 + đèn mini + bookmark.