Kiếm tiền

Muốn làm ít hưởng nhiều, Gen Z viết lại 'luật chơi' ở chốn văn phòng

Nhiều Gen Z tin rằng họ không cần phải làm việc 40 giờ/tuần để thành công. Khi thế hệ này bắt đầu đi làm, họ mong muốn thay đổi những luật lệ cũ kỹ trước đây.

Gen Z mạnh dạn đề xuất thứ mình muốn hơn các thệ hệ đi trước.

Sam Ghelli (23 tuổi) sẵn sàng nghỉ việc dù quản lý hứa sẽ tăng lương và cung cấp thêm nhiều quyền lợi khác.

Nhưng cô đã quyết tâm “dứt áo ra đi” vì văn hóa công ty không còn phù hợp với mình. Ghelli được sếp cũ thuộc Gen X, thế hệ sinh năm 1965-1980, giúp tìm chỗ làm mới và trở thành người tham chiếu cho cô với cấp trên hiện tại.

Ghelli, tốt nghiệp đại học vào năm 2022, là một trong những Gen Z đang cố gắng định hình lại luật lệ công sở.

Thế hệ này bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, buộc họ phải cân nhắc kỹ lưỡng khi nhận được công việc đầu tiên, theo Insider.

Thế hệ lao động trẻ đang định hình lại môi trường công sở. Ảnh minh họa: New York Times.

Cơ hội cho Gen Z

Bối cảnh thiếu lao động và xu hướng “đại từ chức” diễn ra khắp nơi đã giúp người lao động nâng cao vị thế của mình. Họ mong muốn được trả lương cao hơn, có giờ làm linh hoạt và các chính sách ưu tiên con người.

Đối với những sinh viên vừa ra trường, đây là bức tranh kinh tế duy nhất họ biết đến.

Khi một lượng lớn Gen Z tham gia thị trường lao động vào năm 2024, nhóm này hy vọng công ty sẽ giảm bớt số ngày làm việc trong tuần, tăng mức lương thưởng hiện tại.

"Chỉ vì nó luôn như vậy không có nghĩa là cần phải tiếp tục duy trì. Giới trẻ có tiếng nói riêng của họ. Chúng ta cần thoát khỏi những thói quen và kỳ vọng to lớn đã đặt ra cách đây 100 năm. Nếu muốn sống lâu và hạnh phúc, mọi người nên bắt đầu từ nơi xuất phát, cụ thể là công việc", Ghelli chia sẻ.

Tháng 7/2023, Business Insider và YouGov đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 1.800 người thuộc 5 thế hệ, bao gồm hơn 600 Gen Z trên 18 tuổi.

Trong đó, 38% số người sinh năm 1997-2012 ủng hộ ý tưởng có thể sống một cuộc đời trung lưu, thoải mái khi làm việc ít hơn 40 giờ/tuần.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, những nhân viên fulltime từ 20 đến 24 tuổi đang làm trung bình 40,4 giờ/tuần, ít hơn 0,6 giờ so với năm 2002.

Taylor (24 tuổi, sống ở Washington, Mỹ) cho biết công ty cũ của cô hoàn toàn không linh hoạt về giờ giấc.

Vì tan ca đúng giờ, cô bị coi là về sớm mặc dù đã hoàn thành công việc. Ngay cả khi Taylor rời đi để tìm kiếm cơ hội mới trong lĩnh vực công nghệ, cô vẫn nhận thấy quy định của công ty quá phức tạp.

Gen Z muốn có giờ làm việc linh hoạt và không thích ngồi ở văn phòng. Ảnh minh họa: Pexels.

“Tôi thực sự không thích các doanh nghiệp truyền thống, nơi nhân viên không thể ra ngoài làm việc vặt của mình hoặc phải dành ngày chủ nhật để chuẩn bị cho tuần tiếp theo”, Taylor nói.

Cô gái tin rằng mình không cần phải làm nhiều hơn 40 giờ một tuần để thành công.

Trước khi bắt đầu vai trò hiện tại, Taylor đã thảo luận với sếp tương lai về lý do cô không muốn xử lý công việc vào buổi chiều thứ 6.

Khi Gen Z gia nhập lực lượng lao động, Baby Boomer và các thế hệ khác bắt đầu nghỉ hưu, Taylor dự đoán nhóm nhân sự trẻ sẽ thúc đẩy tuần làm việc 4 ngày mạnh mẽ hơn nữa.

“Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua các ranh giới và đặt ra nghi vấn về hiệu quả cuộc họp hay có cần thiết phải đến văn phòng 5 ngày/tuần không”, Taylor chia sẻ.

Muốn tăng lương nhưng đi làm ít hơn

DeAndre Brown, một nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên TikTok tên là "Corporate Baddie", đã thực hiện những video hài hước về thế hệ của mình trong các công ty ở Mỹ.

Những video của Brown thu hút hơn 700.000 người theo dõi và 40 triệu lượt thích. Nó viral đến mức chàng trai đã nghỉ việc để chuyển hướng sang làm tư vấn cho các tập đoàn về cách hợp tác với Gen Z.

“Khi nói chuyện với doanh nghiệp, họ chỉ muốn biết chúng tôi muốn gì”, anh nói.

Brown tỏ ra khó chịu khi nhiều người nghĩ rằng Gen Z không muốn làm việc. Thực tế, đây là một trong những thế hệ chăm chỉ nhất, nhưng họ đang có các ưu tiên khác.

Gen Z không ngại từ bỏ công việc không còn phù hợp với họ. Theo dữ liệu từ Gusto, tỷ lệ nghỉ việc tự nguyện của người lao động từ 22 đến 26 tuổi đã liên tục vượt xa nhóm lớn tuổi hơn một chút trong 3 năm qua.

Nhiều nhân sự trẻ muốn được tăng lương và đảm bảo quyền lợi khi đi làm. Ảnh minh họa: Pexels.

Bắt đầu từ năm 2022, mức tăng lương hàng năm của nhóm nhân viên trẻ cũng ghi nhận xu hướng tương tự.

Những thay đổi mà Gen Z đang thúc đẩy tại nơi làm việc sẽ có tác động lan tỏa đến đồng nghiệp thuộc mọi thế hệ.

Theo Business Insider, nhiều thế hệ khác cho biết họ vừa ngưỡng mộ vừa ghen tị khi nhìn thấy “đàn em” tỏa sáng trên sân khấu với khả năng ưu tiên cuộc sống hơn công việc.

Andrew Pickett, người sáng lập tại Andrew Pickett Law (Florida, Mỹ), cũng nhận thấy nhóm lao động Gen Z coi trọng sự linh hoạt trong lịch trình, cũng như các cơ hội phát triển bản thân.

Công ty của Pickett đã bổ sung nhiều hình thức làm việc từ xa và tạo ra văn hóa đề cao tiếng nói của nhân viên trẻ.

"Thành thật mà nói, tôi nghĩ thế hệ Z đang mang lại góc nhìn mới mẻ cho nơi làm việc của chúng ta. Họ là những người sáng tạo, hiểu biết về kỹ thuật số, không ngừng thách thức thực tại và thúc đẩy thử nghiệm ý tưởng mới”, Pickett kết luận.

Ảnh minh họa: Pexels

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/muon-lam-it-huong-nhieu-gen-z-viet-lai-luat-choi-o-chon-van-phong-post1450189.html