Kiếm tiền

'Nạn nhân' tiếp theo của làn sóng sa thải

Những người làm việc từ xa có nguy cơ cao bị liệt vào danh sách sa thải năm 2024. Đợt cắt giảm nhân sự sắp tới của công ty Wayfair (Mỹ) là minh chứng cho điều này.

Những người làm việc từ xa trở thành đối tượng bị nhắm đến của làn sóng sa thải mới. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Cơ hội cho những người làm việc hoàn toàn từ xa đang ngày càng giảm, ít nhất là ở một số lĩnh vực, Inc. Magazine đưa tin.

Theo dữ liệu từ Live Data Technologies, trong năm 2023, những người làm việc hoàn toàn từ xa (remote) có khả năng bị sa thải cao hơn 35% so với những người làm việc theo mô hình kết hợp (hybrid) hoặc làm việc trực tiếp tại văn phòng toàn thời gian.

Xu hướng này vừa được phản ánh qua đợt cắt giảm nhân sự gần đây tại nhà bán lẻ nội thất trực tuyến Mỹ Wayfair.

Những "nạn nhân" tiếp theo

Ngày 26/1, Wayfair tiến hành cắt giảm 13% nhân sự, tương đương 1.650 người. Doanh nghiệp không công bố chính xác bao nhiêu nhân sự làm việc từ xa nằm trong danh sách layoff này.

Tuy nhiên, trước đó vài ngày, ban lãnh đạo chỉ ra rằng nhóm nhân viên này "có nhiều khả năng bị sa thải trong đợt cắt giảm mới".

Theo CEO Niraj Shah, công ty đã xem xét và quyết định xem vị trí nào nên được làm từ xa và công việc nào đòi hỏi có mặt tại văn phòng dựa trên các yếu tố, gồm tính chất và hiệu suất công việc, nhu cầu tương tác. Nhìn chung, ban lãnh đạo cho rằng hầu hết nhân viên nên có mặt tại văn phòng mỗi ngày.

"Thay vì phân tán nguồn lực quá rộng, giai đoạn này, tôi muốn công ty tập trung vào những nhóm nhỏ có tính cam kết cao, khả năng làm việc hiệu quả và đạt được mục tiêu cụ thể. Đôi khi, tình trạng có quá nhiều nhân sự tài giỏi còn tệ hơn cả việc thiếu nhân sự", ông viết.

Wayfair tiến hành đợt cắt giảm nhân sự trong năm nay, trong đó nhắm vào nhân viên remote. Ảnh minh họa: AP Photo/Jenny Kane.

Nhân viên đã đặt ra loạt câu hỏi về đợt cắt giảm và tương lai tài chính của công ty, theo một nguồn tin chia sẻ với Wall Street Journal.

Cụ thể, họ yêu cầu giải thích về thời điểm và tông giọng của bản ghi nhớ mà CEO Niraj Shah gửi cho họ hồi tháng 12, chỉ vài tuần trước khi thông báo sa thải.

Trong bức thư, ông yêu cầu nhân sự làm việc chăm chỉ hơn, nói rằng mọi người cần tiếp tục nỗ lực nếu mong đợi kết quả tích cực cho cả công ty và bản thân. Trong khi đó, các nhà quản lý nói với cấp dưới rằng mục đích cuộc layoff nhằm thúc đẩy tốc độ đưa ra quyết định trong nhóm.

Một số khác đặt câu hỏi về tình hình tài chính dài hạn của công ty. Steve Conine, đồng sáng lập công ty và đồng chủ tịch hội đồng quản trị, phủ nhận nguy cơ bán doanh nghiệp.

“Nếu việc phá sản là không thể tránh khỏi, tất cả phải xấu hổ vì đã chưa làm việc chăm chỉ hơn,” ông từng nói đùa tại trụ sở chính của công ty ở Boston (bang Massachusetts, Mỹ).

Người phát ngôn công ty cho biết ông Conine đang cố gắng nhấn mạnh rằng tương lai Wayfair nằm trong tầm kiểm soát.

Đợt cắt giảm nhân sự gần đây là lần sa thải quan trọng thứ 4 của công ty này kể từ năm 2020. Nhu cầu tuyển dụng đã tăng mạnh vào giai đoạn đầu của đại dịch, làm tăng trưởng số nhân sự đáng kể, nhưng doanh số bán hàng và lợi nhuận đã trì trệ kể từ đó.

“Chúng tôi đã tuyển dụng nhiều trong thời kỳ kinh tế phát triển mạnh mẽ và đi chệch khỏi các nguyên tắc cốt lõi của mình. Chúng tôi bắt đầu quay lại với những nguyên tắc cũ, song như vậy vẫn chưa đủ”, Shah viết trong email gửi đến nhân viên tuần trước.

Không chỉ Wayfair, Nicolas Hieronimus, Giám đốc điều hành của gã khổng lồ mỹ phẩm L'Oreal, gần đây cũng tố cáo tình trạng làm việc từ xa, cho rằng nhân viên làm việc tại nhà "hoàn toàn không có sự gắn bó, không đam mê, không sáng tạo".

Trước đó, nhiều lãnh đạo cũng bày tỏ sự không hài lòng với mô hình làm việc này, bao gồm CEO Meta Mark Zuckerberg, CEO Golden Sachmans David Solomon, CEO Tesla Elon Musk...

Nhiều trở ngại khác

Bị sa thải không phải là thách thức duy nhất đối với những người theo đuổi "chủ nghĩa" làm việc từ xa.

Theo một phân tích khác gần đây cũng từ Live Data Technologies, những người làm việc từ xa thường ít được thăng tiến hơn 31% so với những người làm việc theo mô hình kết hợp hoặc hoàn toàn tại văn phòng.

Nhân viên làm việc từ xa hiện phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh minh họa: Antoni Shkraba Production/Pexels.

Nhóm nhân viên này cũng ít được phản hồi và chú ý hơn, theo một bài nghiên cứu từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.

Hiện mô hình làm việc remote đang chuyển dần sang hình thức hybrid - kết hợp giữa làm việc tại văn phòng và tại nhà, giúp nhân viên có thể linh hoạt lựa chọn nơi làm việc của họ. Điều này đồng nghĩa cơ hội cho công việc làm tại nhà đang giảm đi đáng kể.

Theo Terri R. Kurtzberg, giáo sư quản trị và kinh doanh toàn cầu tại Học viện Kinh doanh Rutgers (Mỹ), đối tượng phản đối mô hình làm việc từ xa chủ yếu là các cấp lãnh đạo, những người đang cố gắng tìm ra cách để quản lý nhóm nhân sự không làm việc ngay trước mặt mình.

“Sự kết nối không xảy ra trừ khi bạn biến nó thành hiện thực. Các quản lý đang phải nỗ lực để đảm bảo rằng nhân sự vẫn đang hiện diện trước mắt họ. Làm thế nào để các quản lý thiết kế lại hệ thống đánh giá, đảm bảo rằng một nhân viên vẫn đang làm việc chăm chỉ dù không đến văn phòng? Đó là một bài toán khó", Kurtzberg nói.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/nan-nhan-tiep-theo-cua-lan-song-sa-thai-post1457501.html