Wiki

Nghịch lý đá lạnh trong nắng nóng quá mức chịu đựng

Nhiệt độ đạt ngưỡng đỉnh điểm đã đẩy giá đá viên ở Mali lên cao hơn so với sữa và bánh mì, theo BBC.

Bước vào một cửa hàng ở thủ đô Bamako, Fatouma Yattara (15 tuổi) nói với người bán: "Em đến mua đá vì trời quá nóng".

Không riêng Yattara, nhiều người dân Mali cũng đổ xô đi mua đá những ngày qua để chống chọi với đợt nắng nóng khắc nghiệt càn quét khắp vùng Sahel của châu Phi từ đầu tháng 4.

Gấp đôi giá bánh mì baguette

Tủ lạnh không hoạt động do mất điện kéo dài buộc Yattara dùng đá viên để bảo quản thực phẩm và giữ mát dưới tiết trời 48 độ C.

Việc làm này có tác dụng ở một mức nào đó, song đáng nói là đá tăng giá đã khiến cuộc sống khó khăn hơn. "Ở một số nơi, mọi người phải bỏ ra 100 franc CFA (khoảng 0,2 USD) hoặc thậm chí 300, 500 CFA cho một túi đá nhỏ. Mức giá đó quá đắt!", Yattara thốt lên.

Như vậy, mặt hàng này còn đắt hơn bánh mì - một chiếc baguette tiêu chuẩn thường có giá khoảng 250 franc CFA.

Thời tiết chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến người dân Mali đổ xô đi mua đá dù giá bán tăng cao. Ảnh: BBC.

Tuy nhiên, đá viên chỉ là giải pháp tình thế. Người nấu ăn hàng ngày như Nana Konaté Traoré cho biết nhà mình thường mất điện cả ngày khiến thức ăn hư hỏng và phải vứt bỏ vào hôm sau.

Vấn đề bắt đầu xảy ra gần một năm trước. Công ty điện lực nhà nước Mali không thể đáp ứng nhu cầu về điện ngày càng tăng sau khi nợ chồng chất hàng trăm triệu USD. Nhiều người dân Mali không có máy phát điện dự phòng vì nhiên liệu cho chúng quá tốn kém.

Không có điện đồng nghĩa rằng không có quạt vào ban đêm. Do đó, nhiều người phải ngủ ngoài trời bất chấp nguy hiểm đến sức khỏe. "Nhiệt độ ban đêm có thể lên đến 46 độ C. Tôi không thể chịu nổi vì bị chóng mặt và phải tạt nước vào người để chống chọi", Soumaïla Maïga, một thanh niên ở quận Yirimadio (ngoại ô Bamako), bày tỏ.

Bệnh viện quá tải, trường học đóng cửa

Kể từ tháng 3, nhiệt độ đã tăng vọt lên trên 48 độ C ở nhiều vùng của Mali, khiến hơn 100 người thiệt mạng. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong điều kiện thời tiết cực đoan là người già và trẻ nhỏ.

"Chúng tôi tiếp nhận khoảng 15 ca nhập viện mỗi ngày. Nhiều bệnh nhân mất nước với các triệu chứng chính là ho và tắc nghẽn phế quản. Một số người còn bị suy hô hấp. Do đó, chúng tôi cần tăng cường lên kế hoạch cho những tình huống xấu có thể tái diễn", giáo sư Yacouba Toloba tại bệnh viện đại học ở Bamako cho biết.

Sóng nhiệt tấn công nhiều khu vực. Ảnh: The New York Times.

Nắng nóng khiến các trường học ở một số khu vực đóng cửa. Người dân cũng được khuyến cáo không nên nhịn ăn trong tháng Ramadan (tháng người Hồi giáo trên toàn thế giới thực hiện một số nghi thức tôn giáo đặc biệt, bao gồm nhịn ăn - PV).

Với nhiệt độ Bamako dự kiến duy trì ở ngưỡng trên 40 độ C trong vài tuần tới, mọi người đang cố gắng thích nghi, chẳng hạn trải thảm ngoài sân thay vì ở trong bốn bức tường nhà.

Đợt nắng nóng chết người chủ yếu do biến đổi khí hậu gây ra cũng ảnh hưởng đến các nước láng giềng như Senegal, Guinea, Burkina Faso, Nigeria, Niger và Chad.

Theo báo cáo của World Weather Attribution (WWA), nhiệt độ ở Mali, Sahel, Burkina Faso... đã có thể giảm từ 1,4-1,5 độ C so với mức nhiệt cao dị thường được ghi nhận trong 5 ngày qua nếu con người không đốt cháy nhiên liệu hóa thạch.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nghich-ly-da-lanh-trong-nang-nong-qua-muc-chiu-dung-post1472927.html