Có thể bạn quan tâm

Vì sao nắng nóng và lũ lụt ngày càng tàn khốc?

Nắng nóng ở châu Á: Biến đổi khí hậu có thể liên quan đến những trận mưa tồi tệ, đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài đang cùng lúc xảy ra trên toàn thế giới.

Biến đổi khí hậu có thể liên quan đến những trận mưa tồi tệ, đợt nắng nóng, hạn hán kéo dài đang cùng lúc xảy ra trên toàn thế giới.

Một nghiên cứu mới cho thấy biến đổi khí hậu là lời giải thích hợp lý nhất cho việc tại sao Dubai đang phải hứng chịu những đợt mưa ngày càng nặng hạt, theo BBC.

Dưới đây là 4 cách mà biến đổi khí hậu có liên quan đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Sóng nhiệt nóng và dài hơn

Ngay cả một sự gia tăng nhỏ của nhiệt độ trung bình cũng tạo ra sự khác biệt lớn đối với nhiệt độ cực đoan.

Sự phân bố nhiệt độ hàng ngày chuyển sang mức ấm hơn, khiến những ngày nóng có thể xảy ra thường xuyên và dữ dội hơn trước.

Vào đầu tháng 4, nhiệt độ ở Mali lên tới 48,5 độ C trong một đợt nắng nóng khắc nghiệt khắp vùng Sahel của châu Phi, khiến số ca nhập viện và tử vong do say nắng gia tăng.

Sóng nhiệt tấn công nhiều khu vực. Ảnh: The New York Times.

World Weather Attribution (WWA) nhận thấy mức nhiệt này sẽ không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra và sẽ trở nên phổ biến hơn khi thế giới tiếp tục nóng lên.

Tại Vương quốc Anh, nhiệt độ lần đầu tiên đạt kỷ lục 40 độ C vào tháng 7/2022. WWA cho biết điều này sẽ cực kỳ khó xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu.

Các đợt nắng nóng cũng đang kéo dài hơn ở nhiều nơi. Điều này có thể xảy ra do vòm nhiệt - khu vực có áp suất cao, nơi không khí nóng bị đẩy xuống và bị giữ lại, khiến nhiệt độ tăng cao trên diện rộng.

Hạn hán kéo dài

Mối liên kết giữa biến đổi khí hậu với hạn hán riêng lẻ có thể khó nhận thấy hơn. Nguồn nước sẵn có không chỉ phụ thuộc vào nhiệt độ và lượng mưa mà hệ thống thời tiết tự nhiên cũng đóng một vai trò quan trọng. Đây là trường hợp hạn hán ở miền Nam châu Phi vào đầu năm nay.

Nhưng các đợt nắng nóng do biến đổi khí hậu gây ra có thể làm tình trạng hạn hán trở nên trầm trọng hơn do đất bị khô. Trong giai đoạn nắng nóng, nhu cầu về nước tăng lên, đặc biệt là từ nông dân, càng gây thêm căng thẳng cho việc cung cấp nước.

Nhiều vùng ở Đông Phi phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Điều này đã khiến 1,2 triệu người phải di dời chỉ riêng ở Somalia.

Rừng nhiệt đới Amazon cũng phải chịu đựng đợt hạn hán khủng khiếp nhất trong ít nhất nửa thế kỷ vào nửa cuối năm 2023.

Theo WWA, biến đổi khí hậu khiến những đợt hạn hán như thế này có khả năng xảy ra cao hơn ít nhất 100 lần.

Mưa nhiều hơn

Nếu nhiệt độ trung bình tăng 1 độ C thì độ ẩm không khí tăng thêm 7%. Điều này có thể tạo ra lượng mưa lớn, đôi khi trong khoảng thời gian ngắn và trên diện tích nhỏ hơn.

Các nhà khoa học đánh giá liệu những hiện tượng thời tiết cực đoan riêng lẻ có thể là do biến đổi khí hậu hay không bằng cách tính đến các nguyên nhân tự nhiên và con người.

Trong trường hợp lượng mưa dữ dội xảy ra ở UAE và Oman vào giữa tháng 4, rất khó để kết luận chính xác mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đó là vì mưa lớn ở khu vực này rất hiếm nên các nhà khoa học có ít dữ liệu để so sánh về mặt lịch sử.

Mưa lũ kỷ lục ở UAE. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng những sự kiện kiểu này đã trở nên nặng nề hơn từ 10-40% và biến đổi khí hậu là lời giải thích hợp lý nhất, theo nhóm WWA.

Trong cùng tháng đó, lũ lụt nghiêm trọng đã tấn công nhiều vùng ở Đông Phi.

Còn quá sớm để nói chính xác vai trò của biến đổi khí hậu trong sự kiện này. Nhưng lượng mưa lớn ở cùng khu vực vào tháng 10 và tháng 11/2023 đã trở nên tồi tệ hơn do sự kết hợp giữa biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết tự nhiên được gọi là "Lưỡng cực Ấn Độ Dương", WWA nhận thấy.

Vào tháng 9/2023, miền Bắc Libya hứng chịu một trận lũ lụt chết người. Lượng mưa lớn có khả năng cao hơn tới 50 lần do biến đổi khí hậu.

Theo cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc, IPCC, trên toàn cầu, các đợt mưa lớn đã trở nên thường xuyên và dữ dội hơn ở hầu hết vùng đất liền do hoạt động của con người. IPCC cho biết hiện tượng này sẽ tiếp tục với sự nóng lên hơn nữa.

Cháy rừng

Hỏa hoạn xảy ra một cách tự nhiên ở nhiều nơi trên thế giới. Thật khó để biết liệu biến đổi khí hậu có gây ra hay làm trầm trọng thêm một vụ cháy rừng cụ thể hay không vì các yếu tố khác cũng có liên quan, chẳng hạn như thay đổi cách sử dụng đất.

Nhưng biến đổi khí hậu đang làm các điều kiện thời tiết cần thiết khiến cháy rừng có nhiều khả năng lan rộng hơn, IPCC cho biết.

Nhiệt độ cực cao, kéo dài sẽ hút nhiều hơi ẩm ra khỏi đất và thảm thực vật. Những điều kiện khô hạn này cung cấp nhiên liệu cho các đám cháy, có thể lan rộng với tốc độ đáng kinh ngạc, đặc biệt nếu gió mạnh.

Canada đã trải qua mùa cháy rừng tồi tệ nhất được ghi nhận vào năm 2023.

WWA cho biết biến đổi khí hậu đã làm tăng gấp đôi khả năng xảy ra các điều kiện "thời tiết cháy rừng" cực đoan ở miền Đông Canada vào tháng 5 và tháng 6/2023, khiến đám cháy lan rộng.

Nhiệt độ tăng cũng có thể làm tăng khả năng xảy ra sét ở các khu rừng cực bắc của thế giới, gây ra hỏa hoạn.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), các vụ cháy rừng cực đoan được dự đoán trở nên thường xuyên và dữ dội hơn trong tương lai trên toàn cầu. Điều này là do tác động kết hợp của việc chuyển đổi sử dụng đất và biến đổi khí hậu.

UNEP cho biết số lượng các vụ cháy nghiêm trọng có thể tăng tới 50% vào năm 2100.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.znews.vn/vi-sao-nang-nong-va-lu-lut-ngay-cang-tan-khoc-post1472507.html