Công nghệ

Người Việt chi 1,4 tỷ USD gọi đồ ăn trên các ứng dụng

Bất chấp xu hướng chững lại, thậm chí đi lùi của một số thị trường, giá trị chi tiêu trên các nền tảng giao đồ ăn tại Việt Nam vẫn tăng 30% lên 1,4 tỷ USD.

Quy mô GMV gọi đồ ăn trên ứng dụng tại Việt Nam tăng 30% trong năm 2023. Ảnh: Hà Nam.

Theo báo cáo về hoạt động giao đồ ăn ở Đông Nam Á của Momentum Works, tổng giá trị chi tiêu (GMV) trên các nền tảng trong năm 2023 tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi đạt 17,1 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoại trừ Việt Nam, hầu hết thị trường giao đồ ăn ở Đông Nam Á đều rơi vào cảnh chững lại.

Năm vừa rồi, GMV của Việt Nam bất ngờ tăng 30% lên 1,4 tỷ USD bất chấp xu hướng thắt chặt chi phí của các nền tảng. Tuy nhiên, nếu so với các thị trường lân cận như Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines hay Indonesia, quy mô GMV của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn.

Grab vẫn quá “khác biệt”

Tại Việt Nam, miếng bánh thị phần trong năm qua được chia tương đối đồng đều cho 2 gã khổng lồ là Grab và ShopeeFood, lần lượt chiếm 47% và 45%. Bên cạnh hai ứng dụng trên, lượng thị phần ít ỏi còn lại nằm trong tay Baemin (5%) và Gojek (3%).

Trên thực tế, không chỉ Việt Nam, dịch vụ giao đồ ăn của Grab cũng đang dẫn đầu tại 5 quốc gia khác. Trong khi đó, Việt Nam đang là thị trường lớn nhất của ShopeeFood với hơn 600 triệu USD GMV, chiếm 40% tổng GMV khu vực Đông Nam Á của ông lớn này.

Bước sang năm 2024, thị phần giao đồ ăn của Việt Nam dự kiến xáo trộn mạnh sau khi Baemin quyết định rút lui vào tháng 12 năm ngoái. Bắt đầu kinh doanh từ năm 2019 sau thương vụ thâu tóm ứng dụng Vietnammm, Baemin đã phải trải qua thời gian khó khăn khi liên tục đối mặt với trở ngại mới, bao gồm dịch bệnh và nền kinh tế bất ổn sau đại dịch.

“Quyết định rời khỏi Việt Nam của Baemin được thúc đẩy bởi tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như thực trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại”, thông báo của công ty nêu rõ.

Xét trên quy mô toàn Đông Nam Á, Grab ước tính chiếm 55% GMV, tương đương 9,4 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm trước. Foodpanda và Gojek đóng góp lần lượt 15,8% (2,7 tỷ USD) và 10,5% (1,8 tỷ USD) vào tổng GMV, giảm lần lượt 12,9% và 10% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, Shopee và Lineman chứng kiến sự tăng trưởng đáng chú ý khi đóng góp lần lượt 8,8% (1,5 tỷ USD) và 8,1% (1,4 tỷ USD).

“Với sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm F&B, tỷ lệ thâm nhập dịch vụ giao đồ ăn thấp và xu hướng sáp nhập đang diễn ra, các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực có rất nhiều dư địa để phát triển. Trong khi tập trung vào năng lực cốt lõi, những công ty dẫn đầu cũng cần để mắt đến những thay đổi tiềm năng của thị trường và những thách thức mới nổi”, Jianggan Li, CEO Momentum Works, nhận định.

Các thương hiệu F&B Trung Quốc bành trướng

Một trong những xu hướng đáng chú ý trong năm 2023 là sự gia nhập và mở rộng ồ ạt của các thương hiệu F&B đến từ Trung Quốc. Người tiêu dùng có thể dễ dàng cảm nhận sự thay đổi trên thị trường khi những thương hiệu như Mixue khai trương gần 4.000 cửa hàng trên khắp Đông Nam Á.

Riêng tại Việt Nam, thương hiệu kem và đồ uống bình dân với biểu tượng người tuyết đóng góp hơn 1.000 cửa hàng nhượng quyền.

Hay Cotti Coffee, thương hiệu với hơn 6.000 cửa hàng trên toàn cầu, cũng quyết định nhảy vào thị trường Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Singapore trong năm 2023.

Các thương hiệu F&B Trung Quốc bành trướng tại Việt Nam. Ảnh: Mixue.

Cũng trong năm vừa qua, một số công ty lớn đã bắt đầu ghi nhận lợi nhuận sau thời gian dài thua lỗ vì đốt tiền cho khuyến mại. Hầu hết nền tảng dẫn đầu thị phần đều đã đạt được hoặc đang trên đà đạt được mức hòa vốn EBITDA đã điều chỉnh, với một số mục tiêu là đạt được dòng tiền dương vào năm 2024.

Tuy nhiên, thực tế từ ứng dụng Meituan và Uber đã cho thấy lợi nhuận không phải lúc nào cũng cố định. Điều này buộc các nền tảng phải liên tục cân bằng giữa tăng trưởng và lợi nhuận bền vững.

Những công ty giao đồ ăn lớn tiếp tục tận dụng các sản phẩm quảng cáo để thu hút nhiều khoản đầu tư hơn cho người bán. Các nền tảng cũng mở rộng danh mục quảng cáo để đáp ứng nhu cầu riêng biệt của nhiều thương hiệu khác nhau, bao gồm các chuỗi F&B lớn, các cửa hàng F&B nhỏ và các thương hiệu FMCG.

Grab, công ty giao đồ ăn hàng đầu Đông Nam Á, chỉ có 5% khách hàng trong tổng số 600 triệu dân số khu vực giao dịch hàng tháng. Trong bối cảnh vẫn còn nhiều dư địa để khai thác, việc mở rộng sang các thành phố nhỏ hơn và phục vụ khách du lịch mang đến cơ hội tăng trưởng cho các nền tảng giao đồ ăn.

Momentum Works cho rằng các nền tảng cũng có thể và nên duy trì tối ưu hóa hoạt động để giảm chi phí và tăng lợi nhuận.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nguoi-viet-chi-1-4-ty-usd-goi-do-an-tren-cac-ung-dung-post1459958.html