Công nghệ

Nhà đấu giá lớn nhất thế giới vẫn đặt cược vào NFT

Christie's sẽ tổ chức một đợt bán các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số vào tháng 3 tới. Trước đó, nhà đấu giá này từng tạo tiếng vang khi bán bức tranh NFT với giá 69,3 triệu USD.

Đã gần 3 năm kể từ khi nghệ thuật kỹ thuật số, dưới dạng token không thể thay thế (NFT), đổ bộ vào thị trường nghệ thuật quốc tế, tăng giá trị đến đỉnh điểm và sau đó sụp đổ.

Tuy nhiên, Christie's đang xem xét lại danh mục nghệ thuật này thông qua một sáng kiến lớn, nhằm đánh dấu sự quay lại với NFT của nhà đấu giá này sau một thời gian dài, theo Artnet.

Christie's sẽ tổ chức một đợt bán các tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số vào ngày 12/3 tới, với 400 tác phẩm của Robert Alice. Ông là nghệ sĩ đầu tiên có NFT được bán bởi nhà đấu giá vào năm 2020.

Sau Robert Alice, Christie's cũng từng gây tiếng vang khi bán được tác phẩm NFT Everydays - The First 5.000 Days của nghệ sĩ người Mỹ Mike Winkelmann, biệt danh Beeple, với mức giá ấn tượng 69,3 triệu USD.

Các tác phẩm lần này của Alice mang tiêu đề SOURCE [On NFTs]. Bộ tranh có hình ảnh ấn tượng, được hiển thị bằng màu Day-Glo, thông qua một phương pháp tinh lọc tiền sử của NFT thành các trường màu lớn.

Các tác phẩm của Robert Alice sẽ được đem đi đấu giá tại Christie's vào tháng 3 tới. Ảnh: Christie's.

“Robert Alice là một nghệ sĩ mà Christie's đã có mối quan hệ lâu dài”, Sebastian Sanchez, Giám đốc nghệ thuật kỹ thuật số tại nhà đấu giá, cho biết.

Ông Sanchez nhắc lại việc từng bán một tác phẩm NFT của Robert Alice vào năm 2020. Cuộc đấu giá đó đã vượt xa mong đợi, gây ấn tượng trong cộng đồng nghệ thuật và thị trường đấu giá thời điểm đó.

Đợt bán đấu giá ngày 12/3 tới sẽ là “bộ sưu tập nghệ thuật tạo sinh lưu trên chuỗi" đầu tiên của Christie's.

Được tổ chức trên nền tảng “3.0”, được xây dựng dành riêng cho nghệ thuật kỹ thuật số, cuộc đấu giá sẽ bao gồm những tính năng có thể gây ngạc nhiên cho người mua tác phẩm nghệ thuật truyền thống.

Nhà xuất bản sách nổi tiếng tại Mỹ cũng phát hành một cuốn sách về NFT do Robert Alice biên tập.

Một điểm độc đáo khác là việc thanh toán chỉ có thể được thực hiện bằng tiền điện tử.

Ngoài ra, sự kiện này sẽ diễn ra như một hình thức đấu giá kiểu Hà Lan, nghĩa là giá của các tác phẩm sẽ bắt đầu ở mức cao và sau đó giảm xuống cho đến khi tất cả 400 tác phẩm được bán hết. Đây cũng là lần đầu tiên Christie's thực hiện cuộc đấu giá theo cách này.

Theo Robert Alice, 400 tác phẩm sẽ được "đấu giá và tạo ra trực tiếp trên chuỗi khối, sử dụng một thuật toán được gọi là NLP, hoặc xử lý ngôn ngữ tự nhiên, một trong những cột sống của các mô hình học máy và liền kề với trí tuệ nhân tạo (AI)".

"Đó là một thuật toán rất tốt cho việc phân loại văn bản. Nó cho phép máy móc không chỉ hiểu nghĩa của từ, mà còn cả ngữ nghĩa của chúng”, ông chia sẻ về dự án.

Cùng thời điểm, nhà xuất bản nghệ thuật nổi tiếng Taschen cũng vừa phát hành một cuốn sách dày 600 trang có tên On NFTs, do Robert Alice biên tập.

Cuốn sách được quảng cáo là tác phẩm đầu tiên và bao quát nhất về lịch sử của nghệ thuật số, với những nghiên cứu và phân tích cách mà nghệ thuật số đã và đang phát triển theo thời gian.

Taschen đã tổ chức một sự kiện ăn mừng ấn phẩm của mình tại một cửa hàng ở Paris, nơi diễn ra hội nghị NFT Paris. Công ty này cũng đã chấp nhận thanh toán tiền điện tử thông qua trang web bán sách của mình.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/nha-dau-gia-lon-nhat-the-gioi-van-dat-cuoc-vao-nft-post1461697.html