Công nghệ

Tương lai nào cho NFT trong năm 2024

Từng có thời điểm NFT được xem loại tài sản kỹ thuật số đầy tiềm năng, được giới đầu tư săn đón ráo riết, giá trị thị trường đạt hàng tỷ USD.

Thị trường NFT đã qua thời kỳ bùng nổ. Ảnh: Shutterstock.

Năm 2021 là thời điểm chứng kiến sự bùng nổ của NFT (Non-Fungible Token) - một loại tài sản số nằm trên chuỗi khối (blockchain), đại diện cho quyền sở hữu một loại mặt hàng độc nhất.

Một số nhà đầu tư, nhà sưu tầm săn đón, bỏ ra hàng triệu USD để mua NFT, mặc dù chúng chưa giá trị thực tế gì.

Ngày nay, dường như cơn sốt đã qua. NFT không còn được nhắc tên phổ biến như trước. Tương lai nào cho loại tài sản kỹ thuật số này?

Nguồn gốc và sự bùng nổ của NFT

NFT ra đời vào năm 2014. Khi đó, nghệ sĩ Kevin McCoy và vợ ông, bà Jennifer tạo ra Quantum, tập tin đồ hoạ kỹ thuật số chứa các hình lục giác màu hồng và xanh lam. Nó trở thành NFT đầu tiên với sự trợ giúp của Anil Dash.

Mặc dù đơn giản, Quantum đã đánh dấu một khoảnh khắc trong lịch sử, được coi là khởi nguồn của ngành công nghiệp từng có giá trị hàng tỷ USD.

Thời điểm đó, các đồng tiền mã hoá vẫn phải chật vật tìm chỗ đứng trong thế giới công nghệ. Bitcoin đã thu hút nhiều người đầu tư, giao dịch nhưng Ethereum chỉ vừa ra đời, trong khi một số nền tảng phổ biến hiện nay như Solana và Cardano chưa xuất hiện. Mất thêm 7 năm NFT mới có thể đạt đến thời kỳ hoàng kim của mình.

NFT đầu tiên ra đời vào năm 2014.

Doanh số NFT tăng một cách chậm chạp và bắt đầu bùng nổ từ giữa năm 2021. Sang đầu năm 2022, mọi thứ đạt đến cao trào, khối lượng giao dịch NFT vượt mốc 1 tỷ USD. Thị trường đạt đỉnh điểm khi khối lượng giao dịch vượt quá 3 tỷ USD.

Các NFT phổ biến nhất đều dựa trên Ethereum và có dạng mã thông báo ERC-721. Thậm chí ngày nay, những thị trường NFT phổ biến đa số định giá tài sản bằng Ethereum.

Số lượng NFT cũng tăng vọt khi loại tiền mã hoá này lên giá. Vào thời kỳ đỉnh cao của NFT, gần nửa triệu tài sản số loại này được đúc trên Ethereum, chưa bao gồm NFT từ các blockchain khác như Cardano.

Những con số kỉ lục

Khi sự phổ biến của NFT đạt mức cao nhất mọi thời đại, giá trị nhiều tài sản ảo loại này tăng mạnh. Ngay cả với những người không quan tâm đến NFT hoặc tiền mã hoá, họ vẫn có thể choáng ngợp với tin tức về những NFT trị giá hàng triệu USD, được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong năm 2021 và 2022.

Vào tháng 6/2021, NFT từ bộ sưu tập CryptoPunk nổi tiếng, được bán tại cuộc đấu giá nghệ thuật của Sotheby với giá 11,8 triệu USD. Con số trông có vẻ khá khó tin, nhưng mọi thứ không dừng lại ở đó. Chưa đầy một năm sau, vào tháng 2/2022, một NFT CryptoPunk khác được bán với giá 24 triệu USD.

Các tác phẩm nghệ thuật điện tử khác thậm chí còn đạt mức giá cao hơn. Vào cuối năm 2021, NFT có tên The Merge được bán với giá 91,8 triệu USD, trở thành NFT đắt nhất trong lịch sử.

Bored Ape #8585 được bán với giá 2,7 triệu USD. Ảnh: OpenSea.

Các cuộc mua bán này thường có sự tham gia của hàng nghìn nhà đầu tư, mỗi người trả tiền cho một phần NFT. Với việc NFT được bán với giá cao hơn một số tác phẩm nghệ thuật cổ điển, có vẻ như ngành công nghiệp mới mẻ này đạt khởi đầu rất khả quan.

Tuy nhiên, mặt tối của Internet cũng bắt đầu chú ý đến mỏ vàng kĩ thuật số này và bắt đầu tìm cách khai thác nó.

Các vụ lừa đảo tai tiếng

Kể từ năm 2021, tội phạm mạng đã thực hiện một số vụ lừa đảo và hack NFT khổng lồ, thông qua rug pull (kéo thảm – lôi kéo nhà đầu tư bỏ tiền vào dự án sau đó đột ngột rút hết thanh khoản), backdoor, phần mềm độc hại…

Một trong những rug pull NFT đáng chú ý nhất là Bored Bunny, dự án NFT giả mạo khiến các nhà đầu tư tiêu tốn 21 triệu USD. Bộ sưu tập gần 5.000 NFT đều bán cho những người mua đặt lòng tin, doanh số càng tăng cao khi bộ sưu tập được quảng bá bởi những nhân vật có ảnh hưởng như DJ Khaled và Floyd Mayweather.

Giống như nhiều vụ rub pull tiền mã hoá, những người tạo ra bộ sưu tập Bored Bunny đột nhiên không hoạt động trên tài khoản mạng xã hội, trong khi giá NFT của bộ sưu tập bắt đầu tụt dốc không phanh.

Một trong những người sáng tạo cuối cùng của dự án đăng trên X (trước đây là Twitter), tuyên bố rằng họ vắng mặt suốt 1,5 tháng vì ‘bận trả lời email và tin nhắn’.

Một số loại rug pull NFT khác bắt chước các tác phẩm nghệ thuật từ bộ sưu tập Bored Ape Yacht Club (BAYC) rất nổi tiếng. Những dự án lừa đảo như Baller Ape Club và Evolved Apes mượn tên tuổi BAYC để thu hút các nhà đầu tư, sau đó người sáng tạo sẽ nhanh chóng biến mất với số tiền kiếm được.

Các vụ hack cũng cho phép tội phạm mạng đánh cắp NFT có giá trị trong thời kỳ bùng nổ. Rất nhiều NFT được lưu trữ trong ví nóng (trực tuyến), tin tặc có thể đánh cắp chúng thông qua các cuộc tấn công từ xa. Chẳng hạn, gần 19 triệu USD trong Lympo NFT bị đánh cắp trong một cuộc tấn công ví nóng vào tháng 1/2022.

Lừa đảo cũng là một chiến thuật phổ biến trong lĩnh vực tội phạm NFT. Tội phạm dùng cách thức này để đánh cắp mật khẩu, khóa riêng tư và cụm từ hạt giống. Ngay cả dự án và nền tảng NFT có uy tín cũng trở thành mục tiêu tấn công, bao gồm OpenSea vào tháng 2/2022.

Sự sụp đổ của NFT

NFT luôn gây nhiều tranh cãi, chủ yếu là do giá trị của chúng không ổn định. Một NFT có thể tích lũy giá trị thông qua hai yếu tố: nhu cầu và tiện ích. NFT có thể không có bất kỳ tiện ích nào, nhưng nếu đạt nhu cầu lớn (thường là thông qua quảng cáo và tiếp thị trực tuyến), nó có thể đạt giá trị cao. Mặt khác, nếu NFT có tiện ích, chẳng hạn như giá trị trong game hoặc dự án metaverse, thì nó cũng có thể tích lũy giá trị.

Tuy nhiên, phần lớn các NFT đắt tiền đã được bán ở mức giá cao như vậy do sự cường điệu trực tuyến. Sau khi mua Cryptopunk, bạn sẽ không có cách nào sử dụng nó làm tiền tệ, vé hoặc loại tài sản khác trong game. Suy cho cùng, nó chỉ là một tác phẩm nghệ thuật kỹ thuật số có chữ ký gắn liền với mã thông báo blockchain.

Thực tế này luôn đặt ngành NFT vào tình thế bấp bênh. Một khi mọi người không còn thấy NFT thú vị hoặc hấp dẫn nữa thì nhu cầu giảm sẽ tạo hiệu ứng domino đối với giá trị.

Giá trị thị trường NFT giảm mạnh khi bước sang năm 2023. Ảnh: Crytoslam.

Đến cuối năm 2022, thị trường NFT vẫn sôi động nhưng đã mất đi một lượng giá trị đáng kể. Nguyên nhân đến từ các rủi ro tấn công, lừa đảo, thiếu giá trị thực tế. Ngoài ra, việc không có quy định rõ ràng, sự thiếu tin tưởng cũng góp phần suy giảm giá trị của loại tài sản kĩ thuật số mới nổi.

Thêm vào đó, sự sụp đổ của thị trường tiền mã hoá từ tháng 11/2022 (xuất phát từ vụ bê bối sàn giao dịch FTX) cũng gây ra hiệu ứng domino trên thị trường NFT, vì cả 2 có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

Bước sang năm 2023, mọi thứ có vẻ không ổn đối với NFT. Theo báo cáo của Chainalysis, giá trung bình của NFT đã giảm 92% sau một năm. Nói cách khác, một NFT từng trị giá 1.000 USD giờ chỉ còn 80 USD. Rõ ràng là mọi thứ đã trở nên tồi tệ.

Tương lai nào dành cho NFT?

Những gì diễn ra trong năm 2023 cho thấy sự mong manh của thị trường NFT. Khối lượng giao dịch sụt giảm mạnh so với 2 năm liền trước. Tính đến tháng 10/2023, trung bình có 2.031 NFT được bán ra mỗi ngày, con số nhỏ bé so với 2022 (gần 39.000) và 2021 (183.755).

Theo nhận định của How To Geek, không ai có thể chắc chắn về tương lai của NFT, nhưng sự tăng trưởng mạnh mẽ và suy giảm chóng chóng thể hiện mức độ biến động khôn lường của thị trường tài sản kĩ thuật số.

Một ngày nào đó, NFT có thể lấy lại được một phần, nếu không muốn nói là tất cả danh tiếng trước đây của mình. Nhưng hiện tại, NFT vẫn là một thị trường ngách với lượng khách hàng hạn chế.

Theo How To Geek

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/tuong-lai-nao-cho-nft-trong-nam-2024-post1452227.html