Công nghệ

Nhân viên thạo AI, sếp lại không biết gì

Trung Trần (Hà Nội) tạm đánh giá "bằng cảm tính" về các sản phẩm được nhân viên làm bằng công cụ AI. Anh cũng mới chi 10 triệu đồng học AI để không bị tụt hậu so với cấp dưới.

Chưa kịp trang bị kiến thức về các công cụ AI, nhiều cấp trên đang loay hoay tuyển dụng, quản lý nhân viên thành thạo công nghệ và đánh giá sản phẩm do trí tuệ nhân tạo thực hiện.

Trung Trần (31 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội), trưởng phòng hành chính, là một trong số đó.

Cách đây ít lâu, anh mới biết “prompt”, “Copilot” hay “AIGC” (AI-Generated Content) có nghĩa là gì và sử dụng chúng một cách cơ bản thế nào. Tuy nhiên, một số nhân viên của anh đã sử dụng thành thạo các công cụ AI, thường xuyên nộp sản phẩm được thực hiện nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.

Trưởng phòng sinh năm 1993 bối rối khi bắt tay vào kiểm tra chất lượng của những sản phẩm đó. Anh cũng lo ngại về mức độ trùng lặp giữa các sản phẩm của nhân viên và các ấn phẩm đã được đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, hoặc từng xuất hiện trên không gian mạng.

Nhiều quản lý đang loay hoay tuyển dụng và quản lý sản phẩm do nhân sự sử dụng AI. Ảnh minh họa: Hatice Baran/Pexels.

Nhiều thập kỷ qua, tự động hóa và AI đang dần thay đổi cách làm việc của giới “cổ cồn trắng”. Từ tiếp nhận công việc của nhân viên, giờ đây trí tuệ nhân tạo có sức ảnh hưởng đến cả những công việc của quản lý cấp cao.

Theo nhà tư vấn và giám đốc điều hành từ các công ty, AI tạo sinh (generative AI) đang phát triển từng ngày, hiện không chỉ cải thiện tốc độ hoàn thành các công việc hàng ngày, mà còn có khả năng sáng tạo nội dung, tổng hợp ý tưởng.

Sức mạnh của trí thông minh nhân tạo có thể định hình lại loại công việc tri thức mà hàng triệu người đang làm sau màn hình máy tính, trong đó có cấp quản lý.

Bởi vậy, Trung Trần và nhiều quản lý khác đang phải học dần cách thích nghi với AI, đồng thời tìm cách quản lý quá trình sử dụng công nghệ này trong môi trường làm việc.

Quản lý 'thấp thỏm' vì AI

Nhận thấy nhiều “vùng xám” phát sinh trong công việc, Trung Trần đành tạm thời đánh giá, kiểm soát bằng cảm tính. Sự “mù mờ” về lĩnh vực này khiến anh khó đưa ra nhận định khách quan, chính xác.

Không chỉ phải kiểm soát hàng loạt sản phẩm đầu ra do AI thực hiện, Trung Trần còn nhận nhiệm vụ tuyển dụng nhân sự biết sử dụng các công cụ này. Như vậy, trong buổi phỏng vấn, anh buộc phải đặt những câu hỏi liên quan đến AI để đánh giá sự hiểu biết, mức độ thành thạo của ứng viên.

Không có nhiều kiến thức về trí tuệ nhân tạo, trưởng phòng hành chính đặc biệt lo lắng. Nhận thấy sự chi phối lớn của AI đối với công việc hiện tại, Trung Trần đề xuất công ty hỗ trợ chi phí cho các cấp quản lý tham gia khóa học về ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Song, đề xuất của anh bị lãnh đạo cấp cao từ chối.

Chi phí dành cho các khóa học này vượt quá ngân sách đào tạo của công ty. Doanh nghiệp cũng không thể chỉ tài trợ cho một số quản lý đi học, vô tình tạo ra sự đố kỵ giữa các phòng ban, bộ phận.

Quốc Thắng ưu tiên tuyển dụng nhân sự có khả năng sử dụng AI thay vì phải đào tạo lại từ đầu.

Hiểu cái khó của công ty nhưng không thể trì hoãn việc trang bị kiến thức về AI thêm, Trung Trần “bấm bụng” chi trả gần 10 triệu đồng cho chương trình đào tạo về kỹ năng sử dụng và quản trị trí tuệ nhân tạo cho cấp quản lý.

“Nếu không học nhanh, tôi sợ tụt hậu, dễ bị thay thế. Sau khi tuyển dụng nhân viên biết vận dụng AI, doanh nghiệp sẽ tiến hành chọn quản lý có khả năng quản trị nhóm nhân sự này”, Trung lo ngại nói.

Quốc Thắng (28 tuổi, quận 11, TP.HCM), quản lý dự án tại một agency, cho biết trong năm 2024, các vị trí tuyển dụng trong công ty anh bắt đầu yêu cầu nhân sự có kỹ năng sử dụng công cụ AI, đặc biệt là ChatGPT.

“ChatGPT hiện là xu hướng, thậm chí còn đang phát triển quá nhanh và mạnh mẽ. Thay vì phải đào tạo nhân sự, chúng tôi ưu tiên tuyển dụng những người đã thành thạo công cụ này", Quốc Thắng nói.

Trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông mà Thắng đảm nhận, việc cho phép nhân sự sử dụng AI giúp nhóm anh tối ưu hóa nguồn lực và thời gian cho chiến dịch dựa trên những dữ liệu mà AI phân tích về số liệu, hành vi, sở thích của người dùng trước đó.

“Công cụ này giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian làm moodboard để trình bày hình ảnh và ý tưởng cho khách hàng, thay vì trước đó cả nhóm phải dành hàng giờ để tra cứu dữ liệu, hình ảnh trên Google”, anh nói.

Ngoài ra, Quốc Thắng và cấp dưới cũng sàng lọc những đề xuất ý tưởng từ AI, sau đó phát triển thêm thành chiến dịch quảng bá.

Tuy nhiên, Thắng cũng gặp khó khăn về các rào cản về pháp lý của AI, đặc biệt là đối với nhóm đồ họa do anh đang quản lý.

“Tôi vẫn còn phải học nhiều về AI, chưa thể quản trị toàn bộ rủi ro do công cụ này mang lại. Tuy nhiên, tôi cho phép nhân sự dùng AI để hỗ trợ công việc và yêu cầu họ phải biết sử dụng nó để nâng cao hiệu suất công việc”, Quốc Thắng chia sẻ với Tri Thức - ZNews.

Không cần hiểu sâu, nhưng phải biết

Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Phó Giám đốc Navigos Search miền Bắc, chia sẻ với Tri thức - Znews rằng có những lo ngại về việc AI có thể thay thế công việc của con người, nhưng cũng có nhiều dấu hiệu cho thấy công cụ này đang tạo ra cơ hội mới và sự tăng trưởng cho nhiều lĩnh vực.

Theo Chỉ số Xu hướng Công việc năm 2023 được Microsoft công bố trong năm 2023, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cho rằng Al sẽ mang lại giá trị tại nơi làm việc bằng cách tăng năng suất làm việc (35%), hơn là cho rằng AI sẽ thay thế nhân viên.

Bà Linda Nguyễn cho rằng cấp nhân viên cần tìm hiểu kỹ càng, chi tiết hơn để ứng dụng trí thông minh nhân tạo vào công việc.

Cứ 10 người lao động Việt Nam sẽ có đến 9 người cảm thấy thoải mái khi sử dụng Al, không chỉ cho các công việc hành chính mà còn cho công việc phân tích và thậm chí cả các khía cạnh sáng tạo trong công việc.

Với góc nhìn của bà Thu Giang, các quản lý hiện nay cần giữ vững tâm thế luôn trau dồi chuyên môn, tăng cường các kỹ năng mềm của bản thân, tập trung phát triển thêm trí tuệ cảm xúc để có thể quản lý, kiểm soát nhân viên khi AI ngày càng bùng nổ.

Bà Linda Nguyễn, chuyên gia tái cấu trúc hệ thống nhân sự doanh nghiệp SMES, nhận định rằng không chỉ nhân sự mới mà cả những người công tác lâu năm cũng cần cập nhật, bổ sung kiến thức về công nghệ để theo kịp thời đại, điển hình là AI.

Nói với Tri thức - Znews, bà cho biết các cấp quản lý, dù đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc, cũng không nên chủ quan, lơ là mảng thông tin này, phải tự bồi dưỡng kiến thức nhằm phục vụ công tác quản trị, quản lý.

Tuy nhiên, quản lý không nhất thiết phải hiểu sâu sắc về trí tuệ nhân tạo. Các nhân sự này chỉ cần nắm thông tin về đường lối, định hướng và hiệu quả của các công cụ, nền tảng AI. Cấp nhân viên cần tìm hiểu kỹ càng, chi tiết hơn để ứng dụng trí thông minh nhân tạo vào công việc.

Hiện nay, độ phủ sóng của AI ngày càng lớn. Các nhà cung cấp công cụ AI tạo sinh cũng đem đến những nền tảng dễ sử dụng với mục đích bán được hàng. Người mới nhập môn vì thế không gặp nhiều khó khăn.

Để việc bổ sung kiến thức liên quan đến lĩnh vực này đạt hiệu quả cao, các quản lý cần phải hiểu bản chất AI, cách ứng dụng và sản phẩm đầu ra mà trí tuệ nhân tạo có thể mang lại.

Ngoài các khóa học AI, các vị trí quản lý có thể tự tham khảo, cập nhật thông tin qua báo chí, sách vở nước ngoài. Việc tự trau dồi kiến thức bằng tiếng Anh sẽ giúp người học tiếp cận gần hơn với các xu hướng công nghệ trên thế giới.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/sep-kem-cong-nghe-lai-quan-ly-nhan-vien-thao-ai-post1461919.html