Các công ty lớn ở Nhật Bản dự kiến sẽ có một đợt tăng lương nữa trong năm 2024, sau đợt tăng mạnh trong năm nay. Những động thái này được kỳ vọng sẽ cải thiện sức chi tiêu của các hộ gia đình và tạo điều kiện cần thiết để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cuối cùng sẽ đến lúc rút lại chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo.
Theo hãng tin Reuters, những tín hiệu mới từ doanh nghiệp, tổ chức công đoàn và giới chuyên gia kinh tế cho thấy sức ép về nhân công và chi phí - những yếu tố mở đường cho đợt tăng lương của năm nay, đợt tăng lương lớn nhất ở Nhật Bản trong hơn 3 thập kỷ qua - sẽ duy trì cho tới cuộc đàm phán tiền lương chủ chốt ở nước này vào mùa xuân năm tới.
Sự dịch chuyển từ giảm phát sang lạm phát
Chẳng hạn, hãng sản xuất đồ uống Suntory Holdings dự định đề nghị mức tăng lương tháng bình quân 7% cho 7.000 nhân viên trong năm tới, đánh dấu năm thứ hai liên tiếp hãng này tăng lương cho người lao động. Mục đích của việc tăng lương là giữ chân người lao động, nhất là lao động trình độ cao, trong bối cảnh thị trường lao động thắt chặt và bù đắp sinh hoạt phí cho người lao động trong bối cảnh lạm phát leo thang.
Công ty bảo hiểm nhân thọ Meiji Yasuda Life Insurance dự định tăng lương hàng năm bình quân 7% cho khoảng 10.000 nhân viên từ tháng 4 trở đi. Hãng bán lẻ hàng điện tử Bic Camera cũng dự kiến tăng lương tới 16% cho 4.600 nhân viên làm việc toàn thời gian.
“Những gì đang diễn ra là sự dịch chuyển lớn về mô hình từ giảm phát sang lạm phát”, CEO Takeshi Niinami của Suntory, một thành viên hội đồng cố vấn kinh tế cấp cao của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, nói với hãng tin Reuters. “Với bối cảnh thay đổi nhanh chóng như vậy, tôi tin rằng những doanh nghiệp nhanh chóng tăng lương sẽ có được sức cạnh tranh tốt hơn”.
Những tuyên bố như vậy được đưa ra trong bối cảnh ông Kishida gia tăng áp lực để doanh nghiệp Nhật tăng lương, qua đó giúp các hộ gia đình ở nước này thích nghi với sự gia tăng của chi phí sinh hoạt. Việc tiền lương tăng 2 năm liên tiếp cũng sẽ mang lại cho Thống đốc BOJ Kazuo Ueda một trong những tiền đề cần thiết để rút khỏi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo mà BOJ đã theo đuổi suốt 1 thập kỷ qua để kích thích nền kinh tế. Tiền đề đó là sự tăng trưởng tiền lương bền vững.
“Sự kết hợp giữa tình trạng khan hiếm lao động kinh niên và lạm phát dai dẳng sẽ khiến cuộc đàm phán tiền lương năm tới đi đến kết quả là mức tăng lương tương tự, thậm chí tăng nhiều hơn so với năm nay”, giáo sư Hisashi Yamada thuộc Đại học Hosei, một chuyên gia về lao động-việc làm, nhận định.
Dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho thấy tiền lương hầu như không tăng ở Nhật Bản trong khoảng 30 năm qua do nước này ở trong tình trạng giảm phát liên miên và triển vọng tăng trưởng kinh tế trì trệ kéo dài khiến doanh nghiệp ngại tăng lương. Câu chuyện bắt đầu thay đổi sau khi các nút thắt chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine dẫn tới giá nguyên vật liệu thô tăng vọt, buộc doanh nghiệp phải đẩy phần chi phí gia tăng về phía người tiêu dùng.
Tốc độ lạm phát ở Nhật Bản đã cao hơn mục tiêu 2% của BOJ trong hơn 1 năm qua, đặt các công ty ở nước này dưới sức ép chưa từng thấy phải tăng lương để giữ chân và thu hút người lao động có kỹ năng cao.
Sắp đến lúc Nhật Bản chấm dứt lãi suất âm?
Yêu cầu tăng lương “khoảng 5%” mà Rengo - liên minh công đoàn lớn nhất Nhật Bản - đưa ra trong năm nay đã dẫn tới mức tăng lương bình quân 3,58% tại các công ty lớn của nước này. Rengo tuyên bố sẽ đòi tăng lương “5% hoặc cao hơn” trong năm 2024.
Một tổ chức công đoàn lớn khác là UA Zensen, đại diện cho lao động trong ngành dịch vụ và lao động làm việc bán thời gian, cho biết sẽ đòi tăng lương 6% trong năm tới, bằng với yêu cầu đưa ra trong năm nay.
6 trong số 10 chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát dự báo mức tăng lương ở Nhật Bản trong năm 2024 sẽ bằng hoặc vượt mức tăng của năm 2023.
“Sự kết hợp giữa lạm phát, thị trường lao động thắt chặt và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ thúc đẩy đà tăng lương. Sẽ ngày càng có thêm nhiều công ty có thể đẩy chi phí cao hơn về phía người tiêu dùng và các mắt xích khác trong chuỗi cung ứng”, nhà kinh tế trưởng Atsushi Takeda thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế Itochi phát biểu.
Tăng lương là một mục tiêu khó đạt được đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản trong nhiều thập kỷ, nhưng áp lực chi phí sinh hoạt gần đây ở nước này đã làm gia tăng tính cấp bách của vấn đề. Đối mặt với tỷ lệ ủng hộ sụt giảm, ông Kishida đã cam kết đạt được một năm tăng lương nữa và tránh tình trạng trì trệ kinh tế mà Nhật Bản đã trải qua từ cuối thập niên 1990 cho tới đầu những năm 2000.
Tuần trước, ông Kishida kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tăng lương trong năm 2024 mạnh hơn trong năm nay. Ông đã đưa ra các biện pháp trợ cấp và hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp có mức tăng lương lớn cho người lao động. Ngoài ra, ông cũng dự kiến trao quyền lớn hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các cuộc đàm phán với khách hàng lớn.
Một năm tăng lương mạnh nữa sẽ giúp BOJ có tiền đề để tiến tới chấm dứt chính sách tiền tệ gây tranh cãi. Thị trường đang đặt cược rằng BOJ có thể chấm dứt lãi suất âm vào khoảng tháng 4 năm sau, khi tình hình tiền lương trở nên rõ ràng hơn. Một động thái như vậy có thể đưa tỷ giá đồng yên Nhật hồi phục sau khi giảm mạnh trong năm nay.
Một câu hỏi quan trọng là liệu việc tăng lương có được mở rộng tới các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp ở các vùng xa trung tâm. Một cuộc khảo sát của BOJ hồi tháng 10 cho thấy việc tăng lương diễn ra không đồng đều giữa các lĩnh vực ngành nghề và nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quyết định có tăng lương trong năm tới hay không.
Ở tỉnh Saitama, phía Bắc Tokyo, công ty Nitto-Seimitsu Kogyo - một nhà sản xuất phụ tùng ô tô với khoảng 113 công nhân - mỗi năm đều tăng lương đều đặn khoảng 2%, nhưng không thể tăng nhiều hơn. “Tôi muốn tăng lương hơn nữa cho công nhân của mình để giúp họ chống chọi lạm phát, nhưng 2% là giới hạn của chúng tôi rồi”, Giám đốc Keita Kondo phát biểu.