Đầu tư

Nhiều đại gia ngoại muốn đầu tư bệnh viện tại Việt Nam

Việt Nam đang là "thỏi nam châm" thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế. Ngoài các thương vụ M&A đã hoàn tất, nhiều tập đoàn lớn vẫn đang tích cực tiến vào thị trường này.

Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam nổi lên trên thị trường y tế Đông Nam Á khi xuất hiện loạt thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với trị giá lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những thương vụ thành công, ông Nguyễn Việt Hoàng - Giám đốc Phát triển Kinh doanh tại Avison Young Việt Nam cho biết từ đầu năm ngoái đến nay, đơn vị tư vấn này đã nhận không ít yêu cầu tư vấn và tìm kiếm về thị trường bất động sản trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam.

Các bệnh viện ở Việt Nam đang có giá tốt

Trên thực tế, lĩnh vực này vốn là con mồi béo bở khi mỗi lần sang tay đều có lãi rất lớn. Điển hình như thương vụ bán mình của bệnh viện Hoàn Mỹ. Trong vòng 15 năm trở lại đây, bệnh viện này đã chứng kiến 3 lần thay đổi cổ đông lớn. Qua mỗi lần trao tay, định giá của hệ thống y tế tư nhân này theo đó cũng nhảy vọt, giúp các nhà đầu tư ôm về khoản lợi nhuận khủng.

Gần nhất, thị trường còn chứng kiến thương vụ Thomson Medical Group của tỷ phú Peter Lim (Singapore) mua lại Bệnh viện FV với giá 381,4 triệu USD, tương đương hơn 9.000 tỷ đồng. Đây đồng thời là giao dịch có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe ở Đông Nam Á từ năm 2020 đến nay.

Dù vậy, chia sẻ với Tri Thức - ZNews, TS Melvin Heng, Tổng giám đốc điều hành Thomson Medical Group vẫn cho rằng mức giá này là hợp lý khi so với các thương vụ khác trong khu vực.

"Nói đến định giá hàng trăm triệu USD, con số có vẻ lớn. Nhưng xét kỹ vào cấu trúc thương vụ thì hợp lý, thậm chí so với các thương vụ thành công khác ở Đông Nam Á, tôi thấy đã thương lượng được mức giá khá tốt. Vì vậy chúng tôi khá hài lòng", ông nói.

Bởi lẽ, theo ông, lĩnh vực y tế không chỉ bao gồm cơ sở vật chất, mà còn cả giá trị thương hiệu, đội ngũ nhân sự, quy trình làm việc... - những thứ phải mất rất nhiều năm mới phát triển được.

Thomson Medical Group chi 9.000 tỷ USD mua lại Bệnh viện FV. Ảnh: Cao Nguyên.

Phân tích cụ thể hơn, ông Trần Cảnh Duy, Luật sư điều hành của Dentons Luật Việt Nam - một trong những luật sư tham gia trực tiếp vào thương vụ Thomson mua lại FV - nhìn nhận cơ sở hạ tầng sẵn có từ các bệnh viện đang hoạt động giúp nhà đầu tư nước ngoài giảm thiểu chi phí và thời gian xây dựng mới.

Đồng thời, nhà đầu tư nước ngoài cũng có cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước, bao gồm bác sĩ, y tá và nhân viên y tế.

Đặc biệt, vị luật sư còn nhấn mạnh thương hiệu là một yếu tố khác quan trọng khi quyết định M&A. "Việc sở hữu một dự án bệnh viện đã có uy tín và quen thuộc trên thị trường giúp nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận ngay lập tức một lượng lớn bệnh nhân, tạo ra cơ hội tăng trưởng và tối ưu hóa lợi nhuận", ông nói.

Là đơn vị định giá cho thương vụ Raffles Medical Group của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong mua lại cổ phần Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) vào tháng 7 năm ngoái, ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam cho biết thị trường vốn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đang trở nên sôi động và có tính thanh khoản cao hơn.

Ngày càng nhiều người quan tâm đến sức khoẻ hơn và có khả năng chi trả các dịch vụ này. Đây là một cơ hội kinh doanh hiệu quả và lợi nhuận cao.

Ông Troy Griffiths, Phó giám đốc điều hành Savills Việt Nam

"Việt Nam đang có sự gia tăng nhanh chóng số lượng người giàu có. Khi một quốc gia có nhiều người giàu hơn, họ sẽ tiêu tiền vào các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ hoặc giáo dục.

Sự phát triển của ngành chăm sóc sức khỏe hiện nay đã được chúng tôi quan sát thấy trong lĩnh vực giáo dục từ 5-6 năm trước", ông Troy chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông cho rằng xét về đặc điểm nhân khẩu học của Việt Nam, đây là thời điểm tốt để đầu tư, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh.

"Có một điều rất chắc chắn là ngày càng có nhiều người quan tâm đến sức khoẻ của mình hơn và có khả năng chi trả các dịch vụ này. Đây là một cơ hội kinh doanh hiệu quả và lợi nhuận cao", ông nói thêm.

Nhà đầu tư ngoại muốn M&A hơn là tự xây bệnh viện

Bên cạnh việc tiến vào thị trường y tế Việt Nam thông qua M&A, các doanh nghiệp ngoại vẫn có thể đầu tư xây dựng bệnh viện mới. Tuy nhiên, Luật sư Trần Duy Cảnh đánh giá phương án này sẽ có nhiều khó khăn, đặc biệt là trong việc tiếp cận quỹ đất, bởi các quy định và quy hoạch địa phương thường thay đổi thường xuyên, cùng với quy trình phê duyệt cấp phép thực tế.

"Việc đầu tư vào bất động sản y tế không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên sâu về ngành y tế mà còn đòi hỏi hiểu biết vững về các quy định trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và đầu tư", ông nhấn mạnh.

Đầu tư bệnh viện không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên sâu về ngành y tế mà còn đòi hỏi hiểu biết vững về các quy định trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và đầu tư.

Ông Trần Cảnh Duy - Luật sư điều hành tại Dentons Luật Việt Nam

Tương tự, ông Nguyễn Việt Hoàng cũng cho rằng thực tế rất khó để một nhà đầu tư có thể tiếp cận quỹ đất, hoàn thiện được mọi thủ tục từ A đến Z để triển khai và đưa dự án y tế đi vào hoạt động.

Theo ông, thủ tục pháp lý, các quy định và điều kiện kỹ thuật để có được quỹ đất và xây dựng bệnh viện tại Việt Nam không hề đơn giản.

Do đó, nhà đầu tư thường tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà phát triển bất động sản uy tín, có những dự án khu đô thị quy mô rất lớn và khả năng thu hút dân cư tốt. Tuy nhiên, các dự án này thường nằm ở khu vực rìa thành phố, chứ không dễ tìm được ở hoặc gần trung tâm.

Ông Troy Griffiths cũng tiết lộ trong thương vụ rót vốn vào AIH, Raffles nhìn thấy cơ hội phát triển của thị trường chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam nên muốn đưa thương hiệu và nền tảng của mình vào để hiện thực hóa các ý tưởng.

"Họ chỉ quan tâm đến cơ hội gia nhập ngành chứ không phải là chi phí xây dựng, giấy phép hay bất cứ điều gì khác", ông Troy Griffiths nói với Tri Thức - ZNews.

Raffles Medical Group của tỷ phú Singapore Loo Choon Yong đã mua phần lớn cổ phần với định giá bệnh viện ở mức 45,6 triệu USD. Ảnh: Cao Nguyên.

Theo ông, đối với bất kỳ liên doanh nào, việc có một đối tác trong nước uy tín nhằm giải quyết các vấn đề tại địa phương là rất quan trọng. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng kỹ năng quản lý của mình để phát triển thương hiệu và tạo ra lợi nhuận. Đây là một mô hình tốt đối với bất kỳ tổ chức nào lần đầu tiên gia nhập thị trường.

Đối với những lo ngại về việc thâu tóm, ông Troy Griffiths cho rằng đã có một mức độ bảo hộ nhất định để bảo vệ các nhà đầu tư nội địa. Mặt khác, các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam vẫn ưu tiên hợp tác với các đối tác uy tín.

"Lo lắng quá mức về vấn đề này là không cần thiết, bản thân thị trường sẽ tự có cách điều chỉnh", ông nhấn mạnh.

Dù vậy trên thực tế, luật sư Trần Duy Cảnh cho rằng phương thức đầu tư nào cũng sẽ có ưu và nhược điểm. Mặc dù M&A mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra những thách thức pháp lý mà luật sư cần giải quyết.

Đơn cử như những quy định về chuyển nhượng cổ phần, thỏa thuận hợp đồng và quản lý rủi ro pháp lý là những vấn đề cần sự chuyên nghiệp và kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực y tế và luật doanh nghiệp.

Link bài gốcLấy link
https://znews.vn/nhieu-dai-gia-ngoai-muon-dau-tu-benh-vien-tai-viet-nam-post1461550.html