Một tháng trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều chặng bay từ TP.HCM đến các tỉnh, thành đã ghi nhận tỷ lệ đặt chỗ trước hơn 90%. Trong đó, vé thương gia tại các tuyến bay nội địa chính trong giai đoạn 8/2 đến 14/2 Dương lịch (nhằm ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng Âm lịch) cũng đã được bán hết hoặc chỉ còn số lượng ghế hạn chế.
Có tiền cũng không mua được vé
Cụ thể, theo khảo sát, các chuyến bay của Vietjet Air xuất phát từ TP.HCM đến Hà Nội trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới chỉ còn vài ghế thương gia với giá 14 triệu đồng/khứ hồi. Các chặng từ TP.HCM đi Đăk Lăk, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng... đều đã "cháy vé".
Với Vietnam Airlines, các chuyến bay từ TP.HCM - Hà Nội bằng máy bay Boeing 787 cũng chỉ có 5 ghế thương gia còn trống. Giá vé khứ hồi chặng này là 20 triệu đồng/vé. Tương tự, chặng TP.HCM - Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng cũng chỉ còn một vài ghế thương gia hiếm hoi còn trống.
Trong khi đó, các chặng bay của Bamboo Airways cũng ghi nhận tỷ lệ lấp đầy hạng ghế thương gia ở mức cao. Các chuyến bay từ TP.HCM đi Hà Nội, Huế, Đà Nẵng chỉ còn một vài ghế trống với giá từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/khứ hồi.
Anh Mạnh Nguyễn (35 tuổi, Giám đốc Marketing một doanh nghiệp) nhận định giá vé hạng thương gia không tăng cao như vé hạng phổ thông. "Thông thường, vé thương giá sẽ đắt hơn vé phổ thông 3-4 lần. Tuy nhiên, vào dịp Tết, mức chênh lệnh chỉ là gấp đôi. Vào những ngày cao điểm, tôi thấy hạng ghế thương gia với các tiện ích ưu tiên check-in, lấy hành lý, phòng chờ trở nên rất đáng giá. Vì vậy, tôi không tiếc tiền mua vé".
Chị Nga Nguyễn - chủ một đại lý vé máy bay tại TP.HCM - cho biết càng gần Tết, nhu cầu mua vé hạng thương gia càng tăng mạnh vì đối tượng mua vé là những người không quá bận tâm về giá nên họ ít đặt chỗ trước 2-3 tháng.
"Có khách chủ quan đặt vé muộn, không thể bay chuyến như mong muốn mà phải đổi sang bay vé hạng phổ thông. Đúng là có tiền cũng không mua được vé", chị Nga chia sẻ.
Vé bay đêm đắt đỏ
Năm nay, các hãng hàng không trong nước đăng ký tổ chức khá nhiều chuyến bay đêm phục vụ người dân về quê ăn Tết.
Theo số liệu từ Cục Hàng không, nhu cầu khai thác đêm trong giai đoạn Tết Giáp Thìn 2024 đạt hơn 1.800 chuyến bay, chiếm tỷ trọng khoảng 8% tổng số chuyến bay nội địa khai thác toàn mạng.
Theo khảo sát của Tri Thức - Znews, giá vé các chuyến bay đêm từ TP.HCM đi các tỉnh thành và ngược lại trong giai đoạn 8/2 đến 14/2 Dương lịch (nhằm ngày 29 tháng Chạp đến mùng 5 tháng Giêng Âm lịch) cũng không rẻ hơn các khung giờ ban ngày.
Cụ thể, chặng TP.HCM - Hà Nội, các chuyến bay khung 0-3h sáng của Vietravel Airlines, Vietjet Air vẫn có giá 6 triệu đồng/khứ hồi. Trong khi đó, các chuyến bay của Vietnam Airlines trong khoảng 0-5h sáng có giá 6,4 triệu đồng.
Ở chặng TP.HCM - Đà Nẵng, các chuyến bay lúc 0-4h sáng của Vietnam Airlines có giá 7,3 triệu đồng/khứ hồi. Nếu bay về Huế trên các chuyến bay đêm, du khách cũng phải trả từ 7,1 triệu đến 7,5 triệu đồng/vé khứ hồi.
Đặt chuyến bay đêm để về Huế ngày 8/2 (29 tháng Chạp), chị Minh Anh (29 tuổi, kinh doanh tự do) ngao ngán: "Tôi phải cắn răng đặt chuyến bay lúc 2h45 vì lịch làm việc căng thẳng đến sát Tết. Dù vậy, giá vé vẫn rất đắt. Vì gia đình có con nhỏ nên tôi phải tính toán rất kỹ phương án di chuyển vào nửa đêm và rạng sáng".
Khác với chị Minh Anh, Ngọc Huỳnh (25 tuổi, kỹ sư máy tính) lại tận hưởng chuyến bay đêm về Hà Nội. "Năm nào tôi cũng bay đêm dịp Tết để tránh kẹt xe khi di chuyển từ nhà ra sân bay. Ác mộng với tôi là thời gian di chuyển này vào dịp Tết thường kéo dài gấp 2-3 lần ngày thường. Các chuyến bay buổi đêm ít hơn nên ít bị delay, sân bay cũng không quá đông người như ban ngày".
Dựa trên lịch đăng ký bay đêm của các hãng, Cục Hàng không yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không - ACV (đơn vị quản lý khai thác 22 sân bay) chỉ đạo các sân bay địa phương Đồng Hới, Phù Cát, Chu Lai, Tuy Hòa, Thọ Xuân, Vinh, Pleiku xây dựng phương án bay đêm.
Trong đó, các sân bay phải bố trí nguồn nhân lực, bao gồm cả nhân sự dự phòng, đảm bảo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện, sẵn sàng dịch vụ các chuyến bay đêm.