Thị trường tiêu dùng

Nhiều người 'vui tới bến' dịp Tết, say không ngồi nổi mới gọi taxi

Cận Tết, thu nhập của các tài xế taxi sụt giảm. Các tài xế chỉ còn cách đậu dọc theo các tuyến đường sầm uất để tìm khách. Tuy nhiên, tình hình vẫn không khả quan.

21h tối Chủ nhật, chị Ngọc Linh (28 tuổi, quận 3, TP. HCM) vừa kết thúc cuộc vui ở một quán bar trên đường Trần Hưng Đạo. Chị đặt xe để đến điểm hẹn với một nhóm bạn khác.

Một tài xế xe ôm công nghệ nhanh chóng nhận cuốc xe đi từ quận 1 đến Bình Thạnh của chị. 5 phút sau, tài xế đó gọi lại nhờ chị Linh hủy chuyến. Bởi lẽ, xe anh vừa chết máy và phải đi sửa gấp. Chị Linh phải đặt xe thêm lần nữa.

Đáng nói, trước mặt chị là hơn 5 chiếc taxi (truyền thống lẫn công nghệ) đang đậu. Cách đó không lâu, có một tài xế taxi đến mời chị Linh đi xe. Tuy nhiên, chị từ chối và tiếp tục đặt xe ôm công nghệ.

“Mình biết là hôm nay sẽ có cồn trong người nên không chạy xe. Dù vậy, mình chọn đi xe ôm công nghệ thay vì taxi vì cùng một quãng đường, xe nào rẻ, nhanh và tiện hơn thì mình ưu tiên”, Ngọc Linh chia sẻ. Không chỉ Ngọc Linh, nhiều bạn trẻ, dù có hơi men trong người hay không, cũng ưu tiên đi xe máy hơn là taxi.

Taxi là lựa chọn sau cùng của giới trẻ

Đồng quan điểm với Ngọc Linh, Minh Thư (23 tuổi, quận 1) cũng khá ngại đi taxi. “Mình không gặp vấn đề gì về tiền bạc nhưng mình ngại đi taxi vì là con gái. Do ôtô là không gian kín nên mình cũng cảm thấy thiếu an toàn khi ở một mình với người lạ”.

Minh Thư chia sẻ cô sẽ đi taxi những lúc đi với cả nhóm bạn vì như vậy không lo về vấn đề an toàn mà chi phí lại rẻ hơn. Những dịp còn lại, cô sẽ gọi xe ôm công nghệ thay vì đi taxi, dù là truyền thống hay công nghệ.

Nhiều người chọn đi xe ôm công nghệ thay vì taxi vì giá thành rẻ và di chuyển thuận tiện. Ảnh: Quỳnh Trang.

Anh Tucker (33 tuổi, du khách Mỹ) đang đi dạo ở phố đi bộ Bùi Viện. Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, anh khá ấn tượng với số lượng xe taxi và xe gắn máy trên đường phố Việt Nam. Tucker đã sử dụng taxi để di chuyển từ sân bay đến khách sạn hiện tại. Tuy nhiên, anh nói mình sẽ không dùng phương tiện này để tham quan thành phố.

“Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và thấy nhiều xe máy chạy trên đường cùng một lúc như vậy. Tôi nghĩ mình sẽ trải nghiệm xe máy Việt Nam hoặc đi bộ thay vì đi taxi để ngắm cảnh dễ dàng hơn”, Tucker chia sẻ.

Trong khi đó, anh Trường Giang (48 tuổi, Bình Thạnh) sử dụng luân phiên taxi và xe máy mỗi khi dự tiệc. “Tôi sẽ dùng taxi để đảm bảo ngoại hình tươm tất, sạch sẽ ở bữa tiệc. Sau đó, trừ khi say đến không ngồi nổi, không thì tôi sẽ gọi xe ôm công nghệ về cho rẻ. Ngày thường thì tôi lại ưu tiên xe máy hơn vì gặp kẹt xe thì di chuyển cũng dễ”, anh phân tích.

Theo Mordor Intelligence, thị trường taxi Việt Nam vẫn đóng vai trò khá quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Dù vậy, kể từ năm 2021, dịch vụ xe ôm công nghệ lại vượt lên và chiếm 60% trong thị trường xe ôm, taxi ở Việt Nam. Dự đoán, xe ôm công nghệ sẽ phát triển mạnh mẽ và làm thu hẹp thị trường taxi công nghệ lẫn truyền thống.

Tài xế taxi xếp xe thành hàng dài trên đường

Theo ghi nhận, vào 20h tối, đường Trần Hưng Đạo (đoạn từ chợ Bến Thành đến đường Nguyễn Văn Cừ) có đến 48 chiếc ôtô biển số vàng (biển xe kinh doanh dịch vụ vận tải) đang đậu. Đó là các tài xế đang đợi khách đi ra từ quán bar, quán nước, nhà hàng hai bên đường.

Đậu xe gần một quán bar đã hơn nửa giờ, anh Hữu Thành (45 tuổi), chạy taxi 6 năm, cho biết mình vẫn chưa tìm được khách. “Tôi chạy từ 17h đến bây giờ là hơn 20h, được hai cuốc xe, mỗi cuốc tầm 50.000 đồng. Tình hình chạy taxi Tết năm nay ế quá”, anh nói.

Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, anh Thanh cho biết mình chỉ lái taxi ngoài giờ làm việc để kiếm thêm thu nhập. Dù vậy, lượng khách trong dịp cận Tết Giáp Thìn 2024 lại giảm đáng kể. Thông thường, anh có thể kiếm được 15 triệu đồng/tháng chỉ nhờ lái taxi sau giờ làm việc. Vào tháng cận Tết này, thu nhập của anh lại không bằng 1/3 so với ngày thường, tức là chưa đến 5 triệu đồng.

Các tài xế taxi đậu dọc theo những tuyến đường sầm uất để tìm khách nhưng tình hình vẫn không khả quan. Ảnh: Unplash.

Có gia đình ở TP.HCM và không cần về quê, anh Thành chia sẻ bản thân đang dự định nghỉ sớm để ăn Tết. “Tôi cũng có tuổi rồi nên hay mắc bệnh, chạy đêm như vầy cũng bào sức lắm. Mùa này kiếm không được bao nhiêu tiền nên tôi đang định tuần sau là nghỉ chạy để ở nhà ăn Tết”, anh Thành chia sẻ.

Lái taxi để kiếm sống đã 3 năm, anh Quốc Nam (34 tuổi) cũng cho biết lượng khách dịp cận Tết ngày càng ít. “Bình thường tôi hay đậu trên đường Trần Hưng Đạo này để đợi khách, đường này nhiều chỗ vui chơi. Mà năm nay chắc người ta thích đi xe ôm công nghệ hơn. Tôi đậu ở đây cũng một giờ hơn rồi mà không có ai đi”.

Tương tự, trên đường Cống Quỳnh (đoạn từ Bùi Viện đến Nguyễn Cư Trinh, dài khoảng 200 m) có đến 21 chiếc ôtô biển vàng đang đậu. Ở đây, trung bình mỗi 10 m sẽ có 1 chiếc taxi đợi khách. Khách hàng của các tài xế ở tuyến đường này thường là du khách và những người đã uống say.

Đậu trên đường Cống Quỳnh từ 16h chiều, chú Minh Nhật (54 tuổi) tâm sự: “Tháng này tôi thu được chưa tới 5 triệu đồng, dù chạy liên tục cả ngày, không nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Đó! Nhìn kìa! Xe đậu kín hai bên đường đó. Nhưng mà toàn xe trống thôi”.

Link bài gốcLấy link
https://lifestyle.zingnews.vn/nhieu-nguoi-vui-toi-ben-dip-tet-say-khong-ngoi-noi-moi-goi-taxi-post1458619.html