Như đã thông tin, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam bà Bùi Thị Hoài Anh, Giám đốc chi nhánh Thanh Xuân Ngân hàng MSB, do có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 8 khách hàng với số tiền 338 tỷ đồng.
Bên cạnh vấn đề xác minh hành vi phạm tội của nữ giám đốc chi nhánh ngân hàng, việc quyền lợi của người gửi tiền vào MSB được đảm bảo ra sao cũng được dư luận chú ý.
Khách mất tiền có được lấy lại?
"Cơ quan công an chắc chắn sẽ xác định rõ số tiền này đã được sử dụng thế nào và xác định trách nhiệm của ngân hàng đối với số tiền này để đảm bảo quyền lợi của khách hàng", vị luật sư chia sẻ.
Theo đó, trong trường hợp phát hiện hành vi thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đối tượng trên - tức bà Hoài Anh - là người thực hiện hành vi có thể bị truy tố theo tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản phải trả lại tài sản cho người bị hại, còn ngân hàng lúc này được xác định là bên có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
“Cơ quan điều tra lúc này sẽ làm rõ số tiền 338 tỷ đồng đã được chi tiêu, sử dụng như thế nào, cất giấu ở đâu và đối tượng trên có những tài sản gì nhằm xác định hướng đi của dòng tiền. Đây là một biện pháp quan trọng để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, đồng thời cũng là cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý của các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật”, ông Thái nhận định.
Ngoài ra cơ quan chức năng cũng cần phải xác minh làm rõ có đồng phạm hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, luật sư Nguyễn Hồng Thái đưa lời khuyên tại thời điểm này, để lấy lại số tiền đã bị mất, người gửi tiền cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, cung cấp thông tin bằng chứng về vụ việc để tìm biện pháp truy vết dòng tiền, giúp nhanh chóng được bồi hoàn lại.
Ngân hàng phải có trách nhiệm
Nhận định về sự việc trên, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, đánh giá việc khách hàng gửi tiền tại MSB bị mất tiền chứng tỏ hệ thống ngân hàng đang có lỗ hổng.
Lỗ hổng này có thể tới từ quy trình của ngân hàng, có thể là việc thực hiện các quy định và quy trình nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của cán bộ ngân hàng hoặc quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cán bộ ngân hàng làm sai, phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu
“Cán bộ ngân hàng làm sai, phía ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Tôi lấy ví dụ như tại ngân hàng của Mỹ, trường hợp người gửi tiền bị mất do lỗi của cán bộ ngân hàng, lập tức ngân hàng có trách nhiệm trả tiền cho khách. Và chỉ cần 3 ngày, phía ngân hàng có phương án xử lý với khách hàng", ông Hiếu chỉ ra.
Do đó, trong vụ việc xảy ra tại MSB, vị chuyên gia cho rằng dù cơ quan công an xác định là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng hay là tham ô chiếm đoạt tài sản của ngân hàng thì phía ngân hàng vẫn phải có trách nhiệm với người gửi tiền.
Cũng qua vụ việc mất hàng trăm tỷ đồng kể trên, ông Hiếu cho rằng NHNN nên xem lại quy trình nghiệp vụ của các ngân hàng thương mại. "Cơ quan quản lý cần có giải pháp để tăng cường quyền lợi người gửi tiền, qua đó củng cố niềm tin của công chúng với hệ thống ngân hàng", ông nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cảnh báo người gửi tiền cần phải đăng kí dịch vụ SMS (gửi tin nhắn về số điện thoại - PV) hoặc sử dụng app banking để theo dõi biến động số dư tài khoản mỗi khi có giao dịch để đảm bảo theo dõi được số dư trong tài khoản ngân hàng.