Báo cáo tài chính kết thúc năm 2023 của ngành ngân hàng cho thấy 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán mới chỉ hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đặt ra trong năm, trong đó chỉ 10 ngân hàng đạt 100% kế hoạch trở lên.
Mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 của toàn ngành ngân hàng là 3,8% so với năm 2022, cũng là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, bối cảnh kinh doanh ảm đạm này đã không kéo dài sang quý I năm nay bởi kết quả công bố từ nhiều nhà băng đang cho thấy những khoản lợi nhuận khả quan.
Cổ đông 'thở phào'
SeABank là ngân hàng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với khoản lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.500 tỷ, tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đó, khép lại quý đầu năm 2024, huy động tiền gửi và giấy tờ có giá của SeABank đạt trên 168.600 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay ước đạt trên 181.200 tỷ đồng, cùng tăng gần 1% so với cuối năm trước.
Tổng tài sản của ngân hàng cũng tăng ròng gần 5.500 tỷ (+2%) để vươn lên mức trên 271.600 tỷ đồng.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý I năm nay là Ngân hàng Á Châu (ACB), nơi ông Trần Hùng Huy làm Chủ tịch HĐQT.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Hùng Huy cho biết tăng trưởng tín dụng của ngân hàng riêng quý I đã đạt gần 4%, cao gấp đôi so với mức tăng toàn ngành và cũng tốt hơn cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, huy động vốn tăng trưởng 2%, bao gồm huy động vốn CASA (tiền gửi không kỳ hạn) tăng hơn 6% giúp tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên hơn 23%.
Với các chỉ tiêu tài chính này, ACB ước tính lợi nhuận trước thuế quý I đạt 4.900 tỷ đồng, sát kế hoạch của cả năm tuy nhiên vẫn giảm nhẹ so với cùng kỳ 5%. Tuy vậy, mức suy giảm này chủ yếu đến từ nền so sánh cao trong quý I/2023 khi ACB ghi nhận khoản thu bất thường từ xử lý nợ.
Nếu loại trừ bỏ yếu tố bất thường này, tăng trưởng lợi nhuận quý I của ACB vẫn ở mức dương.
Cũng trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của OCB, Tổng giám đốc Nguyễn Đình Tùng cho biết chỉ trong 3 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đã đạt 4,6%; huy động vốn tăng khoảng 5% và lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1.000-1.200 tỷ đồng.
Ngoài nhóm nhà băng trên, Công ty Chứng khoán MBS dự báo nhiều ngân hàng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận cao trong quý đầu năm nay. Trong đó, VPBank, OCB có khả năng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất toàn ngành, lần lượt ở 175% và 86%.
Cùng thời điểm, mức tăng trưởng lợi nhuận quý I của VietinBank, HDBank được dự báo lần lượt đạt 43% và 44%; mức tăng cả năm lần lượt là 15% và 31%.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng được MBS dự báo tăng trưởng dương trong quý I còn có Sacombank, Techcombank, BIDV, MB, Vietcombank.
Số ít ghi nhận lợi nhuận suy giảm
Bên cạnh lợi nhuận tăng trưởng tích cực ở các ngân hàng kể trên, số ít nhà băng vẫn ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý đầu tiên của năm 2023.
Cũng chia sẻ tại phiên họp cổ đông thường niên mới đây, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB cho biết kết thúc quý I, ngân hàng đã đạt 2.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (đạt 2.694 tỷ đồng).
Lý giải nguyên nhân khiến lợi nhuận sụt giảm, ông Vỹ cho rằng do quý I năm nay đã gồm một tháng là kỳ nghỉ Tết, cùng với đó hoạt động bán chéo bảo hiểm (bancassurance) tại ngân hàng đã ghi nhận kết quả giảm sút sau những khó khăn của thị trường bảo hiểm.
Tuy vậy, Chủ tịch VIB cho biết kết quả kinh doanh có giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng so với kế hoạch cả năm là 12.000 tỷ đồng thì vẫn khả thi, vẫn là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh.
Tương tự, Công ty Chứng khoán MSB cũng dự báo TPBank sẽ là nhà băng tiếp theo có lợi nhuận tăng trưởng âm 11% trong quý đầu năm nay. Hay những MSB, Eximbank đều dự báo nằm trong danh sách các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận kém khả quan quý này.
Ngoài kết quả kinh doanh quý I, thì tính tới đầu tháng 4, hầu hết ngân hàng lớn đều đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2024 để trình cổ đông thông qua.
Trong đó các ngân hàng tư nhân lớn như ACB, HDBank, MBBank, Techcombank, VIB đều dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 ở mức trung bình 14%.
Các ngân hàng như LPBank, MSB, NamABank, OCB, SeABank, TPBank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm 2024 mạnh hơn, ở mức 28% so với năm 2023.
Trong khi đó, có 4 ngân hàng dự trình kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế lớn nhất là ABBank (+71%), Eximbank (+90%), VPBank (+114%) và BVBank (+179%).
Về mục tiêu tăng trưởng tín dụng, theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán VPBankS, trung bình các ngân hàng dự kiến ghi nhận tăng trưởng tín dụng cả năm nay khoảng 16%. Một số ngân hàng lớn đặt chỉ tiêu tăng trưởng dưới mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là ACB, LPBank, TPBank, Vietcombank.
Các ngân hàng tư nhân vẫn duy trì kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao cũng là các ngân hàng có hạn mức tín dụng (room) lớn như HDBank, MBBank, VIB, VPBank.
Năm nay, các ngân hàng có tiềm lực tài chính tốt đã có khả năng trả cổ tức và có kế hoạch trả cổ tức đều đặn hơn như ACB, MBBank, HDBank, VIB và VPBank.