Sáng 5/4, Ngân hàng TMCP An Bình - ABBank (UPCoM: ABB) đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 cũng như trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024.
Chia sẻ tại phiên họp, ông Đào Mạnh Khánh, Chủ tịch HĐQT ABBank, cho biết trong năm 2023, kết quả kinh doanh của ngân hàng đã không đạt mục tiêu cổ đông giao phó. Trong đó, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 584 tỷ đồng, tương đương 21% kế hoạch được giao.
Chủ tịch ABBank thừa nhận việc kết quả kinh doanh cách xa mục tiêu là trách nhiệm của HĐQT và ban lãnh đạo ngân hàng khi đã không theo dõi sát diễn biến thị trường, không làm tốt công tác dự báo. “Khi những thay đổi, khó khăn trên thị trường xuất hiện, ngân hàng đã không kịp phản ứng”, ông nói.
Vùng trũng hoạt động kinh doanh
Tại phiên họp, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về việc mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay của ABBank chỉ là 1.000 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản dự kiến đạt 170.000 tỷ, tỷ lệ lợi nhuận/tài sản là quá thấp.
Ông Đào Mạnh Kháng cho biết khi ban điều hành trình kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng năm nay, ngay cả HĐQT cũng đặt câu hỏi “tại sao thấp thế”. Tuy vậy, ông Kháng cho rằng mức lợi nhuận 1.000 tỷ không phải con số thấp trong bối cảnh hiện nay.
Vị lãnh đạo ngân hàng cho biết 2023 là “vùng trũng nhất trong hoạt động kinh doanh” của ABBank.
“Khi khó khăn xảy ra thì phải nhìn nhận thực tế sức cạnh tranh của chúng ta quá thấp. Ngân hàng luôn quan điểm cho vay thì phải có tài sản đảm bảo, nhưng việc thanh lý tài sản để thu hồi nợ cũng không dễ. Bức tranh hiện nay của ngân hàng đang khó khăn khi vừa phải duy trì hoạt động hiện hữu, vừa phải xây dựng chiến lược mới”, ông Kháng thông tin.
Giải thích thêm, Chủ tịch ABBank cho biết mức lợi nhuận kế hoạch kể trên được xây dựng trong bối cảnh NIM (biên lãi thuần hoạt động cho vay) đã giảm mạnh năm 2023.
“Các ngân hàng lớn có lợi thế khi duy trì được tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn - PV) cao, nhưng ABBank là ngân hàng nhỏ, lại chịu áp lực giảm lãi suất cho vay, dẫn đến chi phí vốn ép lợi nhuận xuống”, ông nói.
Tuy vậy, lãnh đạo ABBank cho biết đến tháng 3 năm nay, tình hình nợ xấu đã ngừng tăng, đây sẽ là cơ hội để ngân hàng đạt được mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ năm nay.
“Việc đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng lợi nhuận có thể khó tin nhưng cũng phản ánh thực trạng ngân hàng đang ở vùng trũng nhất. Để đạt được mức lợi nhuận kế hoạch này cũng cần sự nỗ lực của cả hệ thống chứ không phải xây dựng qua loa”, ông Kháng nói và cho biết đã yêu cầu HĐQT và đơn vị tư vấn là McKinsey có trách nhiệm với kế hoạch này, đảm bảo lợi ích cổ đông và “không để mất tín với cổ đông”.
Tại phiên họp, ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ABBank, cho biết ngoài lợi nhuận kế hoạch 1.000 tỷ đồng thì năm nay ngân hàng dự kiến phải dành 1.400 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro, đồng nghĩa ngân hàng phải kiếm được khoảng 2.500 tỷ đồng, nên đây không phải con số khiêm tốn.
Ông Hiếu cho biết hiện dưới sự tư vấn của McKinsey, ABBank đã đặt ra lộ trình 5 năm giai đoạn 2024-2028 với mục tiêu trở thành ngân hàng có vốn hóa 3 tỷ USD vào năm 2028, tổng tài sản đạt 15 tỷ USD và lợi nhuận dự kiến vượt 10.000 tỷ đồng.
Một vấn đề được cổ đông quan tâm khác là lộ trình niêm yết cổ phiếu ABB trên sàn chứng khoán HNX hoặc HoSE, hiện cổ phiếu này đang giao dịch trên UPCoM. Ông Kháng cho biết việc niêm yết cổ phiếu là nhiệm vụ đã được cổ đông đưa ra tại nhiều kỳ họp. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngân hàng và đơn vị tư vấn, năm nay không phải thời điểm thuận lợi để lên sàn.
Tuy vậy, theo lộ trình đến năm 2028, ngân hàng đã đặt mục tiêu vốn hóa đạt 3 tỷ USD, mức này không chỉ đến từ tăng trưởng hữu cơ mà còn cần những cú hích như M&A, gọi vốn bên ngoài, niêm yết cổ phiếu... Do đó, việc niêm yết cổ phiếu ABB sẽ được xem xét khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Về giá cổ phiếu, ông Kháng khẳng định quan điểm của HĐQT, ban lãnh đạo ABBank là không thể kiểm soát giá trên thị trường, không làm bóng cổ phiếu, kích cầu thị trường để mang lại lợi ích cho đối tượng nào đó.
Giữ lại toàn bộ lợi nhuận để đầu tư chiến lược mới
Cũng tại phiên họp, cổ đông đặt câu hỏi về việc ABBank hiện có hơn 1.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nhưng lại không có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt hoặc cổ phiếu để tăng vốn.
Chủ tịch ABBank cho biết sau năm khó khăn 2023 cần phải nhìn vào thực tế năng lực cạnh tranh của ngân hàng khá thấp. Phía đơn vị tư vấn McKinsey cũng chỉ ra những điểm yếu ABBank cần thay đổi từ quy trình thủ tục huy động - cho vay, sản phẩm, năng lực hệ thống...
Những đòi hỏi về thay đổi này rất lớn nên sẽ cần chi phí lớn. Do đó, ban lãnh đạo đề xuất chưa chia cổ tức mà để dành nguồn lực cho quá trình chuyển đổi này.
Xin cổ đông kiên nhẫn để chờ gặt quả ngọt hơn. Khi làm chiến lược thì không thể nhanh được.
Ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch HĐQT ABBank
“Xin cổ đông kiên nhẫn để chờ gặt quả ngọt hơn. Khi làm chiến lược thì không thể nhanh được, giống như trồng cây tre muốn mang lại giá trị cao thì cần thời gian và sự kiên trì”, ông Kháng đề xuất.
Tại phiên họp, các cổ đông ABBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 95% so với năm 2023.
Kết quả này dựa trên mục tiêu tổng tài sản đạt 170.000 tỷ vào cuối năm, tăng 5%; huy động từ khách hàng dự kiến tăng 13% lên trên 113.300 tỷ và dư nợ tín dụng tăng 13% lên gần 116.300 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức dưới 3%.
ABBank cũng đề xuất để lại toàn bộ lợi nhuận còn lại chưa phân phối nhằm bổ sung nguồn vốn thực hiện kế hoạch chiến lược, tạo tích lũy nội tại để tăng vốn điều lệ trong tương lai.
Tại đại hội, các cổ đông ngân hàng cũng đã bầu bổ sung ông Nguyễn Hồng Quang, cố vấn Ban kiểm soát vào vị trí thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027 thay thế bà Phạm Thị Hằng đã có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân từ ngày 18/1.