“Bạn nên lập ngân sách rõ ràng”, “Chi tiêu ít hơn số tiền kiếm được”…, không khó để chúng ta bắt gặp những mẹo một dòng ngắn gọn trong quản lý tài chính cá nhân.
Về mặt tích cực, những nội dung nêu trên giúp đơn giản hóa một số vấn đề phức tạp liên quan đến tiền bạc. Nhưng mặt khác, những lời khuyên này có thể gây căng thẳng khi nhiều người áp dụng chúng vào thực tế.
Thêm vào đó, nếu các chỉ dẫn làm giàu thực sự đơn giản như vậy, tại sao vẫn có cá nhân cảm thấy chúng bất khả thi?
Một phần của câu trả lời có thể nằm trong nghiên cứu mới về mối quan hệ giữa tiền bạc và sức khỏe tâm thần do Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia (ASIC) và Beyond Blue, tổ chức tại Australia về sức khỏe tâm thần, hợp tác thực hiện, The Age đưa tin.
................................................................................................................................
Mối quan hệ tâm lý - tiền bạc
Nghiên cứu của ASIC và Beyond Blue cho thấy những người có vấn đề về tâm lý dễ gặp khó khăn về tài chính cao gấp đôi người bình thường.
Nguyên nhân là các trở ngại về tâm lý có thể khiến việc quản lý chi tiêu trở nên vất vả hơn.
Cụ thể, nếu sức khỏe tinh thần không đủ tốt, mọi người dễ dàng loay hoay trong các vấn đề tiền bạc như áp dụng kỹ năng tiêu dùng mới, lên kế hoạch tài chính lâu dài hay chỉ đơn giản là duy trì sự kỷ luật trong chi tiêu.
Thêm vào đó, phạm vi của nghiên cứu trên không chỉ giới hạn trong những cá nhân được chẩn đoán mắc bệnh về tâm lý.
Nói một cách dễ hiểu, dù không thực sự bị bệnh tâm lý, chúng ta vẫn có thể gặp khó khăn tinh thần liên quan đến tiền bạc.
Đồng thời, biểu hiện của đặc điểm này ở mỗi cá nhân thường khác nhau. Chẳng hạn, những người lo âu thái quá trong chi tiêu thường có xu hướng hà tiện. Trong khi đó, một số khác làm việc cảm tính và tiêu tiền như một cách để giảm căng thẳng.
Có thể thấy, ảnh hưởng từ mối quan hệ tâm lý - tiền bạc gần gũi và phổ biến hơn nhiều người nghĩ. Thêm vào đó, nghiên cứu Quốc gia về Sức khỏe Tâm thần và Hạnh phúc gần đây của Sở Thống kê Australia (ABS) cho thấy hơn 2/5 người Australia từng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần trong cuộc đời họ.
Điều này giải thích cho việc thực tế có không ít người phải vật lộn để làm theo các mẹo tài chính có vẻ đơn giản và dễ thực hiện.
................................................................................................................................
Tác hại
Khi không thể làm theo những lời khuyên có vẻ dễ thực hiện nhất, mọi người có thể rơi vào căng thẳng, tội lỗi và thậm chí là tuyệt vọng. Họ còn dễ bắt đầu tự trách và nghi ngờ liệu bản thân có vấn đề gì hay việc cố gắng có còn ý nghĩa gì nữa không.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của ASIC, nhiều người cảm thấy chủ đề tinh thần và tiền bạc này bị kỳ thị. Lý do là vấn đề này dễ bị đánh đồng với thất bại tài chính cá nhân.
Về lâu dài, suy nghĩ này có thể dẫn đến cảm giác hổ thẹn, sợ hãi và cả những hành vi khiến khó khăn về tài chính và tâm lý trở nên tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, thực tế, sự thất bại trong quản lý chi tiêu cá nhân chủ yếu nằm ở cách mỗi người thảo luận về tiền bạc.
Paridhi Jain, người sáng lập nền tảng giáo dục tài chính SkilledSmart, cho hay cải thiện mối quan hệ tâm lý - tiền bạc là thiết yếu để tạo ra sự thay đổi tích cực và lâu dài.
Theo đó, chúng ta cần bắt đầu tiếp cận vấn đề chi tiêu một cách toàn diện hơn. Thay vì tách biệt tài chính và sức khỏe tinh thần, mỗi người cần hiểu rằng cả hai luôn gắn bó chặt chẽ với nhau.